Sinh viên với việc làm thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh viên (SV) làm thêm đã trở thành “mốt”, có thu nhập, lại giảm được phần nào gánh nặng gia đình, đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng để đảm bảo được việc học, họ phải sắp xếp thời gian, lựa chọn công việc hợp lý. Thực tế, ít ai vẹn cả đôi đường.

Những công việc ngoài chuyên môn đào tạo

Bạn N.T.B., SV năm 4 Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, bộc bạch: “Nhiều lúc đang chăm chú nghe thầy giảng thì điện thoại rung lên, cháu lặng lẽ ra ngoài nghe, không kịp xin phép giảng viên rồi lấy xe đi thẳng (sau khi nhắn tin nhờ bạn ngồi cạnh mang tài liệu học tập về hộ). Lý do bỏ dở buổi học vì nhà hàng yêu cầu có mặt gấp để chạy bàn, khách đông đột xuất. Dù rất khó lòng nhưng phải “hy sinh” vài tiết học thôi. Cháu mới vào làm nên phải tạo uy tín chứ”.

 

 Một nhóm sinh viên bán hoa ngày 8-3. Ảnh: Đ.P
Một nhóm sinh viên bán hoa ngày 8-3. Ảnh: Đ.P

Nhiều nhóm nam, nữ SV ở các trường chuyên nghiệp đứng chân trên TP. Pleiku có ngoại hình “chuẩn”, gương mặt sáng đẹp, rủ nhau “cặp” 6 người/nhóm xin vào làm ở các dịch vụ cho thuê đồ cưới. Công việc của các bạn là làm phù dâu, phù rể các đám hỏi, đám cưới khi chủ hôn cần, thông qua các dịch vụ. Nói là làm ngoài giờ nhưng đâu phải đám nào cũng rơi vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. “Để có được 200.000 đồng/đám, chúng cháu phải mất 2-3 giờ. Công việc này khá nhẹ nhàng, được mặc đồng phục đẹp, lại được mời ngồi cỗ”-bạn K. cười hồn nhiên.

Các SV gia cảnh khó khăn, sống xa nhà trọ học, ngày nghỉ cuối tuần xin phụ việc các nhà hàng tiệc cưới, đủ các việc: nhặt rửa rau, phụ bếp, sắp chén đũa lên bàn, bưng bê, dọn dẹp… được trả tiền công 20.000 đồng/giờ. “Có hôm làm ca chiều, mãi đến 9 giờ tối mới xong, người mỏi nhừ, tắm gội xong là díp cả mắt, chẳng còn hơi sức để mắt đến bài vở”-bạn T. trần tình.

 

Dừng bước, trao đổi với nhóm bạn trẻ đang bán hoa trước cổng Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) trong ngày 8-3, được biết, các em đang là SV năm 3 Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai tranh thủ ngày không có tiết học lấy hoa nhà vườn, trang trí thành giỏ, lẵng, cánh… bày bán. “Chúng cháu cũng đã có ít kinh nghiệm mua-bán, không sợ ế hàng, héo hoa thua lỗ đâu chú. Trong 2 ngày, “bèo” cũng kiếm được không dưới 300.000 đồng/người”-bạn N. nhí nhảnh trả lời.

Vừa kiếm tiền, vừa rèn nghề

Nhóm “diễn viên” múa chào mừng hôn lễ bước ra từ hôn trường, tôi tranh thủ gặp. Các bạn cho biết hiện là SV Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, chuyên ngành thanh nhạc. “Chúng cháu tự lập nhóm, được cô giáo dạy cho một số vũ khúc rồi giới thiệu đến các nhà hàng biểu diễn. Sau mỗi tiết mục, được trả thù lao 100.000 đồng/người, có khi hơn thế nữa. Công việc phù hợp với chuyên môn, không mất nhiều thời gian. Có hôm “đắt sô”, kiếm được đến 300.000 đồng/người, thích lắm”-bạn U. hồn nhiên khoe.

Có những bạn SV các khoa Tiếng Anh, Toán-Lý Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đi làm gia sư, số ấy không nhiều, phải đủ tự tin về kiến thức và cả kinh nghiệm. Các bạn làm thêm 3 buổi/tuần (mỗi buổi 2 giờ), thù lao thỏa thuận, với mức giá từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. “Chúng cháu sắp xếp, thống nhất với nhau thời gian dạy-học, không ảnh hưởng đến lịch học của nhau. Dạy thêm vừa có thu nhập lại “thi triển được sở học”, vui lắm”-bạn N.-SV khoa Tiếng Anh tâm sự.

Làm thêm để trang trải phần nào cuộc sống SV là điều luôn được ủng hộ. Nhưng thử hỏi, liệu việc làm thêm có ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em? Phân tâm, mất thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe… sẽ chi phối việc học hành là điều không tránh khỏi. Học là nền tảng cho tương lai bền vững, khi mà chúng ta chú tâm vào việc học thật tốt thì ngại gì ra trường không có việc làm.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm