Cụ thể, trong thời gian đương chức, ông Nguyễn Văn Đô đã không kê khai tài sản theo quy định về ba thửa đất và dự án năng lượng điện mặt trời với mức đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng ở xã Khánh An (huyện U Minh).
Sau khi có kết quả xác minh, chi bộ nơi ông sinh hoạt tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật cảnh cáo. Việc kỷ luật khi ông Đô chuẩn bị về hưu (ông Đô vừa nghỉ hưu vào đầu tháng 6).
Tin từ địa phương, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức họp kiểm điểm ông Đô.
Quy định về xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên thì phải làm, và làm phải đúng quy trình, không để xảy ra sai sót, thưa kiện. Cho nên, việc chi bộ nơi ông Nguyễn Văn Đô sinh hoạt kỷ luật cảnh cáo ông về mặt Đảng là đúng thủ tục và đúng quy định.
Không phải là vì ông Đô sắp về hưu, thì xử lý kỷ luật cảnh cáo, không còn ý nghĩa và ảnh hưởng nhiều nên làm qua loa cho xong chuyện. Một người dù không còn làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng là đảng viên thì việc kỷ luật cảnh cáo vẫn có ý nghĩa. Các đảng viên khác nhìn vào đó mà làm gương.
Cũng từ vụ việc ông Nguyễn Văn Đô để thấy rằng, quan trọng nhất là ngăn chặn việc kê khai không trung thực, đặc biệt là đối với những cán bộ có tài sản lớn. Nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì câu chuyện không dừng lại ở kiểm điểm, kỷ luật, mà đối diện với một vụ án hình sự. Đã hình sự thì về hưu cũng không "hạ cánh an toàn".
Tương tự, ngày 5.7, Công an tỉnh Sóc Trăng xác nhận, Bộ trưởng Bộ Công an đã có quyết định kỷ luật ông Đoàn Minh Đông (57 tuổi, Trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) bằng hình thức giáng chức từ Trưởng Công an huyện xuống Phó trưởng Công an huyện và giáng cấp bậc hàm từ Đại tá xuống Thượng tá.
Ông Đoàn Minh Đông có các vi phạm như thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở; sử dụng công quỹ trái quy định; thiếu kiểm tra, đôn đốc để cấp dưới thực hiện sai.
Trước đó, ông Đông đã có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
Việc xem xét cho ông Đông nghỉ hưu hay không là của các cơ quan tổ chức liên quan, nhưng kỷ luật, giáng chức, giáng cấp là việc phải làm, để cho thấy người sai phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Xử lý sai phạm bất kể tuổi trẻ hay già.
Không phải xin về hưu hay đã về hưu là xong việc, là "giải thoát", là "hạ cánh an toàn".