Rộn rã tiếng trống lân...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, đường phố Pleiku về đêm trở nên sôi động hơn bởi tiếng trống thùng thình của các đội lân lớn nhỏ. "Tùng...tùng...tùng...cắc tùng...tùng...tùng...tùng”... tiếng trống lân mừng Trung thu vang lên khắp các nẻo đường, theo sau là đoàn trẻ rồng rắn nói cười rộn rã. Mùa Tết tình thân ấm áp đang về rất gần.

Tết tình thân sẽ vơi đi ý nghĩa nếu thiếu đi tiếng trống thì thùng và hình ảnh những con lân vui nhộn. Ảnh: Trần Dung
Tết tình thân sẽ vơi đi ý nghĩa nếu thiếu đi tiếng trống thì thùng và hình ảnh những con lân vui nhộn. Ảnh: Trần Dung

Trung thu đến, với các em nhỏ, ngoài những chiếc đèn lồng xanh đỏ, những hộp bánh trung thu thơm lừng, ngọt lịm… thì múa lân là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Còn với người già, tiếng trống múa lân là một nét văn hóa còn lưu giữ bao đời mỗi dịp Trung thu đến. Tết tình thân sẽ vơi đi ý nghĩa nếu thiếu đi tiếng trống thì thùng và hình ảnh những con lân vui nhộn.

Gần một tháng nay, cứ khoảng 19 giờ, các đội lân lớn nhỏ khác nhau trên địa bàn TP. Pleiku đã xuất hiện trên nhiều tuyến đường, ngõ hẻm để tập luyện. Không khí Tết Trung thu trở nên sôi động hơn hẳn. Chỉ cần nghe tiếng trống lân rộn rã thì có rất đông người già, trẻ nhỏ quây quần xung quanh cổ vũ, tán thưởng cho các tiết mục tập luyện. Với những người già như ông Lê An (60 tuổi-phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thì ký ức tuổi thơ của ông  đã gắn bó với tiếng trống múa lân trong đêm hội đón trăng mỗi khi mùa thu về. Ông kể, hồi xưa, bọn trẻ con háo hức chuẩn bị Trung thu từ rất sớm bằng việc làm đuốc, ống thục và cắt giấy dán đèn để chờ đến đêm rằm đi theo đoàn lân rước đèn từ đầu đến cuối xóm. "Ngày nay, mỗi dịp Trung thu về, hoạt động múa lân đã thu hút các cháu thiếu nhi trong khu phố của tôi tham gia. Ngày hội của các cháu thực sự ý nghĩa khi chúng ý thức được hoạt động múa lân là để tạo niềm vui và may mắn cho mọi nhà”-ông An chia sẻ.

 

Mỗi dịp Trung thu về, hoạt động múa lân thu hút các cháu thiếu nhi. Ảnh: Trần Dung
Mỗi dịp Trung thu về, hoạt động múa lân thu hút các cháu thiếu nhi. Ảnh: Trần Dung

Với những đội lân nhỏ của từng tổ dân phố, thì cách múa lân cũng nhẹ nhàng, không nặng tính biểu diễn mà múa có bài bản cố định theo tiếng trống, cộng thêm sự ngẫu hứng, pha trò hài hước của “ông Địa” nhằm tạo niềm vui, thích thú cho trẻ em. Đội lân của các em thiếu nhi tổ dân phố 12- phường Yên Thế (TP. Pleiku) là những cô cậu xấp xỉ tuổi lên 10 đến 15. Những hôm trời không mưa, các em lại tụ họp tại một góc phố để cùng nhau tập luyện. Em Hoàng Anh Minh (trưởng nhóm), cho biết: “Chúng em chỉ tập theo những động tác cơ bản do các anh chị chỉ dạy. Chủ yếu là di chuyển con lân theo nhịp trống cho thật uyển chuyển và ông Địa thì tạo được tiếng cười cho mọi người. Tới những đêm cận kề Trung thu, em và các bạn sẽ đi biểu diễn tới tận từng nhà trong tổ dân phố của mình”.

Còn các đội lân lớn thì phần tập luyện có phần khó hơn. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, các đội lân biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp. Ý nghĩa và sức hấp dẫn của nghệ thuật múa lân phải chinh phục được khán giả. Vì thế, ngày nay có rất nhiều cơ quan, đơn vị, trường học mời đoàn múa lân đến biểu diễn phục vụ trẻ em trong dịp Tết Trung thu.

Tiếng trống múa lân tượng trưng cho thịnh vượng, hạnh phúc và hanh thông. Mỗi đoàn múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân nhiều màu sắc với cái đuôi vải do người khác cầm đằng sau, cả hai mô phỏng điệu bộ của con vật theo nhịp trống. Dẫn đầu đoàn là “ông Địa” bụng phệ, mặt cười toe toét, tay cầm chiếc quạt lớn phe phẩy giỡn lân và làm trò vui cho mọi người. Toàn bộ âm thanh làm nên không khí rộn ràng được tạo ra từ giàn nhạc cụ gồm trống thanh la, não bạt, cồng...

 

Vẻ háo hức của trẻ khi được chiêm ngưỡng màn múa lân. Ảnh: Trần Dung.
Vẻ háo hức của trẻ khi được chiêm ngưỡng màn múa lân. Ảnh: Trần Dung

Dù chưa tới đêm biểu diễn, nhưng hễ có đoàn lân nào nổi tiếng trống tập luyện là ở đó trẻ con lại ùa ra đường để bám theo đuôi và chọc ghẹo “ông Địa”. Khi được ông "mặt cười" xoa đầu và phe phẩy chiếc quạt to, bọn trẻ lại thích thú cười khúc khích. Trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku), mỗi tối có hàng trăm "khán giả" nhí lũ lượt đi theo đoàn lân, nhiều người lớn đi ngang thấy thế cũng dừng xe lại hưởng ứng. Chị Trần Mai Hương (Phường Đống Đa, TP. Pleiku), vui vẻ, nói: “Hai bé nhà tôi rất thích coi múa lân. Cứ nghe tiếng trống lân nổi lên đâu đó ngoài đường là bắt mẹ dắt đi xem bằng được. Chúng háo hức và vui vẻ hẳn khi được tới xem đoàn lân tập luyện”.

Trên nhiều tuyến đường khác của thành phố, vào những ngày cận kề Tết Trung thu, các "vũ công" lân vẫn hồ hởi kéo trống đi dọc các con phố, ngõ hẻm tích cực tập luyện, để tới đêm trăng rằm sẽ có những bài múa lân hay nhất cho mọi người chiêm ngưỡng và múa cầu hỷ để mong được thưởng “hầu bao”. Vào đêm Trung thu, mỗi lần vào nhà ai, sau màn múa, lân được gia chủ thưởng. Thường là tiền được đặt trên cao, lân phải vươn người lên và há miệng ngoạm lấy. Sau khi ngậm được tiền, lân sẽ cúi đầu cảm tạ. Cuối cùng, “ông Địa” vái chào cảm ơn gia chủ rồi cùng đoàn lân sang nhà khác... Cứ như thế, tiếng trống múa lân thùng thình vui nhộn cứ kéo dài trên từng con phố, quãng đường...

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm