Phóng sự - Ký sự

Rừng vẫn... "chảy máu": "Băm nát" rừng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng đã lâu, nhưng rừng Tây Nguyên đang bị “băm nát” khắp nơi. Theo thống kê, hiện Tây Nguyên chỉ còn hơn 2,5 triệu hécta rừng, và mất rừng vẫn chưa có điểm dừng.  

“Xẻo thịt” rừng

Nhắc đến Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung, người dân các tỉnh đều nghĩ ngay đến những cánh rừng thông tuyệt đẹp. Nhưng nay rừng thông bị “khai tử” khắp nơi. Một đêm gần cuối tháng 6, chúng tôi nhận cuộc gọi: “Rừng thông tiểu khu 122, xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang bị lâm tặc băm vằm nè. Nhà báo xuống ngay để góp tiếng nói cứu rừng, chứ không rừng còn bị tàn phá nữa”. Chúng tôi vội vã đến hiện trường. Khoảnh rừng rộng hơn 1ha đã bị phá trắng, gốc thông được lâm tặc dùng cành lá phủ lên. “Không chỉ ở huyện mà rừng thông TP Đà Lạt cũng bị tàn sát. Điển hình như tại tiểu khu 114b, thuộc địa phận phường 8, TP Đà Lạt, hàng trăm cây thông ba lá bị cưa hạ nằm ngổn ngang”, một “thổ địa” sống gần tiểu khu 122 ngán ngẩm…


 

Rừng ở tiểu khu 486, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum), bị tàn phá. Ảnh: HỮU PHÚC
Rừng ở tiểu khu 486, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum), bị tàn phá. Ảnh: HỮU PHÚC


Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, rừng bị tàn phá diễn ra ở nhiều huyện, thành phố như Bảo Lâm, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương và Đà Lạt. Nạn phá rừng trên địa bàn ngày càng tinh vi, đặc biệt là thủ đoạn ken, khoan cây đổ hóa chất, hậu quả sau thời gian dài mới phát hiện, gây khó khăn cho điều tra.

Tại tiểu khu 205 và 222, xã Ia Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cơ quan chức năng ghi nhận gần 400ha rừng bị triệt phá. Còn tại tiểu khu 213 (xã Ia Tờ Mốt), hàng chục hécta rừng, đất rừng bị san ủi, chia lô để trồng hoa màu. Công an huyện Ea Súp đang vào cuộc điều tra. Ngược về tiểu khu 1391, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (thuộc lâm phần quản lý của Công ty CP Tập đoàn Tân Mai - Chi nhánh Đắk Lắk), nhiều ngọn núi đã bị cạo nham nhở. Nói về việc rừng và đất của công ty quản lý bị phá, lấn chiếm, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai - Chi nhánh Đắk Lắk Nguyễn Anh Tuấn ngao ngán: “Tính từ đầu tháng 2 đến nay, đã có 63ha rừng và đất rừng ở tiểu khu 139, 1392 của đơn vị quản lý bị người dân phá, lấn chiếm”.

Khoảnh 11, 13, tiểu khu 486 (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) là “điểm nóng” phá rừng với hàng trăm cây gỗ cổ thụ bị “xẻ thịt” còn trơ gốc. Các điểm này đều do UBND thị trấn Măng Đen quản lý. Công an huyện Kon Plông đã vào cuộc điều tra, khởi tố 7 đối tượng lâm tặc… Trong số các đơn vị chủ rừng để xảy ra mất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở Kon Tum thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Hdrai (đóng tại huyện Ia Hdrai) đứng tốp đầu. Từ năm 2018-2020, trên lâm phần đơn vị này quản lý xảy ra 34 vụ vi phạm với khối lượng hơn 941m3 gỗ. Đáng nói hơn, một số diện tích rừng đơn vị này quản lý chỉ còn... trên giấy.

 


Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV (đơn vị quản lý bảo vệ rừng 11 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, thuộc Cục Kiểm lâm), 11 tháng đầu năm 2021, tại 5 tỉnh Tây Nguyên xảy ra 1.504 vụ khai thác rừng và phá rừng trái pháp luật; diện tích rừng thiệt hại là 363ha. Trong quý 1-2022, toàn vùng xảy ra 77 vụ phá rừng thì hầu hết đều diễn ra ở các tỉnh Tây Nguyên với 341 vụ, gây thiệt hại 124ha.


Chủ rừng “tê liệt”

Gỗ và đất lên “cơn sốt” đã khiến rừng trở thành miếng “mồi ngon” cho lâm tặc “xâu xé”, nhưng các chủ rừng gần như bất lực. Ông Lê Bá Phúc Sinh, Giám đốc Công ty Agri Lắk, cho  biết, đơn vị ông từng liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk trồng 57ha rừng cao su, keo vào năm 2012 tại xã Đắk Nuê (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), nhưng nay đã biến thành những đồi cà phê. Nguyên do là sau 4 năm trồng rừng, hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Dlie (xã Đắk Nuê) lấy lý do không có tư liệu sản xuất nên chặt phá rừng trồng, yêu cầu cấp đất. Hậu quả là 57ha rừng keo và cao su bị người dân chặt phá, trồng hoa màu. Sau này, bà con bán lại cho người khác lấy tiền tiêu xài, rồi lại tiếp tục lấn chiếm đất rừng.

Khi được hỏi về gần 400ha rừng bị phá ở 2 tiểu khu 205 và 222, ông Nguyễn Công Tạo, Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), khẳng định: “Người vi phạm đa số là người dân địa phương, thậm chí cả những người trước đây nằm trong nhóm hộ nhận bảo vệ rừng. Các đối tượng khi hay tin một doanh nghiệp đang khảo sát dự án thì tổ chức phá rừng giành đất, trồng hoa màu, chờ khi dự án thực hiện thì yêu cầu chủ đầu tư bồi thường”.

Việc rừng bị phá dễ dàng còn có phần do lực lượng bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm, thậm chí “bắt tay” lâm tặc. Cụ thể, từ năm 2020-2022, đã có 14 nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa (cùng thuộc tỉnh Gia Lai), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do để xảy ra phá rừng trên lâm phần quản lý. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đắk Lắk), 2 nhân viên bảo vệ rừng nhận 35 triệu đồng để lâm tặc vào khai thác gỗ trái phép, cũng đã bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ.

Phải giữ rừng bằng mọi giá

Đánh giá rừng Tây Nguyên có vai trò quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ, Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI - Bộ NN-PTNT), kiến nghị ngành chức năng phải có giải pháp căn cơ để khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang mục đích khác.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để bảo vệ rừng an toàn trước nhiều băng nhóm lâm tặc đang ngày đêm chờ cơ hội “nuốt rừng”. Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, để bảo vệ rừng, đơn vị vận động dân tố giác các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; tăng cường lực lượng kiểm lâm về cơ sở để hỗ trợ chủ rừng tuần tra, truy quét ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm ngay tại gốc.


Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương, ngành sẽ đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng, đảm bảo rừng có chủ thực sự; đẩy nhanh điều tra các đối tượng vi phạm trong các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là các đối tượng cầm đầu để răn đe.

Thạc sĩ Lê Đình Nam, Phó trưởng Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, để giữ rừng Tây Nguyên, ngành chức năng phải có cơ chế đặc thù cho lực lượng bảo vệ rừng, phải đảm bảo cho người lao động có thu nhập ổn định, tương xứng với mức độ đặc thù của công việc thì họ mới chuyên tâm vào công việc giữ rừng. Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần nâng cao độ phe phủ rừng bằng việc đẩy mạnh trồng rừng trên đất trống, thậm chí cương quyết thu hồi diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng, tập trung trồng rừng gỗ lớn vì có giá trị, tính đa dạng sinh học và khả năng giữ đất, giữ nước tốt.

 


Không tuyển được bảo vệ rừng

Trong số khoảng 2,5 triệu hécta rừng ở Tây Nguyên thì phần lớn được giao cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng trực tiếp bảo vệ. Tuy nhiên, chế độ, chính sách cho người giữ rừng hiện chưa tương xứng với công việc nguy hiểm, áp lực. Vì vậy, không chỉ người giữ rừng xin nghỉ việc hàng loạt mà việc tuyển dụng cũng khó khăn. Theo Sở NN-PTNT Gia Lai, từ năm 2021 đến nay, đã có 21 công chức kiểm lâm nghỉ hưởng chính sách tinh giản biên chế và nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân; 10 viên chức bảo vệ rừng tại các ban quản lý rừng xin nghỉ việc. Tại các công ty lâm nghiệp, trong 3 năm đã có 82 trường hợp xin nghỉ việc và 12 trường hợp bị buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết, từ năm 2016 đến nay, chỉ riêng đơn vị ông có 5 công chức xin nghỉ việc, 13 công chức xin chuyển công tác, 44 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi và 3 công chức xin từ chức, xuống chức. Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk còn thiếu 111 công chức, tương đương mỗi hạt kiểm lâm huyện thiếu từ 8-10 cán bộ so với nhu cầu thực tế, nhưng tuyển dụng rất khó khăn.


Theo MAI CƯỜNG - ĐOÀN KIÊN - HỮU PHÚC (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm