Thời sự - Bình luận

Rối quyết toán thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân đang vào mùa cao điểm và “nóng bỏng” trước quyết tâm số một của Tổng cục Thuế (chính xác hơn là ngành Tài chính) theo quan điểm: thu đúng, thu đủ, không để lọt.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân trước quyết tâm số một của Tổng cục Thuế theo quan điểm: thu đúng, thu đủ, không để lọt.

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân trước quyết tâm số một của Tổng cục Thuế theo quan điểm: thu đúng, thu đủ, không để lọt.

Chị Thu Thủy, một cá nhân tự tay đi làm quyết toán thuế vừa chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Chị Thủy cho hay, chị từng rơi vào tình thế có nguy cơ phải bù cả trăm triệu tiền thuế và trăn trở khi tính khoản thuế phải đóng hằng năm quá lớn...“Căng thẳng nhất là kỳ quyết toán thuế cách đây mấy năm, khi tôi nghỉ việc, nhận các dự án riêng. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mặc định chỉ 10%, trong khi biểu thuế tính lũy tiến là 35%. Lúc đó, tôi hoang mang thực sự, thậm chí từng nghĩ đến việc “bùng thuế”, “lách thuế”. Rất may sau đó, tôi đã có lựa chọn đúng đắn là tìm hiểu kỹ vấn đề và chọn được đại lý thuế phù hợp. Kết quả, thay vì đóng thêm, tôi được hoàn một khoản nhỏ xinh”, chị Thủy kể.

Số người hiểu về quyết toán thuế TNCN như chị Thủy rất hiếm! Tình trạng phổ biến nhất hiện nay là đang nhận trát thu thêm thuế TNCN. Một người đi quyết toán thuế kể, chị rất bối rối khi phát hiện bỗng dưng bản thân có tới hai mã số thuế dù chưa từng đi kê khai hai lần (điều này do cơ quan khai mã số thuế sử dụng chứng minh thư cũ hoặc căn cước công dân). “Dở khóc dở cười” là tình cảnh một số chủ doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh khi đã làm thủ tục đi công tác, du lịch nước ngoài, bởi nợ đọng thuế. Một số người thì “dính” thông báo các khoản chi trả từ hồi nào tới giờ dù đã nộp thuế suất 10% theo dạng thu nhập vãng lai nay cộng dồn, lại bị tính mức thuế suất theo hướng thu nhập cao...

Thuế TNCN là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác sau khi đã được giảm trừ. Thuế TNCN đánh vào người có thu nhập cao, góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, như công luận từng lên tiếng và mổ xẻ, luật thuế TNCN ra đời từ năm 2007 và chỉ được chỉnh sửa duy nhất một lần giảm trừ gia cảnh suốt từ năm 2012 đến nay, đã quá lỗi thời. Với khởi điểm chịu thuế chiết trừ gia cảnh quá thấp, ở mức 4,4 triệu đồng/người, trong bối cảnh giá cả 12 năm qua thay đổi và sự mất giá của tiền đồng vẫn đều đặn “cứa” vào nguồn thu mỗi gia đình. Cùng với đó, biểu thuế suất lũy tiến của thuế TNCN bị than thở là rất cao và luôn “túm tóc” ông có thu nhập. Đây chính là điều khiến người lao động có thu nhập cao xót lòng, bởi số tiền thực lĩnh nhiều khi sẽ còn rất thấp sau khi nộp thuế.

Tại thời điểm này, kế toán một số cơ quan, doanh nghiệp trong đó có cả các cơ quan báo chí cũng“rối bời” bởi thông báo của các cục thuế gửi đến gọi tên các cá nhân đang làm việc tại đây có mã số thuế phát sinh, số tiền phải nộp thêm. Trong số đó, không ít thu nhập đến từ các khoản lương thưởng đã tiêu hết từ lúc nào. Kế toán trưởng một doanh nghiệp: “Chưa năm nào, việc kê khai quyết toán thuế này lại rắn và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như năm nay”.

Làm gì để việc quyết toán thuế TNCN suôn sẻ, tránh tình cảnh nhiều người nặng nề buồn bã khi bị phát sinh cả một món tiền phải nộp thêm? Theo nhiều chuyên gia, làm gì cũng phải từ căn cốt. Rốt ráo là cần sớm sửa Luật thuế TNCN để tăng mức giảm trừ gia cảnh sao cho phù hợp với tình cảnh đời sống người lao động, tránh để họ phải “lách” hay “né” thuế. Còn ngắn hạn, cơ quan thuế cần quan tâm hơn đến việc hướng dẫn kê khai, quyết toán thuế ngay từ khi phát sinh thu nhập. Tránh để người lao động rơi vào tình cảnh bi hài và rối bời trong “mớ bòng bong” quyết toán.

Có thể bạn quan tâm