Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Lan tỏa yêu thương từ những lớp học hè miễn phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những lớp học miễn phí trong dịp hè do đoàn viên, thanh niên đứng lớp đã giúp các em thiếu nhi vùng khó tại tỉnh Gia Lai có thêm kiến thức, kỹ năng bổ ích. Mô hình này còn giúp những bạn trẻ có thêm trải nghiệm để không ngừng trưởng thành.

Ôn tập kiến thức

7 giờ sáng, điểm trường làng Tung Đao của Trường Tiểu học Hùng Vương (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) rộn rã tiếng cười. Bố mẹ đi làm rẫy, những đứa trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 12 tự đi bộ đến lớp học chữ. Cô giáo trẻ Kpă H’Hân đứng đợi ở cửa lớp, bố trí chỗ ngồi phù hợp cho từng em.

Chị Kpă H’Hân (bìa phải) hướng dẫn từng em nhỏ cách học Toán và tiếng Việt. Ảnh: P.L

Chị Kpă H’Hân (bìa phải) hướng dẫn từng em nhỏ cách học Toán và tiếng Việt. Ảnh: P.L

Mở đầu buổi học, chị H’Hân bắt nhịp để các em hát bài “Đi học”, “Cô giáo lớp em” nhằm tạo không khí sôi nổi. Tiếp đó, chị kiểm tra lại bài tập về nhà của từng em, chỉ ra những lỗi sai; viết một bài thơ và yêu cầu các em tập đọc. Nhiều em mạnh dạn phát biểu, khi trả lời đúng thì được nhận phần thưởng là chiếc bút chì hoặc dây buộc tóc. Tiếng các em học sinh tập đánh vần, tập đọc râm ran một góc làng Tung Đao.

Em Siu H’Trinh (lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, xã Ia Dreng) vui vẻ nói: “Lớp học hè giúp em ôn lại kiến thức cũ, tiếp thu một số kiến thức mới và được cô H’Hân tặng quà. Chúng em thích lắm”.

Song song với ôn luyện kiến thức, chị H’Hân còn hướng dẫn các em ngồi học đúng tư thế; lồng ghép hướng dẫn kỹ năng làm việc nhóm; không đến các ao, hồ để phòng ngừa tai nạn đuối nước. Em Kpă H’Bich (lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành) phấn khởi chia sẻ: “Vào mùa hè, các bạn trong làng thường tự chơi với nhau hoặc theo bố mẹ lên rẫy. Đây là lần đầu tiên em đi học thêm vào dịp hè. Em rất vui vì được cô H’Hân dạy kiến thức và tổ chức trò chơi bổ ích”.

Lớp học duy trì từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với 50 học sinh ở làng Tung Blai và làng Tung Đao. Buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ với 30 học sinh Jrai, buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ với 20 học sinh người Kinh.

Thời gian đầu, chị H’Hân rà soát, đánh giá năng lực của từng em để phân chia nhóm học. Nhiều em hôm nay học, ngày mai lại quên hết bài, chị H’Hân vẫn chịu khó, kiên nhẫn dạy lại từ đầu. Em nào học tốt thì hỗ trợ cô giáo hướng dẫn lại cho bạn học yếu hơn. Các môn học tại lớp gồm Tiếng Việt và Toán.

Chị H’Hân cho biết: “Khả năng đọc, viết và làm toán của thiếu nhi ở làng còn chậm. Nhiều em rụt rè, sợ sai nên không dám trả lời câu hỏi. Tôi xác định dạy phải từ từ, dễ hiểu và gần gũi. Đối với học sinh dân tộc thiểu số, tôi truyền đạt kiến thức bằng tiếng phổ thông và Jrai giúp các em dễ nắm bắt”.

Lớp học “Tiếng Anh cho em” được Thành Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP. Pleiku khai giảng vào sáng 14-7 thu hút sự tham gia của 30 thiếu nhi làng Mơ Nú (xã Ia Kênh). Trời mưa nặng hạt nhưng không ngăn được bước chân của các em đến lớp. Các tình nguyện viên đến từ Câu lạc bộ Pleiku English (thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP. Pleiku) trực tiếp đứng lớp. Trong đó, chị Mai Ngọc Anh-Chủ nhiệm Câu lạc bộ là giáo viên có nhiều kinh nghiệm dạy tiếng Anh.

Lớp học mở tại nhà sinh hoạt cộng đồng làng Mơ Nú. Trước đó, Đoàn xã Ia Kênh đã đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến học tiếng Anh. Ban đầu, các em còn rụt rè, bỡ ngỡ vì tiếng Anh là môn học khó. Các tình nguyện viên chú trọng phương pháp giao tiếp, đối thoại với học sinh để rèn luyện cách phát âm chuẩn các từ mới. Những bài hát tiếng Anh vui nhộn giúp các em thích thú và dễ dàng tiếp thu bài học.

Để khích lệ tinh thần học tập, các tình nguyện viên “thưởng sao” cho những em mạnh dạn trả lời nhiều câu hỏi. Cuối khóa học, em nào được nhiều sao nhất sẽ được nhận phần thưởng. Ngoài ra, trong giờ giải lao, tình nguyện viên còn tổ chức các trò chơi dân gian để tăng sự tương tác giữa các em với nhau và giữa học sinh với cô giáo.

Em Kpă Khoa (lớp 3, Trường Tiểu học Nay Dêr, xã Ia Kênh) cho biết: “Em rất háo hức vì được học tiếng Anh miễn phí. Nhờ cách dạy dễ hiểu của các anh chị, em đã biết đọc tên nhiều đồ vật quen thuộc bằng tiếng Anh”.

Chị Mai Ngọc Anh (bìa phải) hướng dẫn các em thiếu nhi làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) học từ vựng môn Tiếng Anh. Ảnh: P.L

Chị Mai Ngọc Anh (bìa phải) hướng dẫn các em thiếu nhi làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) học từ vựng môn Tiếng Anh. Ảnh: P.L

Trước khi mở lớp, chị Mai Ngọc Anh từng tham gia lớp tập huấn dạy tiếng Anh miễn phí do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Câu lạc bộ đã thống nhất nội dung giảng dạy phù hợp với độ tuổi, trình độ của các em. “Câu lạc bộ dạy các em từ vựng, cấu trúc và cách học tiếng Anh cơ bản. Qua lớp học này, chúng tôi giúp các em làm quen với tiếng Anh, khơi dậy niềm đam mê học ngoại ngữ. Một số em tiếp thu kiến thức khá nhanh”-chị Ngọc Anh chia sẻ.

Lớp học được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật, thời gian từ ngày 14-7 đến ngày 4-8, dành cho học sinh 2 làng Nhao và Mơ Nú (xã Ia Kênh). Không chỉ truyền đạt kiến thức, lớp học hè còn tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em.

Chị Rơ Châm Hlêk (làng Mơ Nú) nhận xét: “Con tôi đang học tại Trường Tiểu học Nay Der. Thấy con hào hứng tới lớp học tiếng Anh, tôi rất mừng. Mong những lớp học miễn phí như thế này tiếp tục được duy trì, nhân rộng để các con có thêm kỹ năng, kiến thức mới trong dịp hè”.

Chị Bùi Mỹ Hạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn Pleiku-cho hay: “Các em thiếu nhi ở xã Ia Kênh không có nhiều điều kiện học thêm tiếng Anh. Vì thế, lớp tiếng Anh miễn phí nhằm mang lại kiến thức và niềm vui cho các em nhỏ trong dịp hè. Đây là minh chứng sinh động cho tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ”.

Lan tỏa hình ảnh đẹp

Chị H’Hân hiện là giáo viên dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã An Phú, TP. Pleiku). Tranh thủ 3 tháng hè, chị về thăm gia đình ở xã Ia Dreng và quyết định mở lớp học miễn phí.

Chị H’Hân bày tỏ: “Là người dân tộc Jrai, tôi hiểu rõ những thiệt thòi, hạn chế của học sinh ở làng. Trước đây, tôi cũng từng có ý định nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá khó khăn. Nhưng khát khao có kiến thức, có công việc đã thôi thúc tôi nỗ lực học tập và thi đậu vào Trường Đại học Quy Nhơn. Tháng 9-2023, tôi được nhận vào làm giáo viên ở Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến. Hy vọng tôi có thể truyền cảm hứng học tập cho các em ở quê hương mình”.

Chị Kpă H’Hân buộc tóc cho các bé sau giờ học. Ảnh: P.L

Chị Kpă H’Hân buộc tóc cho các bé sau giờ học. Ảnh: P.L

Triển khai lớp học này, chị H’Hân đã cùng anh Trương Văn Hạnh-Bí thư Đoàn xã Ia Dreng đến tận nhà để vận động các em đi học. Lòng nhiệt huyết cùng sự sáng tạo trong cách giảng dạy của chị H’Hân khiến các em nhỏ đi học đều đặn, đúng giờ.

Bí thư Đoàn xã Ia Dreng cho biết: “Khi năm học 2023-2024 kết thúc, Đoàn xã Ia Dreng liên hệ với nhà trường để mượn cơ sở vật chất dạy học hè cho các em. Đồng thời, Đoàn xã trích quỹ mua tặng các em vở viết, bút chì, bánh kẹo, giúp cô và trò có thêm động lực dạy tốt, học tốt. Lớp học giúp các em ôn lại kiến thức cũ, cung cấp thêm kiến thức mới để các em vững tin hơn khi bước vào năm học mới”.

Còn chị Mai Ngọc Anh thì chia sẻ: “Lớp học không chỉ dạy kiến thức mà còn tạo môi trường để các em vui chơi, sinh hoạt hè lành mạnh. Sự vui vẻ, thích thú của các em khi học tiếng Anh là động lực để chúng tôi cố gắng nhiều hơn. Hy vọng, khi lớp học bế giảng, các em tự tin, mạnh dạn trong học tiếng Anh”.

Ngoài những giáo viên đã có kinh nghiệm đứng lớp, một số tình nguyện viên của Câu lạc bộ Pleiku English là học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố tham gia trợ giảng. Em Đàm Hà Ngân (lớp 11C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) bày tỏ: “Các em nhỏ ở làng rất tình cảm và ham học. Hoạt động tình nguyện giúp em có cơ hội trải nghiệm, phát huy khả năng tiếng Anh. Em sẽ nỗ lực hơn trong học tập để có thể chia sẻ nhiều hơn với trẻ em vùng khó trong thời gian tới”.

Dù không được nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào khi tham gia giảng dạy, hướng dẫn tại lớp học miễn phí này nhưng các tình nguyện viên luôn nhiệt tình đến lớp, trao kiến thức và lan tỏa yêu thương đến các em nhỏ vùng khó. Lớp học chưa thể giúp các em học giỏi tiếng Việt, Toán hay tiếng Anh nhưng với tình yêu thương của đoàn viên, thanh niên, các em đã có một mùa hè bổ ích, ý nghĩa.

Có thể bạn quan tâm