Đã 23 năm sống xa quê, những cơn đau và biến cố dồn dập cứ quăng quật cuộc đời anh Quách Văn Nhứt (44 tuổi). Dẫu vậy, anh vẫn gắng gượng duy trì cuộc sống và còn lo cho hai đứa con của mình.
Tuổi 21 và cây bạch đàn "oan nghiệt" thứ 21
"Mẹ đặt cho mình cái tên nhức là quá đúng. Lúc nào cũng đau nhức, nhức tới chết mới thôi".
Tôi bất ngờ khi anh Nhứt vẫn nói đùa về cái tên của anh, giữa cơn đau lả người và mồ hôi đầm đìa trên mặt. Căn phòng anh thuê nằm trong một con hẻm đường Tân Kỳ - Tân Quý (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM). Trên chiếc giường được xem là "giang sơn" của anh Nhứt, luôn có các bịch thuốc lớn nhỏ. Không chịu nổi những cơn đau triền miên từ xương tủy buốt ra, anh uống hơn 300 liều thuốc giảm đau mỗi tháng (bình quân khoảng 10 liều/ngày), chưa kể các loại thuốc khác.
Anh Nhứt bán vé số mưu sinh. Ảnh: NHƯ LỊCH |
Lớn lên ở xã An Quảng Hữu, H.Trà Cú, Trà Vinh, từ năm lớp 4, sau giờ học, cậu bé Nhứt chèo đò bán bánh dạo phụ giúp cha mẹ. Tới năm lớp 7, Nhứt bỏ học, bắt đầu đi làm thuê.
Năm 2000, Nhứt cùng một nhóm thợ qua Sóc Trăng cưa mướn đám bạch đàn gồm tất cả 35 cây. "Tới cây thứ 21, để máy cưa vô là máy nảy ra, nhưng tui vẫn cố cắt. Không may tui bị chính cái cây này ngã đập trúng người. Năm đó tui mới 21 tuổi", anh Nhứt ngậm ngùi kể.
Khi Nhứt bị nạn, anh em trong nhóm vội khiêng bằng võng, chạy bộ mấy cây số. Tiếp đó, họ chuyển Nhứt lên ghe để vượt sông, đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Trà Vinh. Sau đó, Nhứt được chuyển lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
"Bác sĩ nói chấn thương của tui ban đầu có thể chưa đến mức nặng. Nhưng do bồng bế và vận chuyển tui đi cấp cứu không đúng cách, làm cho phần xương đã bị gãy xóc vô tủy khiến bệnh trầm trọng", anh Nhứt rầu rĩ bộc bạch. Theo kết quả chẩn đoán, Nhứt bị tổn thương đoạn tủy thắt lưng, liệt hai chân...
Anh Nhứt bán vé số mưu sinh. Ảnh: NHƯ LỊCH |
Từ lúc Nhứt bị tai nạn, mẹ anh bán hết các công đất ở quê để cứu mạng con. Bà đi nuôi Nhứt ròng rã hơn nửa năm trời. Ngày xuất viện, Nhứt nhờ mẹ đưa qua khu vực Bình Hưng Hòa để tìm phòng trọ của người bạn cũng bị liệt mà Nhứt mới quen lúc điều trị.
Thấy mẹ cứ đi ra đi vô lo lắng, Nhứt gạt nước mắt cố tỏ ra cứng cỏi: "Thôi, mẹ cứ bỏ con lại đây. Người ta sống được thì con sống được". Người mẹ nghèo đành để đứa con tàn tật ở lại TP.HCM cùng chiếc xe lăn và 700.000 đồng.
Không chịu nổi những cơn đau triền miên từ xương tủy buốt ra, anh uống hơn 300 liều thuốc giảm đau mỗi tháng (bình quân khoảng 10 liều/ngày), chưa kể các loại thuốc khác. Ảnh: NHƯ LỊCH |
Mỗi ngày anh Nhứt uống đến 10 liều thuốc giảm đau, chưa kể các loại thuốc khác. Ảnh: NHƯ LỊCH |
Chết không được thì phải sống
Nói về quyết định trên, anh Nhứt tâm sự: "Nhà tui ở trong đồng sâu, lăn xe không được, tui không thể đi đâu và chẳng biết làm gì để sống với chiếc xe lăn. Về quê, chắc chắn tui trở thành gánh nặng của gia đình trong khi họ đã quá khổ, đất đai bán hết vì mình rồi. Nên tui đành ở lại thành phố này dù đây là nơi mình đến lần đầu và không còn người thân nào bên cạnh".
Suốt một năm sau đó, Nhứt nhìn nhận anh "bỏ phế" đời mình. Nhứt giải thích đó là do anh buồn tủi số phận, do tâm lý luôn kháng cự tình trạng bệnh của mình, nhất là không chấp nhận thực tế đôi chân đã bị liệt. Anh chỉ nghĩ xin ăn được bữa nào hay bữa đó, sống được ngày nào hay ngày đó, rồi… chết.
Hai đứa con là động lực sống của anh Nhứt. Ảnh: NHƯ LỊCH |
Sau vài lần tự tử bất thành, Nhứt tự nhủ: "Mình chết không được thì phải sống! Đôi chân liệt, nhưng mình còn đôi tay để lao động". Anh tìm đến Nhà May mắn (Q.Bình Tân, TP.HCM) xin học nghề may rồi được tạo việc làm tại cơ sở này. Về sau, Nhứt ra ngoài tự may thú nhồi bông rồi lăn xe đi bán. Công việc tạm ổn thì anh bị loét tì đè, phải điều trị. Xuất viện, hết vốn, anh Nhứt xin nhận vé số đi bán dạo. Đến nay, anh sống nhờ nghề bán vé số đã 18 năm.
Năm 2005, Nhứt lập gia đình với một cô công nhân may và lần lượt có được hai đứa con gái. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay, vợ chồng anh ly thân, vợ anh dọn đi nơi khác. Trong khi đó, tai ương tiếp tục ập xuống người đàn ông khốn khổ này.
Giữa tháng 5.2021, anh Nhứt bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi trái. Tháng 6.2022, anh phải cắt bỏ toàn bộ chân trái do vết thương nhiễm trùng. Anh cũng trải qua hơn chục lần phẫu thuật, nhất là phải mổ loét tì đè... Nhưng hầu như lần nào cũng vậy, vết thương chưa kịp lành là anh đã vội xuất viện lăn xe đi bán vé số, mong kiếm tiền mua thuốc và nuôi con. Nhứt tâm sự rằng ước nguyện lớn nhất của anh là lo cho hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn.
Con gái lớn của anh hiện nay học lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên, còn con gái nhỏ học lớp 7. "Bệnh tật của tui như vầy, sống thêm được ngày nào mừng ngày đó, ráng làm động lực cho hai con khôn lớn. Hai bé học được lắm, bé nhỏ năm nào cũng là học sinh giỏi". Nói đến đây, gương mặt ưu tư của anh Nhứt giãn ra.
(còn tiếp)
Cần làm gì nếu nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương cột sống ?
Bác sĩ Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, kiêm phụ trách Khoa Phục hồi chức năng, cho biết: Nếu nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương cột sống (khi chấn thương đã tác động một lực đáng kể vào vùng cổ hoặc lưng và bệnh nhân than đau ở các vị trí trên; nạn nhân than yếu, tê, liệt; đại, tiểu tiện không tự chủ...), đầu tiên nên gọi cấp cứu 115 để các nhân viên y tế chuyên nghiệp, có đầy đủ dụng cụ chuyên dùng, thực hiện việc sơ cứu và vận chuyển.
Trong trường hợp không thể có được sự hỗ trợ của nhân viên y tế:
- Cố định cột sống cổ nếu nghi ngờ chấn thương cột sống cổ: Nếu nạn nhân tỉnh táo, khuyến khích họ nằm yên hoàn toàn. Dùng vật liệu có sẵn như túi cát, vật nặng, khăn vải cuộn chặt để cố định hai bên cột sống cổ, lưng, dùng băng keo hoặc dây để cột lại. Đặc biệt chú ý 3 điểm cần cố định là xương ức (vị trí giữa trước ngực), xương chẩm (vị trí phía sau, dưới của đầu) và cằm. Khi nạn nhân đã nằm trên ván cứng có thể đặt hai bao cát ở hai bên cổ chiều dài từ tai đến xương đòn rồi cố định bằng dây buộc ở trán, vai, cánh chậu, gối và cổ chân. Nếu nạn nhân đang đội mũ bảo hiểm, đừng cố gắng bỏ nó ra, chỉ tháo kính chắn gió mũ bảo hiểm nếu cần tiếp cận đường thở. Bởi vì cố gắng cởi bỏ mũ bảo hiểm có thể làm nặng tình trạng chấn thương cột sống.
- Vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng ván cứng: Cần ít nhất 3 người. Một người (A) đứng trên đầu nạn nhân, hai người đứng bên phía nạn nhân sẽ xoay lưng. A chỉ huy, mọi người cùng lăn nghiêng nạn nhân qua như lăn một khúc cây trong khi A giữ cho đầu nạn nhân xoay chuyển đồng trục với cơ thể. Nạn nhân phải được xoay nghiêng đồng trục sao cho cơ thể không bị vặn khi xoay. Sau đó đặt miếng ván cứng bên cạnh, cho nạn nhân trở lại tư thế nằm ngửa trên cáng làm sao cho nạn nhân thẳng trục.
Dùng các dây cột ngang cố định nạn nhân vào ván, dùng bao cát hoặc quần áo nạn nhân hoặc các vật dụng khác kê hai bên đầu nạn nhân. Đặt nạn nhân đã được cố định trên miếng ván cứng lên cáng và chuyển nạn nhân tới bệnh viện.