Quy Nhơn trời xanh, biển lặng, gió mơn man...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quả thực, nét đẹp của Quy Nhơn khó diễn tả bằng lời, mặc dù tôi đã có hơn 15 năm sống ở đó, từng trải nghiệm những mùa biển lặng, gió mơn man những ngọn dừa phơ phất dưới ánh trăng, hay những ngày biển động sóng xô vào bờ dạt dào, hối hả…

Có lần, tôi được nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể về hoàn cảnh sáng tác bài hát “Biển nhớ”. Đó là vào năm 1962, khi Trịnh đang là sinh viên trường Sư phạm Quy Nhơn.

Những đêm biển động, chàng trai trẻ có trái tim lãng mạn và cô đơn ngồi một mình trên bãi biển Quy Nhơn, nhớ về người bạn gái tên Bích Khê. Vì thế, trong bài hát mới có câu “Trời cao níu bước Sơn Khê” - Sơn nghĩa là núi, Khê nghĩa là sông, nhưng trong nguyên tác thì 2 từ này được viết hoa, ghép tên hai người.

 

Biển, xanh, cát vàng và những ngọn núi trập trùng, thiên đường nơi đất võ.
Biển, xanh, cát vàng và những ngọn núi trập trùng, thiên đường nơi đất võ.

“Biển Quy Nhơn có vẻ đẹp rất lạ kỳ, nhất là những đêm biển động, ánh trăng mờ ảo rọi xuống những con sóng bạc đầu như vẽ nên một khung cảnh huyền hoặc, rất khó diễn tả”, theo lời Trịnh Công Sơn. Và, dường như cả ngôn từ lẫn những nét vẽ tài hoa của ông đều bất lực, để rồi âm nhạc tuôn trào như những cơn sóng vỗ bờ, miên man khắc khoải nỗi cô đơn…
 

Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử.
Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử.

Mặc dù thời gian ở Quy Nhơn không dài, nhưng trong một ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ họ Trịnh - “Diễm xưa”, hình ảnh Quy Nhơn lại hiển hiện với những giọt mưa giăng mắc trên tầng tháp Chàm cổ kính, với bờ vai cánh hạc mỏng manh của người con gái miền Trung.

Tháp Đôi dẫu chỉ khiêm tốn nằm trong một góc nhỏ của thành phố, nhưng nó lại nắm giữ phần hồn của Quy thành thuở xa xưa, là sợi dây duy nhất trên cây đàn bầu kết nối quá khứ với hiện tại.

 

 

Quả thực, nét đẹp của Quy Nhơn khó diễn tả bằng lời, mặc dù tôi đã có hơn 15 năm sống ở đó. Để đến khi rời xa nơi này, trong những khoảnh khắc hồi tưởng về tuổi thơ, mới chợt nhận ra một điều, rằng trong bất kỳ bối cảnh nào, Quy Nhơn cũng đều có một vẻ đẹp rất riêng biệt.

So với những thành phố biển miền Trung khác, Quy Nhơn không đẹp bằng sự tráng lệ, huy hoàng, cũng chẳng quá mộng mơ, thanh cảnh. Đó là một vẻ đẹp không phơi bày, mà ẩn sâu vào bên trong mỗi sự vật. Càng chiêm ngưỡng và suy tư càng thấy đẹp…

Điểm nổi bật nhất của Quy Nhơn là những bãi cát dài hình cánh cung chạy dọc bờ biển. Trước đây, những xóm dân chài lấn ra sát mặt biển khiến cho các bãi biển bị chia cắt thành nhiều khúc. Sáng sớm và chiều tối, ghe tàu ra vào tấp nập, những ngư dân lực lưỡng hối hả chuyển các súc cá nặng vài tạ từ thuyền lên bờ.

 

Bãi đá trứng mờ ảo.
Bãi đá trứng mờ ảo.

Thỉnh thoảng lại bắt gặp một nhóm trẻ nhỏ cưỡi những con vích (rùa biển) đi “dạo” trong các con hẻm nhỏ nồng nặc mùi cá. Khoảng chục năm nay, những xóm chài đã di dời đi nơi khác, nên bãi biển được kéo dài suốt từ mũi Tấn (phường Hải Cảng) đến Gành Ráng, khoảng 5km.

Mặc dù gần đây đã có nhiều khách sạn, resort mọc lên bên bờ biển, nhưng nhìn chung, các bãi tắm ở Quy Nhơn vẫn khá hoang sơ và tĩnh lặng, cát sạch nước trong, ánh nắng chói chang quanh năm…

Nhiều người nói rằng, biển Quy Nhơn đong đầy… nữ tính. Chắc là không sai. Buổi sáng, biển bao phủ màn sương mỏng tang, khiến những tia nắng ban mai như vỡ ra thành hàng triệu mảnh nhỏ, lan tỏa trên mặt nước phản chiếu những chùm sáng màu ngọc bích.

