Phóng sự - Ký sự

Số phận lạ lùng của một chiếc xe đạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ nhớ về chiếc xe đạp là trong tôi trào lên hồi ức những năm tháng khó nghèo, để vui lên, để mừng cho con người và cuộc sống hôm nay. 
Khi còn nhỏ ở quê, tôi thường nghe các cụ cao niên bảo rằng thời trước, cả vùng chỉ mỗi ông chánh tổng là có chiếc xe đạp - một tài sản quý hiếm bậc nhất trong đời người lúc ấy.
Chiếc xe mua hóa giá
Lớn lên, tôi nghe kể hồi Chiến dịch Điện Biên Phủ, có những đoàn xe đạp thồ đông đảo hàng trăm chiếc từ miền Tây Thanh Hóa tiến về Tây Bắc, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng.
Nói vậy nhưng ở làng quê thời chống Mỹ vẫn rất hiếm bóng dáng chiếc xe đạp. Cả làng chỉ thấy mỗi ông thương binh chống Pháp có được chiếc xe Phượng Hoàng xích hộp của Trung Quốc nhưng không mấy khi đem ra chạy. Chiếc xe quý giá ấy được móc bằng hai cái mấu sắt vào ghi-đông và gác ba-ga, rồi lấy dây thừng cột lên xà nhà, treo lơ lửng bánh không chạm đất. Suốt ngày, ông chủ hí hoáy lau dầu mỡ cho xe láng coóng, quay cái pê-đan cho bánh sau chuyển động xè xè, xích líp kêu tanh tách mà nở nụ cười mãn nguyện!

Chiếc xe đạp Phượng Hoàng từng là niềm mơ ước của nhiều người một thời
Trong hoàn cảnh hiếm hoi như thế, nhà tôi bất ngờ có được chiếc xe đạp như một sự thần kỳ. Quê tôi - một vùng bán sơn địa nằm dọc Quốc lộ 37 nối ngã tư Cầu Giát với miền Tây Nghệ An, trước đây rừng rậm hoang vu, dốc đèo hẻo lánh. Đến thời di dân khai hoang, rồi ôtô nối nhau lên miền ngược thành ra tấp nập. Xe chở gỗ, chở cam từ miền Tây về. Xe chở xăng dầu, khí tài lên miền rừng Trường Sơn. Trên miền ấy đang làm ống dẫn dầu vào Nam...
Một hôm, nhóm dân công làm đường qua ngầm đường bộ Khe Ngang bỗng đào được một chiếc xe đạp bị chôn vùi lâu năm trong lòng đất. Toàn bộ chiếc xe đạp đã gỉ sét, mục nát, khi rửa sạch chỉ còn trơ cái khung sắt. Người ta đoán có lẽ chiếc xe ấy là của một ông cai lục lộ nào đó từ thời Pháp bị mất tích.
Khung xe được thu về, sau đó huyện hóa giá cho bố tôi, kèm theo phiếu mua phụ tùng mà ráp thành chiếc xe đạp đầy đủ để phục vụ công tác. Khung xe được anh tôi làm trong ngành cơ khí tỉnh mua sơn chống gỉ, chà sạch, quét nhiều lớp láng bóng một màu nâu cánh gián. Chiếc xe được dựng lên, cà số khung (ở dưới trục giữa), lắp biển kiểm soát (đeo ngay đòn giông), đăng ký với cơ quan nhà nước để được lưu hành.
Theo bố đi hết cuộc kháng chiến chống Mỹ
Ngày ấy, điểm dân di cư quê tôi cách xa trung tâm huyện 7 km, tuy vậy vẫn trực thuộc đơn vị hành chính thị trấn Cầu Giát (nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Bố tôi công tác ở thị trấn, hằng ngày vẫn phải đi lại hai nơi trong hoàn cảnh chiến tranh, máy bay đánh bom thường xuyên trên Quốc lộ 37.

Tác giả (ngồi, bìa trái hàng thứ hai) trong trại hè sinh viên, câu đối do tác giả viết
Đặc biệt, trên chặng đường ấy có một cái đèo cao, quê tôi gọi là Truông Ách, bom dội bất kể ngày đêm. Truông Ách, bên cao là đèo đường bộ, mé sâu là đường sắt. Hằng ngày, tàu hỏa đi lên ngược dốc đến đoạn Truông Ách thì phải dừng lại một lúc, đầu máy bốc lửa phừng phừng mấy chục phút thì tắt, đoàn tàu mới rú còi đi tiếp. Điệp khúc ấy diễn ra hết ngày này sang ngày khác, từ trong làng nhìn ra thấy rất kỳ lạ. Cứ như tàu hỏa bị cháy!
Đang đi trên chiếc xe đạp, qua truông thấy bom rơi, bố tôi liền vứt xe ra đường, nhào xuống mương hào mà tránh. Bom nổ xong, ông lại leo lên xe đạp về nhà. Mỗi lần bom đánh Truông Ách, chúng tôi cứ đứng từ trong làng mà ngóng, xem bố đã về đến đâu, có việc gì không...
Đánh ngày chưa thỏa mãn, máy bay Mỹ còn đánh đêm. Nhiều lúc chúng bắn 2-3 quả pháo sáng treo lơ lửng trên đỉnh truông, rồi đảo qua đảo lại tìm mục tiêu. Pháo sáng cháy xong, gió đông thổi dù bay vào cánh đồng làng mờ ảo. Chỉ chờ có thế, đám thanh niên nườm nượp kéo nhau ra đồng tìm những tấm dù trắng muốt, về cắt làm khăn quàng cổ, làm chăn đắp... Ống pháo sáng bằng hợp kim nhôm láng bóng thì cưa ra làm vỏ phích nước, ca đựng nước.
Có lúc máy bay địch nổi hứng bắn những tràng cà-nông ác liệt. Dưới đất chẳng biết đâu mà tránh thì bom đạn tự tránh người!
Mỗi lần bố tôi đạp xe đi họp huyện đến vài ngày, chúng tôi lại ngong ngóng, lo lo. Hễ nhận được văn bản đánh máy bằng giấy than, có con dấu vuông mực đen, với dòng chữ: Khi đi mang theo 3 lạng gạo và 5 hào bạc; thế là bố đi họp! Đi họp thì không biết rõ giờ về, cứ đoán già đoán non mơ hồ, mong cho không gặp bom trên đường. Thế mà chiếc xe đạp "cổ quái" đã cùng bố tôi đi trên chặng đường gian truân đèo dốc suốt bao nhiêu năm, trải hết chiến tranh đến hòa bình.
Đi cùng thời sinh viên khốn khó
Năm tôi vào đại học, bố cũng nghỉ hưu. Bố cho tôi chiếc xe đạp ấy đưa ra Bắc đi học. Tôi học ngành nông nghiệp, thường xuyên phải về làng, xuống đồng ruộng, đi thực tế, đi chỉ đạo sản xuất..., chiếc xe ấy giúp sức rất nhiều.
Những năm cuối 1970, đầu 1980, nạn đói tràn lan khủng khiếp. Sinh viên được 13 cân rưỡi lương thực, gồm cả gạo lẫn mì bột. Đói thì chung nhau nấu cải thiện bữa, xì xụp. Những đứa nhà gần, chủ nhật nào cũng về bọc lên mấy lon gạo, đêm đêm học bài khuya thì rủ nhau theo nhóm thân thiết nấu cháo gạo với rau cải sen. Ôi cái món cháo thơm ngon kỳ diệu trong đời!

Tác giả (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) trong buổi họp mặt bạn học thời sinh viên. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Hồi ấy, có thầy giáo đồng hương tôi, đi du học Mông Cổ về thì mắc "chứng bệnh lạ" là háu ăn. Nghe các thầy, các bạn cùng học bảo bên xứ lạnh ăn thịt nhiều, ai cứ thế ăn theo sở thích, không tiết chế, sau về nước dễ bị chứng nghiện thịt. Thầy có chiếc xe đạp Favorit của Tiệp Khắc (nay là 2 nước Czech và Slovakia) mới coóng, ai nhìn cũng mê. Được một thời gian, chiếc xe chỉ còn bộ khung, cặp bánh, ghi-đông và đôi bàn đạp. Cái xe quý thế bỗng trở nên tàn tạ bất ngờ, là vì thầy phải gỡ bán dần từng bộ phận không cần thiết để quy ra phở. Thầy nghiện phở mậu dịch!
Dù dạy chuyên môn kỹ thuật nhưng thầy rất giỏi tiếng Nga. Đại học thời ấy 50% phải học ngoại ngữ Nga văn, nhiều sinh viên cứ xoắn lấy nhờ thầy phụ đạo mà qua môn học được coi là ải gian nan này.
Thầy cô độc, không người yêu, không người thân. Khi hết cái trên xe để gỡ bán, người thầy cũng trở nên tiều tụy, xuống sắc trông thấy. Thời gian sau thì thầy nghỉ việc rồi qua đời ở quê vì bệnh.
Ngày tôi đi thực tập tốt nghiệp rồi ra trường, những món nợ "bà bóp" không biết nhìn vào đâu. Nhiều đứa bạn ma mãnh thì nhờ nhảy tàu buôn bán nhì nhằng mà có đủ tiền chi tiêu. Đứa gần thì về nhà tìm nguồn viện trợ. Tôi rặt dân quê, rời ruộng đồng chỉ như cục đất, nhà thì xa, mỗi năm chỉ về được 2 lần vào dịp hè và Tết, tất tật cần gì đều phải ký sổ nợ. Đến khi phải thanh toán, tôi chỉ còn con đường duy nhất là gán chiếc xe đạp.
Ra trường phải bỏ lại chiếc xe cũ kỹ nhưng đầy kỷ niệm với bố, với gia đình, với cả bản thân trong những tháng năm học tập xa nhà là một một điều rất nặng nề, khó khăn nhưng tôi không có cách nào khác. Tôi đành phải tự an ủi mình, có lẽ như mọi thứ trên trần đời, chiếc xe đạp cũng có số phận, dù yêu quý đến mấy, hình như nó đã hoàn thành sứ mệnh, để rồi tan hòa vào trong nhân gian!
Bây giờ, cứ nhớ về chiếc xe đạp là tôi trào lên hồi ức những năm tháng chiến tranh, những năm tháng khó nghèo, để vui lên, để mừng cho con người và cuộc sống hôm nay. 
Ký sổ nợ quán cổng trường
Ôn thi, hầu hết sinh viên phải ký quán "bà bóp" (cách sinh viên gọi các bà, các chị bán hàng trà thuốc, bánh kẹo ở cổng các trường chuyên nghiệp), từ cái bánh cam, bánh giò, điếu thuốc lá cuộn Lạng Sơn, chén nước chè Thái... Món nợ các năm học cứ thế tăng dần lên cùng với tuổi sinh viên. Thi thoảng đôi chủ nhật, có chút tiền, thèm lắm thì rủ nhau ra xếp hàng ở cửa hàng tổng hợp ăn uống quốc doanh để mua phở. Phở mậu dịch mà vẫn phải chen lấn. Xếp hàng mua được tô phở là mướt mồ hôi.
Theo PHẠM ĐỨC LONG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm