Cuối năm 2018, tại xã Nghĩa Ðô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) lũ ống trên suối Nậm Luông đã cuốn trôi và làm hư hỏng, ngập úng nhiều nhà cửa, hoa màu, công trình dân sinh để lại nhiều hậu quả nặng nề. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, bằng quyết tâm và nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, những bản, làng của đồng bào dân tộc Tày đã khoác một tấm áo mới, tiếp tục là điểm đến thu hút khách theo các tua du lịch cộng đồng.
Một góc xã Nghĩa Ðô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: NGỌC BẰNG |
Cuốn hút từ bản sắc
Nằm cách trung tâm huyện Bảo Yên gần 30 km theo hướng quốc lộ 279, xã Nghĩa Ðô có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.854 ha, địa hình lòng chảo, núi cao bao quanh 16 thôn, bản. Ðồng bào dân tộc Tày chiếm hơn 90% số dân địa phương. Ðang mùa hoa trẩu trắng và hoa gạo đỏ, dọc con đường vào xã, sắc hoa điểm xuyết giữa mầu xanh núi rừng tạo nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. Những bản làng từng bị lũ san phẳng, ngập cả mét trong bùn lầy, rác rưởi giờ đã trở lại sạch đẹp, khang trang nhờ sức người nỗ lực. Ðường bê-tông liên thôn nối gần hơn các cụm dân cư, nhà sàn nhộn nhịp dịch vụ homestay đón khách du lịch. Trên các thửa ruộng vừa gieo cấy và bên khung cửi, thấp thoáng những nụ cười con gái và tiếng chuyện trò rôm rả, bình yên.
Thấy có khách đến, bà Lương Thị Quyên niềm nở ra tận cửa đón, mời vào nhà. Gia đình bà là một trong số 12 hộ gia đình trong xã được chọn thí điểm xây dựng mô hình du lịch homestay. Bà kể, ở bản Hón này, nhà bà thuộc vùng đất cao nhất, thế mà trận lũ ống năm ngoái, nước dâng quá ba bậc nhà sàn, ai nấy ngồi trên mép nước đều sợ hãi, hoang mang tột độ. Dấu vết trận lũ lịch sử còn để lại nơi con suối chảy qua bản, tất cả cọn nước bị cuốn trôi, nay chưa dựng lại. Bà Quyên cũng như nhiều người dân không ngờ, sau thiên tai, sức sống của bản làng lại mãnh liệt đến thế, hệt như câu ca của người Tày nơi đây: "Mạy tắc cáng phai khô, khảu thâng đín Nghĩa Ðô oóc nó" (Cây gẫy cành chết khô, đến đất Nghĩa Ðô lại mọc chồi).
Khách phương xa về Nghĩa Ðô, ấn tượng đầu tiên là những bản làng của người Tày được gìn giữ nguyên vẹn bản sắc từ nhà sàn, bếp lửa, khung cửi cho tới trang phục và các làn điệu dân ca, nghi lễ truyền thống… Từ khi huyện Bảo Yên phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai và các chuyên gia nghiên cứu người Pháp triển khai xây dựng xã Nghĩa Ðô thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng được tài trợ bởi Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2013 - 2018, mỗi hộ dân đã đón khoảng trên dưới 10 đoàn khách du lịch mỗi năm. Tuy số lượng còn hạn chế, song bản sắc văn hóa độc đáo và cách làm du lịch dựa vào cộng đồng ở Nghĩa Ðô bước đầu để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách. Khách du lịch đến đây sẽ ăn ở cùng người dân, tham gia các hoạt động cộng đồng, tìm hiểu về phong tục tập quán, lao động sản xuất...
Bà Lương Thị Quyên kể lại, có đoàn khách nghỉ tại bản vào mùa cốm, họ không giấu nổi sự ngạc nhiên, thích thú. Mùa cốm đến trước mùa gặt, là thời điểm đồng bào Tày làm nghi lễ tạ ơn trời đất đã ban mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngô thóc đầy bồ và gắn kết với nhau bằng sinh hoạt cộng đồng ấm cúng. Người Tày làm cốm, hương bay khắp nếp nhà sàn. Gặt lúa, chọn bông là việc của phụ nữ; cánh đàn ông bổ củi, khơi lò, bắc sàn gác sấy cốm. Tiếng chày trai gái bản giã cốm hòa trong tiếng cười nói rộn ràng. Giới thiệu với chúng tôi về văn hóa dân tộc Tày, nghệ nhân văn hóa dân gian Ma Thanh Sợi vừa hát, vừa giải thích cái hay, cái trữ tình của những câu hát cổ mà đồng bào mình tả vẻ đẹp người phụ nữ: Má ửng hồng bồ quân/Thân dong dỏng duyên dáng/Tóc uốn dáng đuôi gà/Mắt liếc mòn đá suối.
Ẩm thực hay nghề dệt thổ cẩm cũng làm nên nét độc đáo ở Nghĩa Ðô. Trong bếp, phụ nữ Tày nấu món ăn theo mùa. Mùa đông cá lam bắp chuối trong ống nứa, thịt trâu vùi tro bếp; mùa hè canh chua cá suối đuôi hồng, lá rau vón vén… Bên khung cửi, họ trổ hết tài hoa qua phong thái nhẹ nhàng, tinh tế với 12 kiểu hoa văn trên từng tấm mặt chăn thổ cẩm mang bản sắc của miền sơn cước gắn với hình ảnh con người, cây lá, chim muông, cảnh trí núi rừng. Người Tày có câu răn dạy con gái: Bìm bịp bò bờ ruộng dài dài/Ðàn bà lười dệt vải mốc thân. Theo lời các bậc cao niên trong vùng, nghề dệt thổ cẩm địa phương manh nha từ giữa thế kỷ 18, do một người tên là Ma Văn Tiều, hậu duệ thứ năm của bà Ma Kà Rai (Bà tổ gốc dòng họ Ma vùng Nghĩa Ðô) truyền dạy. Về sau, phụ nữ trong vùng cải tiến dần khung đan, dệt được nhiều hoa văn phức tạp. Nghề dệt giúp bà con tận dụng được thời gian nhàn rỗi. Những bé gái từ 10 tuổi trở lên đã có thể ngồi khung cửi dệt vải và nhiều cụ già tuổi thất thập còn đủ minh mẫn, dẻo dai để tiếp tục công việc này. Người Tày tinh tế đến mức, cùng một khung cửi, loại mầu và kiểu hoa văn như nhau, nhưng nhìn sản phẩm là có thể biết ngay có mấy người từng ngồi vào dệt. Theo tập tục truyền thống, con gái Tày trước khi lấy chồng phải có đủ 12 chăn, hai cái màn, hai đôi chiếu, và tư trang đủ dùng ít nhất trong vòng mười năm. Tinh hoa thổ cẩm ăn sâu vào đời sống đồng bào qua vật dụng hằng ngày từ chăn gối, chiếu đệm đến mặt địu con trẻ và cao hơn là những lễ nghi ma chay, cưới hỏi, tín ngưỡng thờ phụng.
Hướng tới chuyên nghiệp
Bản sắc độc đáo và sự mộc mạc, mến khách có lẽ là những yếu tố giúp Nghĩa Ðô tạo ấn tượng với khách du lịch. Hằng năm, có nhiều đoàn khách từ các nước như: Pháp, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ, Ðức, Ô-xtrây-li-a... đã chọn nơi đây là điểm đến, trong đó khách du lịch Pháp chiếm hơn 70%. Những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Ðô và huyện Bảo Yên đã xác định du lịch là thế mạnh cần phát huy để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, đồng thời nâng cao ý thức gìn giữ, quảng bá văn hóa vùng miền. Cách triển khai mô hình du lịch của địa phương bước đầu đã kết hợp được khá tốt việc phát huy bản sắc văn hóa với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Ngoài đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ, hoạt động tham quan cho du khách, người dân dần nhận thức rõ hơn cách làm du lịch từ những yếu tố nhỏ nhất, như vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, kỹ năng giao tiếp, duy trì ngành nghề thủ công, hoạt động cộng đồng.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước đi đầu. Về lâu dài, Nghĩa Ðô vẫn cần có những chiến lược cụ thể, dài hơi hơn để hướng tới sự chuyên nghiệp. Chẳng hạn, một địa điểm du lịch cần thiết phải có các đội văn nghệ thôn bản, điểm sinh hoạt cộng đồng và bên cạnh nghề dệt thổ cẩm cần khôi phục thêm các nghề đan lát, thủ công khác đã bị mai một; bảo tồn, giới thiệu được các làn điệu dân ca dân vũ như hát cọi, hát then, hát lượn và nhạc cụ dân tộc như: đàn tính, sáo trúc, trống, kèn; kết hợp du lịch sinh thái với tham quan danh thắng, di tích lịch sử địa phương như: Thành cổ Nghị Lang, phế tích đồn Nghĩa Ðô, di tích đền Nghĩa Ðô.
Trao đổi cùng chúng tôi, nghệ nhân Ma Thanh Sợi (nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ðô) cho biết, bản thân ông cũng trăn trở vì nhiều điều địa phương chưa làm được. Ông là nghệ nhân duy nhất ở xã, sở hữu nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc Tày mà chưa có cơ hội để ứng dụng. Ông mong muốn ngày càng có nhiều thêm những người trẻ tuổi và người đang tham gia công tác quản lý văn hóa, du lịch tiếp cận nguồn tư liệu này để phục vụ quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu du khách. Du khách đến với Nghĩa Ðô không chỉ để ăn nghỉ, vui chơi mà còn có nhu cầu tìm hiểu trầm tích văn hóa lịch sử, nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng, phẩm chất con người bản địa. Ðó là những điểm nhấn quan trọng góp phần làm phong phú, đa dạng, tăng sức hút cho những nơi làm du lịch.
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Dương Ðức Huy chia sẻ: Ðể phát huy tiềm năng và khắc phục khó khăn, hạn chế, thời gian tới, các cấp quản lý huyện và xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm đưa Nghĩa Ðô trở thành điểm tham quan thu hút đông du khách; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ du lịch cộng đồng; xây dựng hệ thống biển quảng cáo, biển chỉ dẫn giới thiệu tại các điểm du lịch; tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội và sản xuất, phát sóng bộ phim tài liệu nhằm giới thiệu, quảng bá tua tuyến, các điểm du lịch chính của địa phương. Ðể khai thác du lịch bền vững, có chiều sâu, đội ngũ những người quản lý sẽ tìm hiểu nét đặc trưng riêng của vùng miền, con người nhằm đưa ra chiến lược phù hợp, chi tiết; không đi theo chiều hướng xô bồ, cẩu thả, tránh phục vụ khách khi điều kiện sẵn có chưa đủ đáp ứng.
MAI LỮ (nhandan)