Sáng tạo bồn rửa tay cho học sinh bằng vật liệu tái chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) vừa sáng tạo hệ thống rửa tay cho học sinh từ những chiếc lốp xe cũ và các vật liệu dễ tìm. Đây được xem là công trình mang ý nghĩa thiết thực nhằm đón học sinh trở lại lớp vào ngày 4-5 tới, sau thời gian dài tạm nghỉ để phòng chống, dịch Covid-19.
Cận cảnh bồn rửa tay được làm từ lốp xe và thau inox. Ảnh: Hồng Thi
Cận cảnh bồn rửa tay được làm từ lốp xe và thau inox. Ảnh: Hồng Thi
Theo thầy Nguyễn Trọng Ngoạn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa, một trong những biện pháp phòng dịch là rửa tay thường xuyên dưới vòi nước sạch và xà phòng, vì thế việc lắp đặt bổ sung hệ thống rửa tay cho học sinh được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Tranh thủ thời gian các em còn nghỉ học, trường đã đầu tư lắp đặt hệ thống rửa tay tại khu nhà ăn bán trú gồm 9 vòi xả và máng inox với giá 4 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe học sinh trong mùa dịch, Ban Giám hiệu đã nảy ra ý tưởng làm thêm bồn rửa tay cho các em bằng lốp xe cũ cùng một số vật liệu sẵn có, dễ kiếm, rẻ tiền và thân thiện với môi trường. 
“Để hiện thực hóa ý tưởng, chúng tôi đã tìm đến một ga-ra ô tô ở TP. Pleiku và được chủ tiệm hỗ trợ miễn phí 9 lốp xe ô tô cũ các loại. Sau khi thu gom về chùi rửa sạch sẽ và phơi khô, những lốp xe này được giáo viên Mỹ thuật sơn vẽ trang trí với các hình ảnh vui nhộn và bắt mắt. Tiếp đó, chúng sẽ được kết hợp cùng với chậu inox, ống nước, vòi rửa tay, giàn đế... tạo thành 9 bồn rửa tay xinh xắn và hữu dụng. Công trình này được chúng tôi hoàn thành trong vòng hơn 1 tuần với chi phí hơn 2 triệu đồng”-thầy Ngoạn cho hay.
Vì thực hiện mô hình trong thời gian cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên mọi công đoạn đều được các thầy cô giáo chia nhau làm tại nhà, sau đó tập kết ở khuôn viên trường để lắp đặt. Cô Lê Nguyễn Hải Vân-giáo viên Mỹ thuật chia sẻ: “Tôi mất gần 1 tuần để vẽ trang trí các lốp xe, mục đích làm sao biến chúng thành những đồ vật có màu sắc sinh động, hình ảnh ngộ nghĩnh và gần gũi với học sinh nhất để thu hút ánh nhìn của học sinh, từ đó kích thích các em thường xuyên rửa tay. Tôi rất vui khi được góp một phần công sức chung tay với nhà trường trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”.
Hệ thống bồn rửa tay tái chế và xà phòng được Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa bố trí tại khu vực gần cổng trường. Ảnh: Hồng Thi
Hệ thống bồn rửa tay tái chế và xà phòng được Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa bố trí tại khu vực gần cổng trường. Ảnh: Hồng Thi
Hệ thống sau khi hoàn thành đã được Nhà trường bố trí ngay phía sau cổng trường, kèm thêm xà phòng để học sinh rửa tay sạch sẽ trước lúc vào lớp. Ngoài ra tại khu vực này còn được lắp thêm bảng tuyên truyền bằng hình ảnh về việc rửa tay đúng cách cùng xà phòng với 6 bước cơ bản. “Khi học sinh đi học trở lại, chúng tôi sẽ đón các em ở cổng trường, sau đó hướng dẫn các em đến rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn rồi tiến hành kiểm tra thân nhiệt cho từng em trước khi vào lớp. Tôi đang chủ nhiệm lớp 2 với 40 em, trong đó 100% học sinh đều ở bán trú nên càng phải chú trọng đến việc vệ sinh cá nhân của các em một cách thường xuyên. Có thêm khu rửa tay sẽ vô cùng thuận lợi, học sinh không phải đợi chờ lâu để đến lượt rửa tay của mình”-cô Phạm Thị Bé bày tỏ. 
Ngoài việc tạo điều kiện để học sinh được rửa tay bằng nước sạch, công trình của trường còn nhằm giáo dục học trò về cách vệ sinh thân thể và kỹ năng tiết kiệm, bảo vệ môi trường thông qua việc tái sử dụng các vật liệu bỏ đi. Vì vậy, mô hình này nhanh chóng được một số đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh học tập và áp dụng. Cô Tống Thị Thắm-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đức Cơ) cho hay: “Mô hình bồn rửa tay của Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa khá hay, đẹp mắt và hữu dụng không chỉ trong điều kiện dịch bệnh hiện nay mà còn góp phần tạo thói quen rửa tay thường xuyên cho học sinh sau này; tạo sự an tâm nơi phụ huynh. Do đó, chúng tôi đã mạnh dạn xin ý tưởng này và nhận được hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình từ phía thầy Ngoạn. Hiện các thầy cô trong trường đang tiến hành tập kết nguyên-vật liệu, chà rửa lốp xe để chuẩn bị trang trí và hoàn thành lắp đặt trước khi học sinh quay lại trường học tập”. 
Các thầy cô giáo Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đức Cơ) đang rửa lốp xe để chuẩn bị triển khai mô hình bồn rửa tay cho học sinh. Ảnh: Hồng Thi
Các thầy cô giáo Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đức Cơ) đang rửa lốp xe để chuẩn bị triển khai mô hình bồn rửa tay cho học sinh. Ảnh: Hồng Thi
Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa có 755 học sinh với 21 lớp, trong đó có 200 em đăng ký ở bán trú. Những ngày qua, học sinh được nghỉ học để phòng ngừa dịch Covid-19 nhưng các thầy cô vẫn luân phiên trực trường, phun thuốc tiêu độc khử trùng, hàng tuần dọn dẹp vệ sinh bàn ghế, phòng học, khu nhà ăn bán trú và chăm sóc cây xanh… đảm bảo môi trường học tập luôn sạch sẽ, thoáng mát; đồng thời trang bị máy đo thân nhiệt, dung dịch rửa tay sát khuẩn và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón học sinh trở lại trường vào tuần tới, trong đó có mô hình bồn rửa tay tái chế nêu trên.
“Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn củng cố và lắp đặt thêm hệ thống rửa tay cho giáo viên, học sinh tuỳ theo điều kiện thực tế của mình. Quá trình triển khai, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa đã có cách làm khá sáng tạo, tái chế vật liệu cũ làm thành những chiếc bồn rửa tay thân thiện với môi trường. Không chỉ tiết kiệm một phần kinh phí, mô hình này còn tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp-an toàn trong trường học. Đây cũng là một trong những mô hình hay để các đơn vị trường học tìm hiểu và học tập”-ông Nguyễn Đình Phước-Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah cho biết.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm