Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Quyết tâm cùng Gia Lai vượt qua đại dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình dịch Covid-19 tại Gia Lai diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã chi viện nhiều tổ công tác để hỗ trợ tỉnh trong công tác phòng-chống dịch. Dù những ngày Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng gác lại tất cả, mọi người sẵn sàng lên đường tiếp ứng cho Gia Lai với quyết tâm ở lại chống dịch thành công mới về.
Nhanh chóng xúc tiến xây dựng bệnh viện dã chiến
Ngày 5-2, đội phản ứng nhanh phòng-chống Covid-19 thứ 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã lên đường đến Gia Lai theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đoàn gồm 4 người do bác sĩ CKII Trần Thanh Linh-Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu làm trưởng đoàn. Đây là bác sĩ đã trực tiếp điều trị cho phi công người Anh (bệnh nhân 91) trong năm 2020. Các thành viên còn lại trong đoàn gồm kỹ sư Lê Hữu Hoàng-Phó trưởng Khoa Sinh hóa; kỹ thuật viên Nguyễn Công Danh-Khoa Huyết học và điều dưỡng Vương Thị Nhật Lệ-Phó Trưởng phòng Điều dưỡng.
Ngay khi có mặt tại Gia Lai, không kịp nghỉ ngơi, đội lập tức bắt tay vào công việc khảo sát địa điểm để giúp tỉnh xây dựng đề án và thành lập nhanh nhất bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid. Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh chia sẻ: Nhận được công lệnh của Bộ Y tế, đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường ngay trong ngày 4-2. Trước đó, cũng đã có đoàn đầu tiên lên Gia lai với 3 thành viên. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đoàn là phối hợp với Sở Y tế, UBND tỉnh Gia Lai xây dựng đề án và thành lập nhanh nhất có thể bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid tại tỉnh.
Đội phản ứng nhanh phòng-chống Covid-19 thứ 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sĩ CKII Trần Thanh Linh (thứ ba từ trái sang)-Phó khoa Hồi sức cấp cứu làm Trưởng đoàn quyết tâm giúp Gia Lai chống dịch thành công. Ảnh: Như Nguyện
Đội phản ứng nhanh phòng-chống Covid-19 thứ 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sĩ CKII Trần Thanh Linh (thứ 3 từ trái sang) làm trưởng đoàn quyết tâm giúp Gia Lai chống dịch thành công. Ảnh: Như Nguyện
Theo bác sĩ Linh, ngay khi đến Gia Lai, đoàn đã cùng lãnh đạo Sở Y tế đến Trung tâm điều trị chất lượng cao (đã xây xong nhưng chưa hoạt động) nằm biệt lập gần bên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Tại trung tâm này, chúng tôi đã khảo sát, lên phương án để thành lập bệnh viện dã chiến. Trước mắt, khu này có 2 dãy nhà A và B, chúng tôi tính toán triển khai dãy nhà B thành lập đơn nguyên hồi sức cấp cứu có thể thu dung được 8 bệnh nhân thở máy, lọc máu, chạy ecmo. Ba dãy lầu còn lại, mỗi dãy có thể thu dung 50 bệnh nhân Covid ở mức độ nhẹ và vừa. Có nghĩa trong giai đoạn 1, chúng ta có thể sử dụng điều trị Covid cho 150 bệnh nhân và 1 đơn vị có thể tiếp nhận 8 bệnh nhân nặng. Chúng tôi quyết tâm làm sao triển khai sớm nhất, vừa song hành với trình đề án để triển khai xây dựng phân luồng theo tiêu chuẩn phòng-chống nhiễm khuẩn nhằm giảm lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế; thứ hai là đưa vào hoạt động sớm nhất bệnh viện dã chiến. Trong trường hợp khi lượng bệnh có thể tăng lên vượt quá con số 150 thì có thể triển khai tiếp giai đoạn 2”- bác sĩ Linh thông tin.
Mọi công tác xúc tiến cho việc xây dựng bệnh viện dã chiến đang được tỉnh cùng với lực lượng chi viện của Bộ Y tế triển khai nhanh chóng. “Với kinh nghiệm triển khai bệnh viện dã chiến trong đợt dịch tại Đà Nẵng, chúng tôi cố gắng làm sao nhanh nhất trong vòng 1 tuần sẽ đưa bệnh viện dã chiến vào hoạt động cùng kết hợp với việc đào tạo để có thể thu dung và bắt đầu vận hành bệnh viện dã chiến tại Gia Lai”- bác sĩ Linh nhấn mạnh.
Việc thành lập bệnh viện dã chiến tại Gia Lai là hết sức cần thiết. Bác sĩ Linh cho biết: Đây là chủng biến thể mới, vấn đề chính là tốc độ lây lan nhanh, do đó quan trọng nhất là truy vết, cách ly và nâng cao năng lực xét nghiệm. Chúng ta vẫn tính tỷ lệ những bệnh nhân có thể diễn tiến nặng cần đơn nguyên hồi sức trong trường hợp lây nhiễm chéo, có bệnh lý nền cũng phải nằm trong bệnh viện dã chiến, chuẩn bị phương án 5% cho những trường hợp có thể phải nằm hồi sức. Thậm chí tính tới có thể có những trường hợp cần phải phẫu thuật nên cũng phải xây dựng phương án hệ thống phòng mổ cho bệnh viện dã chiến.
Chống dịch thành công mới về
Đến tiếp ứng cho tỉnh Gia Lai phòng-chống dịch lần này, các y-bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác định không có Tết. “Đối với nhân viên y tế, chúng ta không có nghĩ tới ngày Tết. Trong đầu chỉ nghĩ tới việc làm sao khống chế dịch để bà con được bình yên đón Tết trọn vẹn. Anh em xác định cùng hệ thống y tế Gia Lai cố gắng làm sao kiểm soát dịch nhanh nhất có thể. Hết dịch các anh em mới hoàn thành nhiệm vụ và  an tâm quay trở về”-bác sĩ Linh khẳng định.
Cán bộ xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh trong xét nghiệm mẫu. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong xét nghiệm mẫu. Ảnh: Như Nguyện
Cùng sát cánh với Gia Lai trong những ngày đầu chống dịch, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cử 2 đội công tác đến tỉnh. Một đội do Thạc sĩ Phạm Ngọc Thanh-Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật làm trưởng đoàn đến Gia Lai hỗ trợ công tác truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cũng như có những hướng dẫn cần thiết trong công tác phòng-chống dịch. Ngay sau khi có mặt tại tỉnh, tối 30-1, đoàn lập tức di chuyển vào điểm nóng thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa để khẩn cấp triển khai nhiệm vụ. Tiếp đến, một đội khác do Tiến sĩ Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên dẫn đầu đã đến Gia Lai và hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong công tác xét nghiệm.
Cùng với lực lượng chi viện ngoài tỉnh, các y bác sĩ của tỉnh Gia Lai chùng chung tay nỗ lực ngày đêm chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Cùng với lực lượng chi viện ngoài tỉnh, các y-bác sĩ của tỉnh Gia Lai đang nỗ lực ngày đêm chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Theo Tiến sĩ Viên Chinh Chiến, Viện đã cử lực lượng nòng cốt đến chi viện cho Gia Lai. Trong đó, gần như 2/3 bộ phận xét nghiệm của Viện đã có mặt tại Gia Lai, tranh thủ làm ngày làm đêm để giúp đẩy nhanh công tác xét nghiệm mẫu. “Chúng tôi xác định bám trụ đến cùng cho đến khi tỉnh Gia Lai chống dịch thành công mới thu quân trở về”-Tiến sĩ Chiến chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin: Cùng với lực lượng y-bác sĩ của tỉnh đang nỗ lực ngày đêm chống dịch, Gia Lai đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ Y tế trong công tác phòng-chống dịch. Trong đó, sát cánh cùng với tỉnh trong những ngày đầu chống dịch có Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tiếp đến là Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang và đoàn của Đà Nẵng. Các đội đều xác định không có Tết để toàn lực giúp Gia Lai vượt qua đại dịch. Sự trợ giúp này vô cùng ý nghĩa và tỉnh luôn ghi nhận, trân quý điều này.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm