Rơ Châm Trôm: Già làng gương mẫu ở vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm trong vai trò già làng, ông Rơ Châm Trôm luôn tâm niệm: “Bảo vệ biên giới là trách nhiệm của chính người dân biên giới”. Vì vậy, ông luôn nhắc nhở người dân làng Bua (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) phải tập trung lao động sản xuất, nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời tố giác tội phạm.

Dù ông Trôm  đã bước sang tuổi 76 nhưng người dân trong làng hiếm khi thấy ông ở nhà nghỉ ngơi. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, ông Trôm đều lặn lội lên rẫy để chăm sóc vườn điều, vườn cà phê của gia đình. Bên cạnh đó, ông muốn trực tiếp quan sát, kiểm tra xem khu vực đường biên, cột mốc có dấu hiệu gì bất thường không.

 

Già làng Rơ Châm Trôm trao đổi tình hình với cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn.              Ảnh: P.D
Già làng Rơ Châm Trôm trao đổi tình hình với cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn. Ảnh: P.D

Cả cuộc đời gắn bó với biên giới nên ông Trôm gần như thuộc từng gốc cây, hòn đá trên khu vực vành đai biên giới và lại nhớ từng khuôn mặt người già, trẻ nhỏ trong làng. Do đó, chỉ cần có dấu hiệu bất thường trên khu vực vành đai biên giới hoặc có người lạ mặt ra vào khu vực này, ông đều nhận biết chính xác và gọi điện báo ngay cho tổ chốt tuần tra của Đồn Biên phòng Ia Pnôn hoặc chính quyền địa phương. Ông cũng thường xuyên phối hợp với tổ an ninh trật tự của làng, tổ tự quản đường biên, cột mốc tuyên truyền, nhắc nhở người dân về trách nhiệm bảo vệ biên giới, nhất là các gia đình có rẫy gần khu vực vành đai biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Chính vì luôn tâm niệm “trách nhiệm bảo vệ biên giới trước hết là của người dân biên giới” nên ông Trôm chủ động gặp gỡ, trò chuyện với người dân, khi thì xuống tận nhà, lúc lại lồng ghép trong các buổi họp, khi thì lên tận rẫy. Với trẻ nhỏ, ông Trôm khuyên bảo các cháu chăm lo học tập để sau này góp sức xây dựng quê hương. Với thanh-thiếu niên, ông nhắc nhở phải siêng năng lao động; không cờ bạc, trộm cắp, tiếp tay cho lâm tặc, đua xe; ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Riêng với các đối tượng từng “lầm đường lạc lối”, ông xuống tận nhà để gặp gỡ, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và động viên gia đình họ yên tâm lao động sản xuất, đồng thời ông cũng vận động người dân trong làng giúp đỡ, tạo điều kiện để các đối tượng ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế... Mặt khác, ông cũng nhắc nhở người dân trong làng giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, không thả rông gia súc, chung sức xây dựng nông thôn mới. Ông Ksor Piơm (người dân làng Bua) nhận xét: “Nhờ có già Trôm thường xuyên nhắc nhở nên người dân trong làng nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật và ngày càng đoàn kết, gắn bó. Thanh niên trong làng cũng chịu khó làm rẫy, xin vào làm công nhân chứ không tụ tập, quậy phá như trước kia”.

Nói thêm về ông Trôm, Trung tá Nguyễn Hồng Châu-cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn, nhấn mạnh: “Ông Trôm vừa là già làng, vừa là đảng viên rất có uy tín. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông luôn tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, mỗi người dân trong làng đều nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và tình hình an ninh trật tự tại làng Bua những năm qua luôn ổn định”. Cũng theo Trung tá Châu, làng Bua hiện có 363/395 hộ tự nguyện cam kết tham gia bảo vệ đường biên, dấu hiệu mốc giới. “Ông Trôm còn là thành viên tổ hòa giải nên mỗi khi trong làng hoặc các làng lân cận có xảy ra các vụ mâu thuẫn, tranh chấp, ông đều tham gia hòa giải, góp phần đem lại sự bình yên cho khu vực biên giới”-Trung tá Châu khẳng định.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm