Thời sự - Bình luận

San sẻ gánh nặng học phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đến nay, nhiều địa phương đã công bố mức học phí năm học 2024-2025, áp dụng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Nhìn tổng thể, mức học phí mới tại các địa phương đều theo sát mức sàn quy định (mức tối thiểu) của Nghị định 81, song ở một số tỉnh, thành vẫn cao hơn so với những năm học trước.

Việc tăng học phí trong hệ thống giáo dục phổ thông luôn là chủ đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Bởi lẽ, tăng học phí sẽ tác động nhiều mặt đến xã hội, tạo thêm áp lực tài chính, gây khó khăn đối với những gia đình có thu nhập thấp.

Hệ quả của việc tăng học phí là có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp xã hội. Học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc các khu vực kinh tế khó khăn có thể gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận giáo dục so với các em ở khu vực thành thị. Ngay cả ở thành thị, học sinh thuộc hộ nghèo cũng gặp khó khăn hơn so với các em thuộc gia đình khá giả, thu nhập cao.

Trong khi đó, từ năm học 2024-2025, với việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều khoản chi phí để tập huấn giáo viên, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất cũng tăng cao. Nếu thiếu đi sự hỗ trợ tài chính từ chính quyền và việc đóng góp từ xã hội thì việc thực hiện chương trình mới này chắc chắn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh ấy, điều đáng mừng là một số địa phương đã ban hành chính sách miễn giảm học phí trong năm học mới. Nhiều địa phương khác thì cố gắng giữ ổn định mức thu học phí nhằm san sẻ gánh nặng tài chính cho người dân.

Năm học 2023-2024, toàn bộ học sinh THCS tại TP HCM đã được miễn hoàn toàn học phí. Ngoài ra, các cấp học khác (trừ tiểu học) cũng nhận được hỗ trợ từ 100.000 - 120.000 đồng/tháng theo gói kinh phí hỗ trợ 1.847 tỉ đồng. Năm học 2024-2025, dự toán kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí, chi hỗ trợ khác của TP HCM là 1.893 tỉ đồng.

Các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình... cũng có chính sách miễn hoặc hỗ trợ học phí từ 50% đến 100% trong năm học sắp tới.

Thực hiện chính sách miễn giảm học phí tại một số địa phương là một bước đi quan trọng, mang tính nhân văn cao; góp phần giúp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đạt được mục tiêu. Việc miễn giảm học phí không chỉ giúp các gia đình - nhất là gia đình khó khăn, thu nhập thấp - tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể mà còn bảo đảm mọi học sinh, dù ở khu vực nào, đều có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách công bằng. Chính sách này đặc biệt có ý nghĩa đối với học sinh ở các vùng kinh tế khó khăn hoặc khu vực nông thôn, giúp các em có cơ hội học tập và phát triển tương đương học sinh ở các thành phố.

Để đất nước tiếp tục phát triển bền vững và hài hòa, các địa phương cần duy trì và mở rộng chính sách hỗ trợ học phí, huy động nhiều nguồn lực xã hội cho giáo dục. Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng giáo dục, cải thiện hiệu quả quản lý tài chính để mọi học sinh đều có cơ hội phát triển tốt nhất.

Tiến sĩ HOÀNG NGỌC VINH,
nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT

(Dẫn theo NLĐO)

Có thể bạn quan tâm