Phóng sự - Ký sự

Sạt lở ở miền Tây - Kỳ 1: Khi dòng sông giận dữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dưới tác động của tự nhiên và cả con người, tình trạng sạt lở đất bờ sông ở ĐBSCL diễn ra ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân.


Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mỗi năm ĐBSCL có 500ha đất bị mất, 265 điểm với 450 km chiều dài bờ sông và 200km chiều dài bờ biển bị sạt lở...

Chỉ trong khoảng 20 năm, nạn xói lở, sụp đất bờ sông đã gần như xóa sổ những thị tứ sầm uất, nhà cửa chen chúc với 18 dãy phố và một ngôi chợ có “502 môn bài, cửa hàng mua bán lớn nhỏ” bên bờ sông Tiền, thuộc hai khóm Long Thị A và Long Thị C, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu), An Giang.

 

Một dãy phố kiên cố ở chợ Tân Châu cũ sụp lở xuống lòng sông.
Một dãy phố kiên cố ở chợ Tân Châu cũ sụp lở xuống lòng sông.

Từ quá khứ

“Dòng nước sông Tiền từ thượng nguồn đổ về tới trung tâm thị xã Tân Châu đột nhiên rẽ trái, bẻ mình qua khúc cua gần 90 độ để đi tiếp xuống hạ lưu tạo ra áp lực, giội thẳng vô bờ. Nếu không có bờ kè kiên cố trải dài hàng mấy cây số ôm lấy đoạn bờ sông này, có lẽ cả trung tâm hành chính thị xã đã biến thành sông” - ông Lê Văn Lù (Tư Lù), chủ tịch Hội người cao tuổi P.Long Hưng, thị xã Tân Châu, nói.

Hơn 60 năm gắn bó với vùng đất đầu nguồn sông Tiền, ông Tư Lù đã chứng kiến nhiều vụ sạt lở đất mà ông ví như thảm họa vụ lở đất hồi tháng 2-1988.

Lúc đó đang là mùa khô, nước sông trong xanh, dưới cầu tàu có mấy người đang gánh nước, chuẩn bị bữa cơm chiều. Bất thình lình nhà nhà bị rung lắc, đồ đạc ngã đổ. Liền sau đó mặt đường bị nứt toác, rồi cả một dãy phố ven sông dài mấy chục thước, bề sâu 2-3 lớp nhà sụp thẳng xuống sông, trong đó có căn nhà của ông Tư.

“May mắn là sáu người trong gia đình tôi đều thoát nạn, trong khi nhiều người chạy không kịp, bị hút luôn xuống dòng nước xoáy”, ông kể. Vụ sụp lở đã làm 15 người chết, 7 người mất tích, hơn 70 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Đây là một trong những vụ sạt lở gây thiệt hại nặng nề nhất cho người dân Tân Châu.

Ông Tư Lù cũng cho hay sau vụ sạt lở kinh hoàng này, thị trấn Tân Châu “bắt đầu lở hung”. Đoạn bờ sông từ đầu vàm kênh Vĩnh An ngược lên đến Vịnh Đồn dài chừng 2,5km bị “hà bá” tấn công dữ dội.

Nghiêm trọng không kém là vụ sạt lở xảy ra chiều 4-1-2001, chôn vùi 34 căn nhà dưới dòng nước xiết. Rồi các vụ sạt lở tấn công khu hành chính thị xã Tân Châu làm một đoạn bờ sông dài khoảng 250m và gần như toàn bộ công viên trung tâm sụp xuống sông, thêm 112 căn nhà bị hư hại, nhưng may mắn không có tổn thất về người.

Sau mỗi lần bị sụp lở, người dân lại di dời sâu vào bên trong tìm cách bám ngôi chợ cũ Tân Châu để mưu sinh. Gia đình ông Tư Lù cũng vậy, sau sáu lần cất dựng lại nhà do sạt lở mới ổn định chỗ ở trong khu dân cư, chấm dứt hành trình chạy lở gần như cả tuổi thanh xuân của ông.

Đến hiện tại

 

Người dân Mỹ Hội Đông bàng hoàng nhìn cảnh sạt lở tại khu vực chợ, nơi hố xoáy giận dữ nuốt chửng 14 nhà dân.
Người dân Mỹ Hội Đông bàng hoàng nhìn cảnh sạt lở tại khu vực chợ, nơi hố xoáy giận dữ nuốt chửng 14 nhà dân.

Vụ sạt lở ngày 14-4 vừa rồi tại sông Vàm Nao khiến 14 căn nhà ở trung tâm chợ xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, An Giang) bị đẩy xuống sông, cho đến giờ vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Một khu phố chợ sung túc, hiền hòa bên ngã ba sông Hậu đã không còn an toàn nữa.

Sau khi xuất hiện nhiều vết nứt dài 260m thì sáng 18-5, bờ sông Ông Chưởng ở ấp Kiến Thuận (xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới) đứt sâu vào tuyến đường liên xã khiến một kho chứa tuôn xuống sông, 15 căn nhà phải tháo dỡ.

Tuyến đường bị tắc buộc phải làm lại con đường mới vòng qua bên trong để lưu thông.

“Nhờ vận động bà con di tản từ trước nên không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về vật chất khá lớn” - phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao cho hay.

Mấy ngày qua bờ sông trên địa bàn phường Long Châu và hai xã Tân An, Long An (thị xã Tân Châu) liên tiếp xảy ra thêm sáu vụ sạt lở làm mất cả ngàn mét vuông đất, ảnh hưởng đến 14 căn nhà và nhiều cơ sở sản xuất, gần 100 hộ phải di dời khẩn cấp.

Người dân ấp Tân Hậu A, xã Tân An bàng hoàng bảo hồi trước đất thường sụp trong mùa lũ, còn gần đây thì khá bất thường vì xảy ra cả ở mùa khô, khi mực nước sông xuống thấp nhiều hơn mọi năm.

“Toàn xã có ba điểm đang sạt lở nặng chiều dài 250m đe dọa 249 hộ dân có nhà cửa ven bờ” - ông Nguyễn Thanh Long, phó chủ tịch xã này, nói.

Càng về phía hạ lưu dòng Tân An càng mở rộng thêm, bờ đất bên xã Châu Phong lở lói nham nhở với dấu vết bao nhà cửa, cây cối bị đứt sụp xuống sông.

Ngồi bó gối trong túp lều nhỏ, bà Nguyễn Thị Sương, ấp Vĩnh Lợi 2, buồn buồn kể hồi trước bờ sông ở tận ngoài ấy, mấy năm nay đất cứ lở đợt này tới đợt khác, mỗi lần như thế lại phải tháo dỡ, cất lại nhà nằm cách xa bờ.

Gia đình bà đã dời nhà mấy bận, thế mà đất vẫn cứ sụp dần, đến nay thì không còn chỗ nữa đành phải che căn lều nép sát bên lề đường tạm tá túc qua ngày.

Phó chủ tịch UBND thị xã Tân Châu Đặng Văn Nê cho biết do biến đổi dòng chảy nên tuyến kênh Tân An bị sạt lở bờ dần thành con sông rộng. Gần đây mùa khô mực nước sông thấp dẫn tới sạt lở tiếp tục gia tăng bất thường trên nhiều đoạn có tổng chiều dài gần 5km.

Trong đó ở hai xã Châu Phong và Tân An bờ sông có nơi chỉ còn cách tuyến đường liên xã vài mét. Tuyến đường này vừa là tuyến đê bao bảo vệ, nếu sạt lở lan rộng đe dọa các tuyến dân cư và 5.500 ha đất sản xuất lúa, hoa màu cùng nhiều công trình dân sinh, trạm y tế xã, trường học... nằm bên trong.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm