Trước nhu cầu về đất sản xuất, những năm gần đây tại các huyện Kông Chro, Đak Pơ (Gia Lai), người dân liên tục dùng mọi hình thức để lấn chiếm rừng làm nương rẫy. Đã có hàng chục ha rừng tự nhiên và rừng trồng bị tàn phá, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể tìm ra giải pháp ngăn chặn. Một số nơi có dấu hiệu buông lỏng theo kiểu… “cha chung không ai khóc”…
Chúng tôi đến xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro), nơi đang nóng lên tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Vượt qua cầu Đak Pơ Kơ chưa đầy 2 km, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi phần lớn diện tích rừng bị lột trụi loang lổ như da báo. Tại tiểu khu 794 (thuộc địa bàn quản lý của UBND xã Đak Kơ Ning, hiện trạng rừng RIII A1), cách trục đường chính hơn 1 km, gần 2 ha rừng vừa bị chặt phá, hàng trăm cây dầu và bằng lăng có đường kính từ 15 cm đến 40 cm bị chặt hạ và đốt cháy nằm ngổn ngang. Theo những người làm rẫy ở khu vực này cho biết, diện tích này vừa bị hạ khoảng 1 tháng nay.
Cây rừng bị hạ ngổn ngang. Ảnh: Lê Nam |
Nhưng khi chúng tôi liên hệ với kiểm lâm địa bàn xã Đak Kơ Ning, ông Võ Văn Thái nói: “Một số diện tích bị lấn chiếm từ trước. Tôi mới về và khi phát hiện một số người dân Bahnar lấn chiếm rừng, tôi đã có ý kiến với xã…”. Như vậy là kiểm lâm địa bàn biết sự việc mà không báo cáo với cơ quan chủ quản. Có lẽ do có nhiều chủ rừng nên đã xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” trong công tác quản lý, bảo vệ. Đến thời điểm này, Hạt Kiểm lâm huyện vẫn chưa nắm được tổng diện tích rừng bị lấn chiếm và thuộc khu vực nào.
Bên cạnh những cánh rừng tự nhiên đang mất dần, những cánh rừng trồng và rừng phòng hộ cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Tại huyện Đak Pơ, chỉ tính riêng trong quý I năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý 4 trường hợp lấn chiếm 7 ha rừng làm rẫy, trong đó có cả sự tham gia của 1 cán bộ thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê lấn chiếm đến 4 ha (bị xử phạt vi phạm 25 triệu đồng). Tình trạng này đang tiếp tục diễn ra, khi những cánh rừng phòng hộ của Ban Quản lý tại xã Hà Tam đang bị hàng chục hộ dân lấn chiếm. Ông Đỗ Hữu Long- Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết: “Dù đã được vận động nhiều lần và cũng đã có biện pháp xử lý nhưng một số hộ dân không chấp hành. Hiện chúng tôi đang tiến hành kiểm tra con số cụ thể và đề nghị với UBND huyện và các cơ quan liên quan cùng phối hợp giải quyết triệt để tình trạng này…”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ha rừng bị lấn chiếm ngang nhiên nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn. Không biết để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm của chính quyền các địa phương đến đâu?
Lê Anh- Lê Nam