Một người quen của tôi chia sẻ: Ở nhà anh đang dư thừa nhiều thiết bị điện tử cũ, không còn sử dụng đến như ti vi, điện thoại, laptop nhưng không biết nên xử lý thế nào. Vứt bỏ ra bãi rác thì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, trong khi đó, Gia Lai lại chưa có nơi thu gom loại rác thải đặc biệt này.
Rác thải điện tử là những sản phẩm bị vứt bỏ có phích cắm hoặc pin, thường chứa các chất độc hại và nguy hiểm như thủy ngân và chì. Theo báo cáo từ Liên minh Điện tử Viễn thông quốc tế, khối lượng rác điện tử thải ra năm 2022 trên toàn cầu là 65 triệu tấn, tăng 82% so với năm 2010. Dự báo con số này sẽ tăng lên 82 triệu tấn vào năm 2030.
Đây là điều tất yếu, tỷ lệ thuận với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, một thực tế rất đáng lo ngại là có chưa đến 25% trong tổng khối lượng rác trên được thu thập và tái chế, tạo ra cuộc khủng hoảng mang tên “rác thải điện tử”. Khi bị phát tán ra môi trường, các chất độc hại trong loại rác thải này rất khó nhận biết song lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Ảnh minh họa (nguồn internet). |
Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện mỗi năm cả nước phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Đến năm 2025, ước tính riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.
Đáng chú ý, từ năm 2013, các thiết bị điện-điện tử thải bỏ ở Việt Nam đã được xếp vào nhóm chất thải nguy hại, là 1 trong 6 nhóm sản phẩm phải thu hồi, xử lý nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách giải quyết triệt để, hữu hiệu.
Việc vứt tất cả vào một thùng rác rất tiện, nhưng để phải phân loại thì cần ý thức cao về bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phân loại, xử lý rác thải điện tử được quan tâm nhiều hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 quy định việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; Quyết định số 491/2018/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy định đến năm 2025, 100% nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập, công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật...
Cùng với đó là những hoạt động đáng khích lệ của tổ chức “Việt Nam tái chế” (Vietnam Recycles) từ năm 2015. Với slogan “Trao đi thiết bị hỏng-Nhận lại quà tặng xanh”, tổ chức này đã khuyến khích người tiêu dùng thu gom rác thải điện-điện tử, qua đó nâng cao ý thức về những tác hại nguy hiểm của loại rác thải trên, hình thành những thói quen thu gom xử lý rác thải điện tử một cách khoa học…
Chương trình cũng nhằm mục đích hỗ trợ các nhà sản xuất sản phẩm điện tử nâng cao trách nhiệm trong việc thu nhận, xử lý và tái chế các thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp hết niên hạn sử dụng.
Các thiết bị điện, điện tử (laptop, điện thoại, ti vi, đầu đĩa, máy ảnh…) thải bỏ sau thu gom sẽ được chuyển đến trung tâm xử lý chất thải độc hại để phân loại, tháo dỡ, bóc tách linh kiện để tái sử dụng; những linh kiện không còn giá trị sử dụng thì đưa đi phân hủy trong quy trình khép kín, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Gia Lai hiện đang khởi động việc xét tặng Giải thưởng Môi trường của tỉnh lần thứ 4-2024. Giải thưởng Môi trường tỉnh Gia Lai là giải thưởng chính thức, duy nhất của UBND tỉnh, tổ chức trao giải 2 năm/lần nhằm ghi nhận và tôn vinh những thành tích xuất sắc của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực này. Lễ trao giải thưởng được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới (5-6).
Các lĩnh vực được xét tặng gồm: giáo dục-đào tạo, truyền thông; tham vấn, tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; nghiên cứu và triển khai kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ về lĩnh vực bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; quản lý, xử lý chất thải.
Cùng với đó là các giải pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học; thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Hy vọng rằng, sự tôn vinh của giải thưởng trên sẽ là động lực mạnh mẽ để các tổ chức, cá nhân cống hiến những giải pháp hữu hiệu, thỏa đáng nhằm bảo vệ môi trường, trong đó có mục tiêu thu hồi, xử lý rác thải điện tử.