Đồng bào vùng cao Quảng Trị không “thèm” luồn rừng đốn gỗ để bị chịu tiếng là lâm tặc, bây giờ họ biết cách sống được từ rừng, có bát cơm đầy từ những sản vật sâu bên trong rừng…
Luồn rừng tìm “sâm núi”
Anh Hồ Văn Phơi (45 tuổi) có cả chục năm luồn rừng đào “sâm núi” ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông, H.Đakrông (Quảng Trị). Luồn rừng tìm, nhưng không biết vị trí cụ thể nào để nhắm đến. “Với loại cây khác thì có thể tìm theo kinh nghiệm, nhưng “sâm núi” thì không được đi theo lối cũ. Vì nếu theo lối cũ thì có nghĩa nơi đó đã có người đến, họ đã đào rồi, còn đâu?”, anh Phơi lý giải.
Nói là “sâm núi” cho sang chứ thực ra đấy chỉ là… rễ cây, có khả năng chữa bệnh hoặc tốt cho sức khỏe, ngâm rượu với nồng độ cao. Ấy là các loại rễ cây sâm cau, sâm dây, hà thủ ô, cây huyết chó… “Sâm núi” được lùng tìm quanh năm, nhưng dịp cận tết lượng thợ săn tăng rõ rệt, phần nhiều vì đây là thời điểm người mua tăng đột biến. Ngày xưa, khi “sâm núi” còn nhiều, mọc ở ngay bìa rừng, người Vùng Kho thường đi đào về ngâm rượu uống trong nhà. Giờ thì có cầu có cung, người Vân Kiều ở Vùng Kho sục sạo tìm “lộc rừng”. Những cánh rừng ở Đakrông ngày càng lùi dần, nên người tìm kiếm “sâm núi” phải đi xa hơn, vất vả hơn.
Vất vả nghề làm đót ở vùng biên Lao Bảo (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: Bá Cường |
Hồ Văn Phơi bảo, đi tìm “sâm núi” cũng như chơi xổ số. May mắn thì kiếm được chục bó dù chỉ mới đến bìa rừng. Xui xẻo thì dù có lội vào tận rừng sâu, dù bị cây rừng xé tươm máu, tay đào đất bong cả móng… vẫn về không. Người đi tìm “sâm núi” thường đi theo nhóm, vừa để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố vừa báo tin cho nhau để cùng đào nếu phát hiện vùng “sâm”.
Thành phẩm được người dân treo lủng lẳng từng bó bên vệ đường ngang qua Vùng Kho để bán cho khách vãng lai. Đồng bào Vân Kiều không bán theo ký mà bán theo bó. Mỗi bó, tùy lớn nhỏ, có giá từ 50.000 - 200.000 đồng. Ai thắc mắc thì được trả lời: “Vì không có cân!”. “Người đồng bào chúng tôi có ít lúa nương và sắn, nhưng phải chờ nhiều tháng mới thu hoạch được. Việc đào sâm núi dù vất vả và không ổn định, lúc rảnh không có việc gì làm thì kiếm được đồng nào hay đồng ấy”, Hồ Sương, cô gái Vân Kiều 38 tuổi đang bán “sâm núi” bên đường, chép miệng.
“Sâm núi” được người dân ở bản Vùng Kho (xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị) bày bán dọc quốc lộ 9. Ảnh: Thanh Lộc |
Kiếm cơm từ cọng đót, búp măng
Sản vật của rừng không có gì đáng bị bỏ đi. Cọng đót và búp măng rừng là thí dụ.
Mọc hoang dại trên những triền đồi và đồng hoang dọc bờ sông Sê Pôn ở vùng biên giới Việt - Lào, cây đót tưởng chừng không có giá trị cao về mặt kinh tế. Nhưng vài năm trở lại đây, cứ đến mùa đót (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau), người dân bản xứ lại mang theo rựa lùng tìm đót tươi, cọng thẳng để đốn mang về bán cho thương lái với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Nếu phơi khô thêm 4 - 5 ngày nắng, đót sẽ bán được giá gấp 3 lần (tất nhiên khi đó cũng bị “ngót” phân nửa trọng lượng). Nhiều thương lái thu mua lượng lớn đót tươi, sau đó thuê nhân công phơi đót, đóng bao và xuất đi các tỉnh thành lân cận như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…
Lặn lội vào rừng tìm măng. Ảnh: Bá Cường |
“Ngày trước nhân công chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực lân cận, do tiền công rẻ. Bây giờ, khi giá trị của cây đót tăng lên, nhiều người dưới xuôi cũng tham gia vào “đội hình” phơi đót”, bà Lê Hà, một cư dân ở Lao Bảo (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) nói.
Nghề làm đót không quá nặng nhọc nhưng cũng không ít gian truân. Từ cây đót tươi đến khi trở thành những chiếc chổi đót nhỏ xinh, còn phải qua đôi bàn tay của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều nâng niu ve vuốt. Có lên thị trấn vùng biên Lao Bảo những ngày cận tết mới thấy hết giọt mồ hôi của người làm đót trên vùng đất nóng và thấu hiểu nỗi cực nhọc đó. Ở khu vực này, người ta tận dụng bãi đất tại khu công nghiệp bỏ hoang rộng hơn 2 ha để phơi đót. Làm đót chỉ là nghề thời vụ, cứ đến mùa là dân tứ xứ lại đổ về Lao Bảo, dựng lều bạt, làm bếp để ăn, ngủ và canh giữ đót. “Hết mùa đót, chúng tôi lại gói gém lều chõng ra về và hẹn năm sau trở lại”, anh Hồ Văn Vinh (trú xã Húc, H.Hướng Hóa, công nhân phơi đót) nói.
Không tốn nhiều công phơi phóng như đót, nhưng việc hái măng vùng cao Quảng Trị thì lại đòi hỏi phải đi xa, gùi cõng nặng. Cứ đến đầu mùa mưa, đồng bào Vân Kiều cư ngụ dọc cung đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Hướng Phùng (H.Hướng Hóa) lại băng rừng vượt suối đi tìm những đọt măng tận trên những đỉnh đồi cao của dãy Trường Sơn Đông. Trong “đoàn quân” ấy trẻ có già có. Họ kéo đi từ quãng tháng 6 âm lịch.
Trước khi bán măng, phải bóc vỏ. Ảnh: Bá Cường |
Bày bán măng rừng bên vệ đường. Ảnh: Bá Cường |
Chúng tôi theo chân nhóm 6 cô bé ở thôn Cộp (xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa) vào rừng hái măng. Đoàn đi từ 6 giờ sáng, trực chỉ đỉnh đồi cách đó khoảng 5 km. Đường dốc đứng, lại gặp lúc trời ẩm ướt mùa mưa khó đi. Vào đến nơi, nhóm tách rời, len giữa rừng tre, cắm cúi tìm măng. “Có những hôm may mắn, chỉ cần vài giờ đồng hồ, chúng em đã có thể kiếm được vài chục ký măng. Tìm măng khá dễ, không lúc nào phải về tay trắng, chủ yếu là được ít hay nhiều”, Hồ Thị Vi, cô bé Vân Kiều 14 tuổi, nói.
Trước khi bán cho thương lái, nhóm của Vi còn phải bóc hết lớp vỏ sần sùi để lộ búp măng nõn nà màu vàng nhạt bên trong. Nếu có thương lái mua hết, măng được bán sỉ, giá 10.000 đồng/kg. Còn không, các em nhỏ Vân Kiều mang ra quốc lộ 9 bày bán cho người qua lại, chia thành từng phần nhỏ 5 - 7 búp măng, cũng bán với giá 10.000 đồng/phần.
Đói nghèo vẫn đang hiện diện ở vùng cao Quảng Trị. Nhưng đồng bào vùng cao chăm lam chăm làm, có thể mưu sinh từ sức lực của mình. Họ đón nhận “lộc trời”, mang về những bát cơm đầy như cách mà bao đời nay tổ tiên của họ cũng đã sống nhờ rừng.
Theo Nguyễn Phúc - Thanh Lộc (TNO)