 

Ghềnh Ráng hòa mình cùng nắng mai.
Ghềnh Ráng hòa mình cùng nắng mai.

Chiều về, sẽ thật tuyệt nếu đứng trên Gành Ráng - đồi Thi Nhân, nơi an nghỉ của Hàn Mặc Tử - để ngắm cảnh hoàng hôn, khi trời và biển đều chuyển dần sang màu tím ngắt, thì lại có những luồng sáng kỳ lạ từ đâu đó rọi vào các viên đá tròn xếp đầy  Bãi tắm Hoàng Hậu, tạo nên một khung cảnh kỳ bí đầy mê hoặc.

Eo Gió là một thắng cảnh đẹp mê hồn. Cũng nằm ven biển, nhưng từ trung tâm Quy Nhơn phải đi đường bộ chừng 7km, qua cây cầu Nhơn Hội dài dằng dặc bắc ngang đầm Thị Nại, băng qua những trảng cát mênh mông như sa mạc, thì mới đến được Eo Gió ở xã Nhơn Lý.

Con đường nhỏ dẫn tới một ngôi chùa đột nhiên xuất hiện ngã rẽ dẫn lên ngọn đồi lúp xúp, nơi có bầy dê nhởn nhơ gặm cỏ. Ngay từ dưới chân dốc đã cảm nhận được sự khác biệt từ những ngọn gió luồn qua khe giữa 2 ngọn đồi, từ phía biển vun vút thốc vào.

 

Eo Gió được biết đến nhờ vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ, với số lượng hang yến nhiều thứ hai Việt Nam.
Eo Gió được biết đến nhờ vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ, với số lượng hang yến nhiều thứ hai Việt Nam.

Theo con đường dốc càng lên cao gió càng mạnh. Lên đến đỉnh, cảnh tượng hiện ra trước mắt như một bức tranh sơn thủy hữu tình, một bên là núi, một phía là biển. Từ núi, những khối đá vươn ra như vòng tay tha thiết muốn ôm lấy biển khơi mênh mông.

Eo Gió đẹp nhất từ tháng 4 đến 9, khi trời êm, biển lặng, cả trời và biển đều trong xanh. Sẽ thật thú vị khi cùng bạn bè khám phá những hang đá với các tảng đá thiên hình vạn trạng, buông mình theo những cú trượt mạo hiểm trên trảng cát, hay thảnh thơi thả hồn theo mây trời, sóng biển, đồng xanh…

 

 

Không mấy ai bất ngờ trước thông tin tạp chí du lịch Anh Rough Guides mới đây đã bình chọn Quy Nhơn là 1 trong 3 điểm du lịch “mới lạ hàng đầu Đông Nam Á”. Người ta còn tin rằng, nếu những người tham gia bình chọn có nhiều thời gian hơn để cảm nhận về Quy Nhơn, thì tầm ảnh hưởng của vẻ đẹp vùng đất này không chỉ trong phạm vi khu vực.

Miền ẩm thực độc đáo

Bình Định - Quy Nhơn là nơi có phong cách ẩm thực đặc trưng Trung Trung bộ rất độc đáo, với nhiều món đặc sản không nơi nào có thể “bắt chước”.

- Đó là món nem Chợ Huyện dai và giòn, vị chua và ngọt hài hòa, cùng với mùi gia vị “bí truyền” khiến cả phần lá gói cũng thơm khó tả.

- Bánh hỏi lòng heo với những sợi bánh hỏi mỏng tang, dai vừa, được quết lớp mỡ và lá hẹ thái nhỏ li ti vừa bùi vừa béo, ăn với lòng heo chấm mắm nhĩ, tạo thành một “bản hợp ca” hương vị chinh phục được cả những người có vị giác khó tính nhất.

- Bún chả cá Quy Nhơn là món khá quen thuộc với dân Sài Gòn, nhưng bún cá Quy Nhơn “chính hiệu” chỉ có thể thưởng thức ngay tại Quy Nhơn, không chỉ với miếng chả cá (hấp và chiên) dai và ngọt tự nhiên chứ không cần dùng hàn the, bột ngọt, mà cả kỹ thuật nấu nước dùng cùng tương ớt và những loại rau ăn kèm cũng rất đặc biệt.

- Quy Nhơn có nhiều quán hải sản hoặc đặc sản địa phương rất ngon mà giá lại khá rẻ, chỉ bằng khoảng 70% so với giá đồ ăn uống ở những điểm du lịch khác. Đặc biệt, người Quy Nhơn rất hiếu khách, cung cách thái độ phục vụ rất chân thành và chu đáo.

Việt Khánh/phunu

Có thể bạn quan tâm