(GLO)- Những ngày gần đây, báo chí và mạng xã hội rộ lên những ý kiến khác nhau về tượng vua Hùng tại Đền Hùng ở Công viên Đồng Xanh- TP. Pleiku-Gia Lai (công trình do Công ty cổ phần Gia Lai CTC đầu tư xây dựng và quản lý). Những ý kiến xoay quanh một số vấn đề về tính thẩm mỹ, màu sắc, chi tiết… Và cơ quan quản lý văn hóa cũng như chủ đầu tư đã có ý kiến về vấn đề này.
Tuy nhiên sự việc chỉ có thể được giải đáp một cách rõ ở những người thực hiện. Có được sự giới thiệu, chúng tôi đã liên lạc với người thể hiện tác phẩm tượng Vua Hùng đặt tại Công viên Đồng Xanh là nghệ nhân Đinh Văn Chiêu (hiện sống và làm việc tại nhóm làng nghề thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức-Hà Nội) để nghe ông nói về mục đích, ý nghĩa, quá trình sáng tác tác phẩm của mình, cũng như bổ sung thêm ý kiến của chủ đầu tư thông qua ý kiến của ông Nguyễn Trần Hanh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gia Lai CTC.
- Ông có nhận xét gì về những thông tin từ báo chí và mạng xã hội về tượng Quốc Tổ Vua Hùng-công trình do Công ty ông đảm trách?
Ông Nguyễn Trần Hanh: Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, không quên nguồn cội và Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các vua Hùng, là biểu tượng của khối đoàn kết dân tộc. Hàng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng góp phần giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Xuất phát từ nguyện vọng đáp ứng đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong tỉnh và lân cận, đơn vị chúng tôi đã ấp ủ ý tưởng xây dựng công trình Đền Hùng và tượng Vua Hùng tại Gia Lai. Việc làm này cũng không khác gì một số địa phương, họ cũng đã xây dựng đền Hùng, tạc tượng vua Hùng và cũng với mục đích, ý nghĩa đó.
Và sau thời gian dày công nghiên cứu, tìm hiểu, lựa chọn tượng Vua Hùng, tượng thờ ở các đình, đền, chùa trong cả nước cũng như các nghệ nhân thực hiện, năm 2007, chúng tôi đã tiến hành xây dựng, thống nhất cách thể hiện, ý nghĩa, màu sắc, tầm vóc, kích cỡ, chất liệu… Nói chung tất cả đều tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, nghệ nhân và đặc biệt là ở các pho tượng ở các đền thờ, chùa trong dân gian từ trước tới nay ở Việt Nam. Khi nghiên cứu tìm hiểu, chúng tôi cũng chưa thấy có tượng thờ Vua Hùng, nhân thần toàn thân, mà chỉ có tượng bán thân. Việc thể hiện hình tượng Vua Hùng toàn thân là một quyết định mới mẻ, mạnh dạn và có sự sáng tạo nhất định.
Công ty xây dựng đền Hùng, tượng vua Hùng trên tinh thần trân trọng và theo phong tục thờ cúng từ trước đến nay của người Việt. Tất cả là vì sự tôn trọng Quốc Tổ, mong muốn có nơi thờ cúng vua Hùng. Cả cách thiết kế, bài trí, xây dựng nơi thờ cúng công phu cũng không ngoài mục đích đó.
Việc các ý kiến gần đây của một số tờ báo, chúng tôi đã nghe, đã đọc, đã tiếp xúc. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai cũng có ý kiến và văn bản trao đổi, đề nghị với Công ty. Chúng tôi đã tập hợp, phân tích, nghiên cứu và cũng đã trả lời làm rõ. Tuy nhiên, trên tinh thần chung, tôi thấy một số ý kiến chưa thật xác đáng và thiếu tính xây dựng.
Cá nhân tôi nhận thấy: Tượng Vua Hùng cũng như cụm công trình tại Công viên Đồng Xanh là một tác phẩm được thực hiện công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng thiêng liêng, rất tốt, đáp ứng nhu cầu thờ cúng, bái vọng của nhân dân gần xa, nhất là mỗi dịp Giỗ Tổ Vua Hùng mùng 10 tháng 3 Âm lịch.
Ảnh: T.S |
- Là người trực tiếp thực hiện tác phẩm tượng Quốc Tổ Hùng Vương, ông có thể nói rõ hơn về tác phẩm này, thưa ông?
Nghệ nhân Đinh Văn Chiêu: Tôi có vinh dự được Công ty cổ phần Gia Lai CTC mời thực hiện tác phẩm trong cụm công trình Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh-TP. Pleiku. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thời kỳ vua Hùng là thời kỳ dân tộc ta sống trong chế độ thị tộc bộ lạc. Nền chính trị, kinh tế còn sơ khai. Nguồn sống chủ yếu dựa vào hoạt động săn bắt, hái lượm và bắt đầu trồng lúa nước.
Và tượng Đức Quốc Tổ Hùng Vương là sự hội tụ tất cả những biểu tượng, ý nghĩa tiêu biểu của thời kỳ đó. Tượng Quốc Tổ không phải là tượng danh nhân văn hóa, không phải là tượng đài kỷ niệm các anh hùng, không phải là tượng trình bày ở các triển lãm… mà là tinh thần của Tổ tiên được linh thiêng hóa thành hình tượng.
- Trước các ý kiến gần đây về tư thế, màu sơn hay một số chi tiết khác của tượng là không phù hợp, vậy ông có thể giải thích thêm?
Nghệ nhân Đinh Văn Chiêu: Trên tinh thần vừa nói ở trên, dáng đứng của Quốc Tổ là biểu tượng của dáng đứng dân tộc uy nghi đường bệ. Mũ của Quốc Tổ là mũ lông chim, biểu tượng của đời sống thời tiền sử gắn liền với hoạt động săn bắt. Cơ thể cường tráng mạnh mẽ của Quốc Tổ thể hiện sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ của dân tộc. Mình Quốc Tổ vắt những tấm vải có hình rồng, mây được thắt lại gọn gàng thể hiện nền văn hóa riêng của dân tộc. Chân Quốc Tổ đứng trên sóng nước thể hiện công việc trị thủy để sản xuất nông nghiệp. Phía sau công việc trị thủy là mùa vàng bội thu, thể hiện bằng những bông lúa trĩu hạt. Cây gậy dưới tay Quốc Tổ thể hiện sức mạnh chống ngoại xâm bảo vệ bờ cõi.
Về màu sắc, theo truyền thống, từ xa xưa, tất cả các tượng để thờ đều làm theo lối sơn thếp. Áo quần thì thếp bạc phủ hoàn kim (tôn thêm sự linh thiêng), còn những phần da thịt, râu tóc thì màu sắc theo lối tả thực: da hồng, môi đỏ, móng tay đỏ, tóc đen (những màu này về nhân tướng học là sự thể hiện một cơ thể tràn đầy sức sống).
Hình tượng Quốc Tổ vì vậy được linh thiêng hóa, được thực hiện trên tinh thần này. Các tượng Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, các vua nhà Lý…, các tượng nhân thần, linh thần thờ ở đền đài, miếu mạo khắp cả nước cũng đều làm theo tinh thần này. Các ý kiến đòi thay đổi, sơn sửa không dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí nhất định, đều là bất cập hoặc thái quá, thật sự không cần thiết.
Ảnh: T.S |
- Ông có thể cho biết, tới đây Gia Lai CTC sẽ làm gì để độc giả, khán giả hiểu thêm và có cách ứng xử phù hợp đối với công trình này?
Ông Nguyễn Trần Hanh: Nguyện vọng của chúng tôi không gì khác khi xây dựng công trình là phục vụ nhân dân, du khách gần xa có nơi tham quan, thăm viếng, tưởng nhớ, bái vọng. Không chỉ đền Hùng và tượng Quốc Tổ, tượng các Vua Hùng, mà công trình chùa Một Cột tại Đồng Xanh cũng không nằm ngoài mục đích đó. Lúc mời nghệ nhân làm tượng Quốc Tổ thì chúng tôi cũng đồng thời thực hiện công trình chùa Một Cột, tượng Phật thờ trong chùa theo đúng nguyên mẫu, tỷ lệ tại thủ đô Hà Nội, và được dát vàng ròng. Riêng tượng Quốc Tổ vì kích thước lớn, lúc này điều kiện kinh tế chưa cho phép nên chúng tôi chưa thể dát vàng lên tượng được. Vì vậy tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành mời các nghệ nhân nổi tiếng làng Kiêu Kỵ-Hà Nội thực hiện dát vàng lên tượng để tôn thêm ý nghĩa, giá trị.
- Nghệ nhân Đinh Văn Chiêu, xin ông cho biết thêm hoạt động lao động sáng tạo nghệ thuật của ông gần đây. Ông có thể bật mí với độc giả về cách thể hiện tác phẩm là tượng thờ?
Nghệ nhân Đinh Văn Chiêu: Tôi hiện sống và làm việc tại nhóm làng nghề thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức-Hà Nội. Trước đây cũng như hiện nay, tôi làm rất nhiều tượng thờ, bằng nhiều chất liệu và chủ yếu là gỗ. Có thể kể ra như tượng Đức Thánh Linh Lan đại vương ở đình Vạn Phúc- Kim Mã-Hà Nội; tượng ở đền Đội Cấn-Hà Nội; tượng cho các nhóm Phật tử đi công đức đền chùa, đặt đem về quê thờ cúng… Tóm lại là rất nhiều tượng.
- Xin cám ơn các ông đã cùng P.V thực hiện cuộc trao đổi này.
Thất Sơn (thực hiện)