Phóng sự - Ký sự

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 2: Bà Quẹo là... Bà Quẹo nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thuộc đất Gia Định xưa, Bà Quẹo được nhiều bậc cao niên nhớ đến với cái chợ ngay ngã ba đường và một vùng đất đồng ruộng.
 
Dấu xưa Bà Quẹo còn lại chốn này - Ảnh: THỦY TIÊN
Là dân Sài Gòn đi kinh tế mới Long An, tôi thường xuyên qua lại ngã Bà Quẹo. Đó là những buổi sáng mặt trời chưa lên, rau quả đầy ắp chợ và mùi rau thơm bốc lên lừng cả đoạn đường.
Nguyễn Quốc Minh (một cựu dân ở ngã tư Bảy Hiền, gần Bà Quẹo) 
Thế hệ dân Sài Gòn gần tuổi 50 như tôi cũng không biết bao lần đã ngược xuôi qua Bà Quẹo, nhưng vẫn như khách lạ khi tìm hiểu nơi chốn này...
Bà Quẹo hay bàu Quẹo?
Nhắc đến Bà Quẹo, người ta thường chỉ nhớ và khuôn biệt ở chợ Bà Quẹo (nay là chợ Võ Thành Trang, phường 14, Tân Bình, TP.HCM) mà không biết rằng ngày xưa nó là trung tâm của làng Tân Sơn Nhì, tổng Dương Hòa Thượng.
Ông Lý Thiếu Lương, 83 tuổi, nhà ở phường Tân Kỳ, quận Tân Phú, sống ở đây từ năm 1960, kể chợ Bà Quẹo khi xưa (chợ cũ) nằm ở gần ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (vị trí nhà sách Nhân Văn hiện nay). Khu chợ mới (chợ Võ Thành Trang ngày nay) lúc đó chỉ là chợ tạm, chưa có tên, ít người buôn bán. 
Sau năm 1975, do dân ngày càng đông, chợ cũ không đáp ứng nhu cầu nên được di dời, sáp nhập với khu chợ mới và được đổi tên thành chợ Võ Thành Trang. Chợ chủ yếu mua nông sản từ vùng Hóc Môn, Củ Chi, Long An, Tây Ninh để bán lại cho các chợ ở Sài Gòn, Chợ Lớn.
Không cách nhà tôi bao xa, trục đường chính qua Bà Quẹo ngày xưa là đường Thiên Lý (sau đổi thành Cách Mạng Tháng 8 và phân đoạn thành Trường Chinh hiện nay). Cả khu vực này ngày ấy chỉ có duy nhất chợ Bà Quẹo (ấp Tân Kỳ, xã Tân Sơn Nhì) nên người ở ấp Tân Quý muốn đi chợ thì phải đi tuyến độc đạo bằng xe ngựa xuống chợ. 
Con đường đó được người dân quen gọi Tân Kỳ Tân Quý do nối liền hai làng cùng tên. Bến xe ngựa ngày trước nằm tại vị trí ngã ba Tân Kỳ Tân Quý và Lê Trọng Tấn. Đây cũng là nơi họp chợ đêm của chợ Bà Quẹo, chợ bán sỉ hàng bông lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. 
Nhà báo - nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, một cựu dân Bà Quẹo, sống ở khu ngã ba này (khi xưa gọi là ngã ba Trong) cho biết do chợ đêm hoạt động nhộn nhịp, đèn đuốc sáng trưng, ngựa hí và người dập dìu trước chợ, ngay cạnh hội đồng xã Tân Sơn Nhì, đối diện đồn cảnh sát xã, nên để bảo đảm an ninh, chính quyền ra lịnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng. 
Để "lách luật", ban đêm tiểu thương vào trong khu ngã ba Trong nhóm họp chợ đến tận sáng.
Ngày tôi còn nhỏ thường nghe người lớn kể rằng tên Bà Quẹo được đặt theo tên bà chủ chợ. Nhưng nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển cho rằng tên này bị đọc chệch của bờ Quẹo hay bàu Quẹo vì ở khu này có một khúc quẹo rất rõ, ngay đây ngày xưa là một cái bàu nên gọi theo đặc điểm như thế cho dễ nhớ. Chính vì vậy, từ "quẹo" ngày xưa được đặt cho nhiều nơi như ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có cống Quẹo, huyện Cần Giờ có lộ Quẹo.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cũng bác giả thuyết cho rằng Bà Quẹo là một trong năm người vợ của ông lãnh binh Thăng, được chồng cho cai quản chợ để các bà chuyên tâm làm ăn, khỏi ghen tuông, cãi nhau, nhức đầu (!).
Trong khi đó, theo lời kể truyền miệng của một số người sống lâu năm tại khu này, tên Bà Quẹo đã có hơn 100 năm qua. Bà Quẹo là một người phụ nữ vẹo tay (người miền Nam gọi là quẹo), bán trà, chuối ở ngã ba, gần chợ (ngày nay thuộc mũi tàu Trường Chinh - Âu Cơ). Đây là điểm hẹn của những xe thổ mộ chở hàng rau củ "buôn có bạn, bán có phường" từ Hóc Môn, Củ Chi, Long An lên miệt Sài Gòn, Chợ Lớn dừng chân uống nước, nghỉ ngơi mỗi khi đi, về.
"Ngày xưa, hồi tui còn nhỏ xíu đã nghe má tui nói bà Quẹo là người đàn bà có tật ở tay, bán gì không rõ, ở khu vực chợ này. Nghe nói vậy, chứ có ai biết mặt mũi bà ấy ra sao đâu" - bà Nguyễn Thị A (73 tuổi, nhà ở hẻm 985 Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú), một người đã có nhiều thế hệ sống tại khu Bà Quẹo, kể.
 
Chợ Bà Quẹo xưa nay đã thành chợ Võ Thành Trang - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vùng đất của lúa và hầm
Do Bà Quẹo là vùng đất xưa, từ thời chúa Nguyễn vào Nam khẩn hoang, mang theo di dân miền Trung vào lập nghiệp nên sau nhiều thế hệ dần dần con cháu bị "Nam hóa", chẳng ai còn nhớ gốc gác của mình là người ở đâu. Chỉ đến thập niên 1960, Bà Quẹo mới tiếp đón thêm làn sóng người mới nhập cư từ miền Trung vào sống tại khu vực chợ Bà Hoa, ngã tư Bảy Hiền. Rồi đến sau 1975, dân tứ xứ ở nhiều nơi mới tìm đến vùng đất ruộng và lắm sình lầy này của Sài Gòn.
"Hồi xưa, khu này toàn hầm là hầm. Nhiều nhà có một, hai cái hầm nuôi "Việt cộng" và cũng để người nhà trốn đi lính. Như nhà tui cũng có hai cái hầm, một để nuôi anh chồng làm cách mạng, một để cho chồng tui trốn quân dịch" - bà A nhớ lại. Theo bà A, vùng đất này ngày trước nhiều ruộng, mỗi nhà được bao quanh bởi một lũy tre. Nhà bà cách nhà hàng xóm hơn cả mẫu đất. 
Khu dân ở đông nhất là gần chợ Bà Quẹo, còn xa hơn chỉ là ruộng lúa. Sau năm 1975, người dân chặt bớt tre để đỡ hoang hóa và cũng để bán bớt đất. Đất rộng, người thưa, chỉ toàn là ruộng với ruộng, lại đường nhỏ hẹp, có nơi chỉ lối mòn nhỏ, nên đất khu này lúc đó bán rẻ như cho. Chỉ đến đầu thập niên 1990, cơn sốt đất bùng lên, giá nhà đất mới dần tăng chóng mặt.
"Ngày xưa có điện nhưng tù mù lắm, đâu có mà sáng trưng và xài thoải mái như giờ. Đèn đường cũng đâu có. Sáng sớm gánh rau ra chợ nếu có chị em nào hẹn đi cùng thì vui. Còn không thì cũng phải gánh một mình trong đêm tối thui. Nhưng tui là dân ở đây lâu nên quen rồi, không có sợ gì hết" - bà A tâm sự về cái thời vất vả lúc xưa.
Đến cuối thập niên 1980, nếu ai đến khu này vẫn thấy còn hơi "quê quê" như mỗi khi tôi về nhà dì mình ở phường 15, quận Tân Bình. Từ mũi tàu đường Cách Mạng Tháng 8 - Âu Cơ đi xuống phía Khu công nghiệp Tân Bình ngày nay, ven con đường nhỏ chỉ là những ngôi nhà nhỏ, nếu có lầu cũng chỉ nho nhỏ.
Thế nhưng khi vào những con hẻm thì khung cảnh giống như về miền Tây. Nhà người dân trong hẻm lại rộng rãi, thoáng mát, xung quanh nhà trồng cây trái, nhất là những nhà ở cố cựu. Gần đó là những khu đất trống trồng rau xà lách, cải và cả hoa vạn thọ.
Tôi còn nhớ vào dịp tết, khi đó dì tôi mới "tình trong như đã", dượng đã đem "sản vật" do nhà mình trồng là những bông vạn thọ thơm ngai ngái xuống biếu nhà ngoại tôi. Người dân Bà Quẹo xưa cũng mộc mạc, chân chất. Đến tìm nhà cũng không cần hỏi kỹ địa chỉ, mà chỉ đi đến đúng hẻm, hỏi tên người là được chỉ đến tận nơi. 
Nhà này biết rõ từng "nhân khẩu" nhà kia thông qua những "nickname" đậm chất quê xưa như Hai Cư, Ba Lé, Tám Dịu... Cũng chính vì chân chất, thật thà nên dù nhà không khá giả gì, dượng vẫn lọt qua được các vòng sơ tuyển, chung kết của mấy dì lẫn ông bà ngoại tôi để làm rể, và được ông bà tôi thương như con ruột của mình cho đến ngày dượng mất.
Cảnh xưa hiện đã thay đổi nhiều. Mỗi khi đi ngang, tôi chỉ còn định vị được và nhìn ra cái chợ xưa, cái bưu điện Bà Quẹo thuở nào. Giờ địa danh Bà Quẹo chỉ còn được nhắc đến qua những câu chuyện của người lớn tuổi. Rồi các thế hệ sau sẽ lướt qua đây với tốc độ metro và chắc chẳng mấy quan tâm đến cái địa danh Bà Quẹo nghe lạ lạ tai, một thời từng là thôn dã ven Sài Gòn...
____________________________
Kỳ tới: Bảy Hiền thân thương
"Tới Bảy Hiền nghen. Tui xuống đó. Nhớ đúng Bảy Hiền nghe bác tài". Bảy Hiền là địa danh gì mà gắn bó, thân thương đến thế?
THỦY TIÊN (TTO)

Có thể bạn quan tâm