Phóng sự - Ký sự

Rừng Tây Nguyên kêu cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ðến nay, khu vực Tây Nguyên có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất nước với 2.557.321 ha đất có rừng, trong đó có 2.206.974 ha rừng tự nhiên. Những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành chức năng và chủ rừng các tỉnh trong khu vực đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Hiện trường vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép xảy ra ngày 29-2 tại tiểu khu 277 thuộc xã Ðắk Rơ Nga, huyện Ðắk Tô, tỉnh Kon Tum.
Hiện trường vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép xảy ra ngày 29-2 tại tiểu khu 277 thuộc xã Ðắk Rơ Nga, huyện Ðắk Tô, tỉnh Kon Tum.
BÀI 1: Nóng bỏng nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép
Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ cuối của mùa khô năm 2020. Thời điểm này, trên địa bàn liên tục xảy ra các vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép quy mô lớn. Ðiều đáng nói, lâm tặc ngang nhiên đột nhập các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng tự nhiên và vùng giáp ranh giữa các tỉnh để khai thác gỗ. Khi vụ việc được phát hiện, rừng đã bị thiệt hại nặng nề.
“Nóng” từ rừng phòng hộ…
Kon Tum là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất khu vực Tây Nguyên với hơn 609 nghìn ha, trong đó có hơn 547 nghìn ha rừng tự nhiên. Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng của tỉnh liên tiếp phát hiện những vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép quy mô lớn. Các đối tượng thường lợi dụng đêm khuya, địa hình phức tạp, vùng giáp ranh giữa các huyện, các tỉnh và lực lượng bảo vệ rừng ít để khai thác.
Mới đây nhất, vào tối 19-4, lực lượng bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (Công ty lâm nghiệp) Ðắk Tô phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Ðắk Tô và UBND xã Ðắk Rơ Nga đã tổ chức mật phục, bắt quả tang tại khoảnh 3, tiểu khu 279 thuộc xã Ðắk Rơ Nga các đối tượng điều khiển hai xe máy cày chở sáu hộp gỗ “khủng”, tương đương hơn 5 m3 gỗ, chủng loại gỗ phay ra khỏi rừng. Lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ một đối tượng lái xe máy cày tên Nguyễn Văn Khường, trú ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi để đấu tranh làm rõ. Ðối tượng còn lại bỏ trốn. Trước đó, 2 giờ ngày 29-2, lực lượng bảo vệ rừng của Công ty lâm nghiệp Ðắk Tô đã tuần tra, mật phục, bắt được 11 lâm tặc đều trú tại huyện Ngọc Hồi đang khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại tiểu khu 277 thuộc xã Ðắk Rơ Nga, thu giữ gần 35 m3 gỗ dổi (nhóm III) và 11 xe máy độ, chế. Rạng sáng 17-3 cũng tại khu vực này, lực lượng chức năng phát hiện một vụ khai thác rừng trái phép khác, tang vật thu được gồm 7 m3 gỗ và năm xe máy…
Tại Ðắk Lắk, những ngày cuối mùa khô, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép diễn ra hết sức phức tạp. Lâm tặc đột nhập vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi để khai thác gỗ quý hiếm. Mới đây nhất là từ ngày 9 đến 12-4-2020, trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLBVR của Công ty lâm nghiệp Krông Bông, huyện Krông Bông đã phát hiện tại lô 4, khoảnh 4, Tiểu khu 1219 do đơn vị quản lý nằm trên địa phận xã Yang Mao có 19 cây gỗ pơ-mu (thuộc nhóm IIA) hàng trăm năm tuổi bị cưa hạ. Qua đo đếm sơ bộ ban đầu, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 37,219 m3.
Tại tỉnh Gia Lai, ngày 26-4-2020, từ nguồn tin báo của nhân dân, lực lượng chức năng huyện Ðắk Ðoa phát hiện một vụ phá rừng quy mô lớn tại tiểu khu 406, 408 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðắk Ðoa, thuộc địa bàn xã Hà Ðông. Qua kiểm đếm ban đầu, hơn 40 cây gỗ có đường kính từ 45 cm đến gần 1 m bị đốn hạ, trong đó có 37 cây thông năm lá mọc tự nhiên, là loài cây đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam được xếp vào nhóm IIA, cần phải bảo tồn. Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðắk Ðoa Nguyễn Hồng Quân cho biết: Hiện tại, phần lớn số gỗ bị cắt hạ trái phép vẫn còn ở hiện trường. Ðể xảy ra vụ khai thác lâm sản trái phép này có một phần trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðắk Ðoa…
… đến khu vực giáp ranh
Nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ở Tây Nguyên hiện nay không chỉ “nóng” ở các khu bảo tồn còn nhiều loại gỗ quý hiếm, mà lâm tặc còn lợi dụng vào khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, các huyện để khai thác. Thời gian qua, chính quyền và ngành chức năng các tỉnh trong khu vực đều ký quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quy chế phối hợp chưa thật sự thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả.
Những ngày đầu tháng 4-2020, được một người dân dẫn đường, vượt khoảng 20 km đường đất đèo dốc từ đường Ðông Trường Sơn, chúng tôi xâm nhập vào địa phận vùng lõi rừng thuộc địa phận xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với Ðắk Lắk. Con đường độc đạo dẫn chúng tôi đi hằn sâu những vệt lún của xe máy cày, xe độ, chế. Càng đi sâu vào rừng mới vỡ lẽ, đó chỉ là lớp áo ngụy trang. Còn bên trong, cây vùng lõi rừng bị đốn hạ rất nhiều. Người dẫn đường cho biết: “Ở khu vực này chỉ một thời gian ngắn đã có vài chục héc-ta rừng bị phá trắng”. Tiếp tục vào sâu hơn, chúng tôi phát hiện hàng chục điểm tập kết gỗ. Các cây gỗ bằng lăng to bị xẻ thành nhiều hộp với chiều dài 2 m, rộng 20 đến 30 cm được tập kết ở nhiều điểm. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng huyện Krông Pa, tại tiểu khu 1430 và 1432 có 58 cây gỗ bị cưa hạ, thiệt hại hơn 9,5 m3 gỗ. Lực lượng chức năng tạm giữ hơn 6,6 m3 gỗ xẻ các loại và một xe máy.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai Trương Quốc Dụng cho biết: Khu vực rừng thuộc xã Ia Dreh là một trong những “điểm nóng” khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Ðối tượng vi phạm chủ yếu sống tại xã Krông Năng và Ia Dreh, huyện Krông Pa. Họ thường tập trung thành bảy đến tám nhóm, mỗi nhóm từ năm đến 10 người. Lợi dụng Công ty MDF Vinafor Gia Lai đang khai thác rừng trồng, họ trà trộn với nhân công, dựng lán tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, tỉnh Ðắk Lắk để khai thác gỗ, xẻ thành nhiều khúc rồi dùng xe máy vận chuyển đi bán cho các đầu nậu. Từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng huyện Krông Pa kiểm tra tại khu vực giáp ranh với tỉnh Ðắk Lắk đã phát hiện, bắt giữ 24 vụ vi phạm lâm luật, tạm giữ 49,691 m3 gỗ tròn, xẻ các loại từ nhóm II đến nhóm VII; 21,2 ster củi rừng; năm xe ô-tô, một xe công nông, 13 xe máy độ, chế và 50 cưa xăng… Ðơn vị dỡ bỏ ba lán trại của các đối tượng nằm ở vùng giáp ranh với Khu BTTN Ea Sô. “Các đối tượng thường lợi dụng khoảng thời gian đêm tối, cắt cử người cảnh giới ở nhiều nơi để canh ngược lại lực lượng chức năng” - ông Dụng nói thêm.
Trong khi đó, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Khu BTTN Ea Sô có diện tích hơn 26.800 ha rừng, trong đó có hơn 20 km tiếp giáp tỉnh Gia Lai. Những ngày gần đây, khu vực giáp ranh này trở thành “điểm nóng” của nạn phá rừng đã đặt Khu BTTN Ea Sô vào tình trạng báo động. Các đối tượng thường tập trung thành bảy đến tám nhóm, mỗi nhóm có khoảng năm đến 10 người dựng lán trại ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, từ đó xâm nhập vào Khu BTTN Ea Sô để khai thác gỗ rồi dùng xe máy độ, chế vận chuyển sang tập kết bên địa phận tỉnh Gia Lai. Số gỗ trên được các đầu nậu mua theo ki-lô-gam để đưa đi nơi khác tiêu thụ.
Chỉ tính từ năm 2017 đến năm 2019, tại khu vực giáp ranh này, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện và xử lý 78 vụ với 96 đối tượng vi phạm, thu giữ hơn 3,362 m3 gỗ tròn các loại, thu nộp ngân sách hơn 286 triệu đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm: Khu BTTN Ea Sô nằm tiếp giáp giữa ba tỉnh Ðắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên. Tại đây, còn nhiều loại động, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới nên lâm tặc ngày đêm tìm cách xâm nhập săn bắn thú rừng và khai thác gỗ. Vì vậy, không chỉ khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai mà tại khu vực giáp ranh với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, các đối tượng ở buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh thường tụ tập thành nhóm năm đến bảy người rồi dùng xe độ, chế thâm nhập vào rừng cắt gỗ, sau đó vận chuyển ra ngoài… Các đối tượng hết sức manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện và bắt giữ.
Trước tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép diễn ra rất phức tạp tại khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô, tỉnh Ðắk Lắk với tỉnh Gia Lai, Phú Yên, ngày 15-4-2020, UBND tỉnh Ðắk Lắk đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác QLBVR, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh với Ðắk Lắk; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tỉnh Ðắk Lắk để mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh…
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, trong bốn tháng đầu năm 2020, trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra 1.150 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 296 vụ phá rừng trái phép, 143 vụ khai thác rừng trái phép, 326 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, với diện tích rừng bị thiệt hại hơn 231 ha, các cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 1.064 m3 gỗ tròn và 462 m3 gỗ xẻ…
(Còn nữa)
BÀI VÀ ẢNH: LÝ HÒA, YÊN BẢO THẮNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm