“Sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là khẩu hiệu được đưa ra tại Hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và đã được Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương cùng đại diện các địa phương trong cả nước thống nhất chọn làm chủ đề cho “Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011” được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc vào trung tuần tháng 4-2011.

Nhằm thực hiện tốt việc triển khai “Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011” theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương, ngày 9-3 vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành của tỉnh đã họp bàn đánh giá lại kết quả thực hiện công tác đảm bảo VSATTP năm 2010 đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2011 và kế hoạch tổ chức “Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011”. Ông Phùng Xuân Quýnh- Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực về VSATTP tỉnh cho biết: Việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, ngoài ra nếu quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch… Do vậy việc tiến hành công tác phối hợp liên ngành trong thanh tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm về VSATTP được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua.

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Trong năm 2010, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh đã mở 53 lớp tập huấn cho 2.458 người là chủ các nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại TP. Pleiku. Tại các huyện đã tổ chức 30 lớp với 1.179 người theo học và tổ chức buổi hội thảo đầu tiên trong cả nước về vấn đề ngộ độc rượu có chứa methanol được nhiều người tham dự. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thường xuyên công bố danh sách các cơ sở vi phạm. Chính điều này đã tác động rất lớn đến việc điều chỉnh thói quen mua sắm của người dân đồng thời đây cũng là một biện pháp “xử phạt” khá hiệu quả đối với các cơ sở vi phạm về VSATTP.


Tuy nhiên, năm 2010 dù công tác thanh-kiểm tra thường xuyên được tiến hành tại các địa phương nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm  với số người mắc tăng cao với 19 vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhỏ được ghi nhận làm 1.210 trường hợp mắc phải điều trị tại cơ sở y tế. Nghiêm trọng hơn đã có 9 trường hợp tử vong với nguyên nhân do ngộ độc rượu chứa methanol hàm lượng cao (thực chất là rượu giả) và nơi xảy ra là tại các làng, xã cách xa trung tâm huyện, thành phố. Điều này cho thấy ngoài lỗi do ý thức người tiêu dùng chưa được nâng cao thì trách nhiệm cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự thống nhất, phối hợp hiệu quả. Do vậy, tại Hội nghị triển khai hưởng ứng “Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung- Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành cần tích cực hơn nữa công tác phối hợp, nâng cao trách nhiệm của từng đơn vị trong Ban chỉ đạo đồng thời tăng cường, đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng đến các xã vùng sâu nơi nhiều người dân vẫn chưa nhận biết rõ tầm quan trọng trong việc sử dụng thực phẩm an toàn.

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra nhằm đảm bảo VSATTP, ngành Y tế đã lập kế hoạch trong “Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011” diễn ra đồng loạt tại các địa phương từ ngày 15-4 đến 15-5, sẽ tập trung thực hiện mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2010. Luật An toàn thực phẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về VSATTP. Ngành Y tế sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý tham gia vào việc phổ biến tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP của Chính phủ, Bộ Y tế… và huy động cộng đồng cùng vào cuộc để đảm bảo VSATTP trên địa bàn.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm