Phóng sự - Ký sự

Rùng mình tay ngang làm đẹp-Kỳ 2: 'Không chết là được!'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà N. (quản lý cơ sở thẩm mỹ trên đường Nguyễn Thanh Tuyền, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) tiết lộ nhiều "bí kíp" lôi kéo, buộc khách và mẫu phải "quay lại tìm chị nhiều lần nữa".
 
Tủ thuốc của bà T. (Q.4) chứa hàng loạt loại thuốc dùng để tiêm, truyền cho khách - Ảnh: THU HIẾN
Các loại thuốc bà này sử dụng có tác dụng "đẹp ngay" nhưng đó chỉ là tạm thời, chỉ ít lâu sau vẻ đẹp sẽ dần "xuống cấp".
"Nếu nó (khách) tiêm filler tốt thì được hai năm, còn ham rẻ chọn tiêm filler thường chỉ được mấy tháng thôi, khi thấy không còn đẹp nữa đương nhiên phải quay lại kiếm chị dặm lại hoặc tiêm tan à. Nghĩa là không chỉ tiêm cho khách một lần thôi đâu, nó sẽ quay lại nhiều lần nữa, càng nhiều lần mình càng có nhiều tiền, tiêu hoài luôn" - bà N. đắc ý.
Nhìn mặt khách pha thuốc
Đề phòng trường hợp khách quay lại thắc mắc chỗ tiêm sao lại không đẹp như ban đầu, bà N. căn dặn học viên tuyệt đối không được cam kết với khách, mà phải tư vấn hướng họ đến việc kiêng cữ dầu mỡ (đối với thuốc tan mỡ), kiêng rượu bia (đối với filler). 
"Khách tìm đến cứ nhận làm và khuyên không được uống rượu bia vì filler không chịu rượu bia. Nói thật, không có ai không uống rượu bia, cứ 6 tháng sau là họ phải quay lại dặm à", bà N. nói.
Điều bà N. nói là có cơ sở. Bởi trong số khách tìm đến làm đẹp tại đây có nhiều khách từng được bà phẫu thuật cách đây không lâu, thậm chí cùng chung một dịch vụ. 
Ngay trong buổi dạy lý thuyết gần 1 tiếng đồng hồ cho tôi, bà N. tiết lộ tất cả các loại thuốc sử dụng tiêm cho khách hiện không có bán trên thị trường. Các loại thuốc này được lấy từ Hà Nội, có nguồn gốc từ Hàn Quốc, giá chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Thế nhưng khi tiêm bà N. thường "hét" giá hàng triệu đồng/khách.
Bà này chỉ dạy, với 1cc (tức 1ml) dung dịch filler có giá 400.000 đồng, khi tiêm phải lấy của khách từ 2 đến 5 triệu đồng, một chai botox có giá 800.000 đồng khi tiêm lấy của khách từ 2 đến 3 triệu đồng, một chai tan mỡ chỉ có 900.000 đồng khi tiêm lấy của khách từ 2 đến 3 triệu đồng. 
Còn những vật dụng khác như: ống kim tiêm, cồn, dịch truyền tĩnh mạch, gạc y tế... bà này mua tại các tiệm thuốc tây với giá chỉ vài chục ngàn đồng/sản phẩm. "Quan trọng là kỹ thuật tiêm, chứ thuốc không quan trọng đâu" - bà này nói.
Theo bà N., hiện dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp đang là nghề "hot", rất dễ "hái ra tiền". Việc đầu tư vào tiêm filler, botox chỉ có lợi nhuận, không bao giờ sợ thua lỗ. Đặc biệt đối với các dịch vụ có dùng botox và thuốc tan mỡ cằm, tan mỡ bụng, hạ gò má... có rất nhiều chiêu thức đánh lừa móc túi khách hàng. 
"Hai loại này là dạng bột, trước khi tiêm cho khách phải pha trộn với nước dịch truyền tĩnh mạch để trở thành dung dịch. Em có thể mix (pha trộn) nước dịch truyền tĩnh mạch vào đầy chai hoặc nửa chai thuốc tan, botox đều được. Những khách đưa tiền ít thì mix nhiều dịch truyền, ngược lại nhiều tiền thì mix dịch truyền ít thôi, cỡ nửa chai là được, phải nhìn mặt, xem giá người ta trả rồi mix" - bà N. khuyên dạy.
Với cách làm ăn này, mỗi tháng doanh thu của bà N. khoảng 60 - 80 triệu đồng. "Ngày gần tết, vài đứa ở nước ngoài về qua làm đẹp là tiền không, ham lắm", bà N. nói và cho biết chỉ sau khóa đào tạo cấp tốc dưới bàn tay của bà, nhiều học viên tay ngang "tung cánh" - mở spa khắp nơi và đều thành đạt.
Với chiêu trò tương tự, L. (chủ cơ sở làm đẹp tại một chung cư ở quận 6) thường xuyên đăng tuyển mẫu (người thử nghiệm) tiêm botox, filler. Đầu tháng 6-2019 L. chèo kéo được bà T., ở quận Phú Nhuận đến tiêm cằm cho thon gọn. Từ trước tới nay cằm bà T. vốn được mọi người khen to tròn nhưng L. chê "thiếu cằm" và dụ tiêm độn cằm với giá 350.000 đồng.
"Dù không muốn tiêm nhưng lỡ đến rồi tôi đánh liều. Người tiêm là học viên, thọc kim móc ngược móc xuôi trong cằm rồi dùng hai tay bóp mạnh làm tôi đau điếng. Kết quả sau nhiều lần điều chỉnh cằm tôi bị vênh, méo xệch một bên, mấy ngày sau còn bầm tím" - bà T. bức xúc nói. 
Đối đáp lại, L. không nhận lỗi về mình mà bình thản dụ tiếp: "Đợi hết sưng lên em tiêm tan cho đều lại". Khi khách không đồng ý, L. nhắn lại: "Có ai ép chị tiêm đâu" và chặn cuộc trò chuyện.
 
Bà N. đang hướng dẫn học viên kỹ thuật tiêm filler, botox thông qua đánh dấu các điểm tiêm trên khuôn mặt manơcanh - Ảnh: X.M.
"Không chết là được"
Tương tự bà N., T. (quản lý cơ sở làm đẹp trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4) tiết lộ thực chất thuốc sử dụng cho các mẫu chỉ là loại thuốc rẻ tiền, kém chất lượng. Việc mua và phân phối các loại thuốc rẻ tiền phục vụ việc làm đẹp này, theo T., dân trong nghề hình thành cả đường dây, cần là có. 
Tiêm cho khách mỗi ngày nhưng T. thú nhận không hề biết về nguồn gốc, chất lượng và tác dụng thực của các loại thuốc đang dùng. "Thuốc được người bạn nhập khẩu từ Hàn Quốc bán chui rất nhiều loại, chủ yếu đăng trên các trang mạng xã hội để kiếm khách" - T. nói.
Theo T., với mẫu tiêm filler cho mũi hoặc cằm chỉ được tiêm loại thuốc có giá khoảng 200.000 đồng/tuýp. "Ở một số nơi tiêm miễn phí bọn nó còn tiêm silicon cho mẫu, với cái giá miễn phí đó lấy đâu ra thuốc tốt. Các loại thuốc này tiêm rất dễ tan, thậm chí chỉ cầm được trong vòng vài tuần và gây ra tình trạng biến dạng cho các bộ phận được tiêm", T. nói.
Tôi tỏ ra bối rối, T. trấn an: "Mày chỉ mua về và tiêm thôi, phần còn lại không quan tâm, miễn sao không chết người là được". 
Để thuốc có tác dụng nhanh phát huy được hiệu quả, như các loại thuốc tan mỡ, T. sẽ trộn chúng với nhau (mix thuốc). Đặc biệt, muốn trắng nhanh T. có chiêu tăng hàm lượng chất tẩy trắng khi truyền. Tôi hỏi thật T. có dám dùng các sản phẩm này không? "Mặt tao là mặt tiền, không phải con lợn để chúng nó chọc và đưa cái gì vào cơ thể cũng được", T. nói.
Để được nhiều khách đến làm đẹp và làm sao để khách phải sử dụng thêm dịch vụ là một "nghệ thuật" - T. yêu cầu tôi cần phải học hỏi. Nếu làm tốt có thể kiếm lời 5 - 6 triệu đồng/lần tiêm là chuyện hết sức thường tình. 
Tại cơ sở của mình, mỗi khi có khách tới, T. liên tục gạ khách lên "phòng kín" để tiêm tan, truyền trắng. Khi khách lọt vào "lò" làm đẹp của mình, T. thỏa sức giở các chiêu chặt chém. Tại đây, một tuýp thuốc tiêm filler tốt có giá 300.000 đồng, khi tiêm cho khách T. có thể "hét" giá từ 1 - 1,2 triệu đồng. "Cái gì cũng vậy, mày làm cũng phải lấy gấp đôi lên", T. truyền đạt kinh nghiệm.
Ngày 30-9, sau khi tiêm 1 tuýp thuốc (tương đương 1cc) cho mẫu, T. lấy cằm của mình ra minh họa, giở trò mồi chài: "Cằm như này là chưa đẹp, em phải tiêm thêm 1cc thuốc nữa. Tiêm vào cam đoan buổi tối thả tóc ra nữa xinh như hot girl luôn". Trước lời khuyên đường mật của T., phân vân trong giây lát, mẫu này cũng đồng ý cho T. tiêm thêm 1cc nữa với giá 800.000 đồng.
T. khẳng định, nếu hành nghề làm đẹp mà không biết "gạ" khách thì lấy đâu ra tiền. Nhưng gạ phải nhìn vào tâm trạng của khách. Lần gần đây nhất một vị khách chỉ có nhu cầu tiêm 1cc thuốc, T. đã "gạ" bằng được người này tiêm đến 7cc. Hôm đó T. đút túi gần 6 triệu đồng tiền lời. Ngoài ra, T. còn thú nhận không có sách vở nào quy định số lần truyền trắng, đó là tự T. "bịa" ra để buộc khách phải thực hiện theo lộ trình. Nhờ đó mà T. dễ moi tiền hơn từ khách.
Chất lượng phòng khám thẩm mỹ rất thấp
Năm 2018, lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM xây dựng 12 tiêu chí chất lượng dành riêng cho phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Kết quả kiểm tra 131 phòng khám thẩm mỹ, có đến 114 cơ sở được đánh giá chất lượng rất thấp, cần khẩn trương khắc phục.

Bộ Y tế đề nghị xác minh vụ tử vong sau phẫu thuật căng da mặt

Ngày 16-10, ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - ký công văn đề nghị Sở Y tế TP.HCM xác minh, làm rõ thông tin bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam TP.HCM.
Ông Khoa đề nghị Sở Y tế TP.HCM vào cuộc xác minh, xử lý vi phạm đối với người hành nghề và Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam TP.HCM (nếu có) theo quy định và báo cáo về Cục Khám chữa bệnh trước ngày 25-10.
Hoàng Lộc 
Thu Hiền- Xuân Mai-Hoàng Lộc (TTO)

Có thể bạn quan tâm