Sau Tết Quý Tỵ 2013: Nông dân đồng loạt xuống đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã thành thông lệ, mỗi năm đúng vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, nông dân huyện Đak Đoa lại đồng loạt tổ chức lễ xuống đồng chăm sóc cây trồng sau kỳ nghỉ Tết. Xuân Quý Tỵ 2013 cũng không là ngoại lệ khi trên 500 nông dân ở các xã, thị trấn đang phấn khởi cùng nhau ra đồng chăm sóc, làm cỏ cho lúa Đông Xuân và tưới nước cho rẫy cà phê… với mong ước năm mới mùa màng bội thu.

Cũng như mọi năm, ngay sau những ngày vui Xuân đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Đúng sáng mùng 4 Tết Nguyên đán năm nay, trên 500 nông dân các xã trên địa bàn huyện Đak Đoa đồng loạt tổ chức nghi lễ "ra quân" trên khắp các cánh đồng để chăm sóc cây trồng, đồng thời bước vào đợt tưới thứ 2 cho cây cà phê.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Khác với mọi hôm, từ tờ mờ sáng cánh đồng lúa nước rộng trên 2 ha của làng Đêgol, xã Đak Sơ Mei đã xuất hiện hàng trăm nông dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống từ bao đời nay tại ngôi làng này. Trên tay mỗi người là những dụng cụ làm công việc đồng áng hàng ngày như: cuốc, xẻng, rựa… để chuẩn bị “xuống đồng” chăm sóc cây trồng và cầu mong cho cây trồng sinh trưởng tốt, mùa màng được bội thu. Anh Đinh Lâm vui vẻ nói: Nhà mình có 5 sào lúa nước, hầu như năm nào gia đình mình cũng tham gia lễ ra đồng như thế này. Đây là dịp để mọi người trong làng cùng tham gia nạo vét kênh mương dẫn  nước tưới cho cây lúa từ nay đến cuối vụ.

Ông Anhk- già làng Đêgol phấn khởi cho hay: “Cả đêm qua rạo rực không ngủ được vì ông đến từng gia đình nhắc nhở mọi người ra đồng sớm hơn để chăm sóc cây trồng sau những ngày vui Xuân đón Tết. Đây là truyền thống từ nhiều năm nay trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, ông còn vui hơn bởi năm nay hầu hết mọi người trong làng đều đón Tết vui vẻ, đủ ăn mà không còn phải lo toan như những năm trước đây. Giờ đây mọi nhà đều có ruộng lúa nước, đất rẫy để sản xuất… cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt nên đời sống bà con mình đã đổi thay rất nhiều. Hy vọng năm mới này mùa màng sẽ bội thu, mọi thứ được thuận lợi để người dân trong làng đều ấm no hạnh phúc”.

 

Nạo vét kênh mương. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nạo vét kênh mương. Ảnh: Nguyễn Diệp

Cùng với xã Đak Sơ Mei, nông dân các xã khác trên địa bàn huyện Đak Đoa cũng "ra quân" xuống đồng với không khí nhộn nhịp vui vẻ sau những ngày vui Xuân đón Tết.

Tại xã An Phú (TP. Pleiku), nơi có cánh đồng rộng khoảng 100 ha, nhiều bà con tại thôn 1 đã mang cày, cuốc ra đồng. Gia đình ông bà Nguyễn Văn Phi cho biết: Sau 3 ngày chúc Tết, đưa tiễn ông bà thì chúng tôi lại bắt đầu công việc nhà nông, năm nay gia đình tôi cố gắng chăm bón 1 sào lúa và trồng 6 sào hoa màu và mong thời tiết thuận lợi. Năm trước mưa nắng thất thường nên thu nhập không cao sau khi trừ các khoảng phân bón, điện bơm tưới…

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn với gia đình ông Hà Văn Thao, sau khi ra thăm rẫy cà phê tại xã Diên Phú thì cả hai vợ chồng về thăm lại cánh đồng mà mình đã nhiều năm cày bừa, tại đây ông cũng mong muốn sản phẩm của gia đình và bà con nông dân có được đầu ra ổn định, mọi việc đều thuận lợi hơn năm cũ. Ông Thao cũng cho biết gia đình mình hiện trồng hơn 1 sào lúa để cung cấp bữa cơm hàng ngày tại gia đình, còn số hoa màu với các loại rau, củ, quả và đàn lợn nuôi trồng thường xuyên mang lại nguồn thu nhập mỗi năm được hơn 100 triệu đồng.
 

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, trong sáng ngày mùng 4 Tết hầu hết nông dân các xã đều đã đồng loạt ra đồng chăm sóc cây trồng. Nạo vét được hàng chục km kênh mương nội đồng và những vùng có nguy cơ xảy ra khô hạn. Đồng thời chăm sóc bón phân cho cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Bên cạnh đó, người trồng cà phê cũng đã bắt đầu bước vào tưới đợt 2 cho cây cà phê.


Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Phẩm- Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết: “Đã thành truyền thống, hàng năm cứ vào ngày mồng 4 Tết cổ truyền dân tộc UBND huyện đều duy trì tổ chức lễ ra quân xuống đồng. Với mục đích giúp người dân chăm sóc lại cây trồng sau những ngày vui chơi đón Tết. Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hướng đến một vụ sản xuất thành công tạo ra bước đột phá về năng suất và sản lượng trong vụ Đông Xuân 2013 trên địa bàn toàn huyện”.

Một mùa Xuân nữa sắp qua đi và người nông dân huyện Đak Đoa đã bắt đầu quay lại với công việc thường nhật của mình. Tất cả cùng đang mong ước về những vụ sản xuất bội thu trong năm 2013.

Nguyễn Diệp-Nguyễn Giác

Lễ Tịch điền qua các triều đại Việt Nam
 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Lễ Tịch điền đầu tiên ở Việt Nam diễn ra vào năm 987, dưới thời vua Lê Đại Hành. Năm ấy, khi cày ruộng nhà vua đã phát hiện được một hũ vàng. Năm sau (988), nhà vua cày ở thửa ruộng khác lại được một hũ bạc. Vì thế mà hai thửa ruộng này được đặt tên là  "Kim ngân điền". Thực ra, số vàng, bạc ấy là do vua cho người chôn sẵn, nhằm khích lệ nhân dân ham cày ruộng thì có ngày sẽ “bắt được vàng”. Ý nghĩa sâu xa hơn là siêng năng cày cấy là sẽ làm ra vàng bạc.
 

Thời Lý lễ Tịch điền được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của đất nước. Lý Thái Tông là ông vua rất chăm lo cho nền nông nghiệp nước nhà. Nhà vua đã nhiều lần đích thân xuống khởi cày Tịch điền. Sử cũ ghi: ngày 14-10-1030 (Canh Ngọ), vua thân chinh ra ruộng ở Điều Lộ xem gặt; ngày 1 tháng 4 năm 1032 (Nhâm Thân) vua đi cày tịch điền ở Đỗ Động Giang, hôm ấy, có nhà nông dâng Vua một cây lúa 9 bông; tháng 3- 1042 (Nhâm Ngọ), vua đi cày ruộng tịch điền ở Khả Lâm... Năm Thông Thụy thứ 5 (1038), vua Thái Tông cày ruộng ở Bố Hải, sai quan lại chọn đất xây đàn cúng tế. Vua làm lễ tế Thần Nông cầu cho được mùa lúa tốt, không bị thiên tai làm hư hại, rồi tự cầm cày cày ruộng.

Thời Trần, vua không thân hành ra làm lễ Tịch điền, mà sai quan lại đắp đàn Xã Tắc để cúng tế. Đời Hậu Lê, năm Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Thái Tông dựng đàn Tiên Nông bên ngoài thành Thăng long. Hàng năm, vào tháng trọng xuân, vua và các quan ra cúng tế Thần Nông và làm lễ Tịch điền. Nhà vua đích thân cầm cày cày ruộng. Thời Lê-Trịnh, chúa Trịnh ra tế thay vua, rồi sai quan cày ruộng. Thời nhà Nguyễn vua Minh Mạng được mệnh danh là vị hoàng đế của nhà nông.

Năm Minh Mạng thứ 9, dự lễ Tịch Điền, sau khi đích thân cày 3 đường nhà vua xúc động nhận ra rằng, "việc cày cấy khó khăn hơn các nghề khác sao... Nên giáng ân chỉ trù chọn năm Minh Mạng thứ 10 trừ bớt 3 phần mười thuế lúa má...", rồi vua đề thơ rằng: Bỉnh lỗi tam thôi than vị quyện/Tùng canh cửu phản hãn như tương/Nhân tư cần khổ lao thiên mẫu/Viện giáng ân thi chiếu thập hàng. (Ta cày ba đường thì chưa thấy mệt/Quan cày chín đường thì mồ hôi đầm đìa/Từ đó mới biết người nông phu nhọc nhằn thế nào khi cày hàng ngàn mẫu ruộng/Bèn xuống chỉ ra ấn chiếu vào năm Minh Mạng thứ 10).

Ở Hiếu Lăng được khắc hơn 100 bài thơ của vua Minh Mạng, trong đó rất nhiều bài về cây lúa, về nghề nông. Minh Mạng để lại 36 tập thơ-văn, khoảng 12.000 trang. Trong đó Ngự chế thi tập 73 quyển, 6 tập gồm 3.500 bài thơ. Thơ chủ đề về cây lúa có 225 trang. Nhà vua nói: "Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là Trời. Tuy có cảnh tình, mây lành, chim phụng kỳ tập, kỳ lân ra đời, chẳng bằng được mùa là điềm lành trên hết !".

Có thể bạn quan tâm