Thu nhập chủ tịch ngân hàng có thể lên cả tỷ đồng mỗi tháng chưa kể quyền mua cổ phiếu và được ngân hàng thanh toán từ cái tăm trở đi, còn chủ tịch thành phố có thu nhập chính thức còn thua cả những nhân viên ngân hàng cấp thấp.
Thời bao cấp chưa xa, độ ba bốn chục năm trước thôi, ở Việt Nam có bài đồng dao thế này:
Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Sau nhiều năm phát triển, lương bổng hiện nay tại các doanh nghiệp Việt Nam hầu như đã đủ sống và phần nào công bằng, ai đóng góp nhiều sẽ có mức thu nhập cao hơn.
Tưởng chừng những câu hát trong bài đồng dao ấy đã trôi hẳn vào dĩ vãng, nhưng nhìn bảng lương của các sếp lớn trong nhà nước, lại thấy vẫn còn một quá khứ tiếp diễn. Hiện nay, lương Chủ tịch UBND tỉnh là 11.383.600 đồng, Chủ tịch UBND TP trực thuộc TƯ có 2 bậc lương với mức 14.453.000 đồng và 15.347.000 đồng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có 2 bậc lương với mức 14.453.000 đồng và 15.347.000 đồng. Cũng còn những khoản phụ cấp nào đó nữa, nhưng có lẽ không quá cao.
Thực lòng mà nói thì với mặt bằng giá cả hiện nay, mức lương này chỉ đủ sống kham khổ ở Tp HCM và HN, với điều kiện không phải nuôi vợ con, xe cộ đi lại đã có người lo. Vậy mà đây là mức lương của những cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã qua hàng chục năm phấn đấu và chứng minh năng lực của mình. Nói thế nào đi nữa họ cũng là những người rất giỏi và biết tập hợp lực lượng. Thế còn những cán bộ cấp thấp hơn thì sẽ được hưởng mức lương thế nào? Chắc chắn thấp hơn nhiều.
Thực tế hiện nay lương cán bộ nhà nước quá phi lý. Thử so sánh một giám đốc chi nhánh ngân hàng cấp phường với một ông trưởng công an phường xem ai đóng góp cho xã hội nhiều hơn, ai khó làm việc hơn? Chắc chắn là ông trưởng công an phường, nhưng lương giám đốc kia có thể là 50, 100 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí hơn, cao gấp nhiều lần lương ông trưởng công an phường.
Hoặc chủ tịch một thành phố và chủ tịch một ngân hàng thì ai ảnh hưởng nhiều hơn đến người dân? Hiển nhiên là ông chủ tịch thành phố. Một ông chủ tịch thành phố làm tốt có thể giúp đỡ, nâng cao chất lượng sống cho hàng triệu người trong nhiều chục năm, đóng góp gấp ngàn lần một ông chủ tịch ngân hàng xuất sắc nhất. Đương nhiên, những sai lầm của chủ tịch thành phố cũng gây ảnh hưởng lớn hơn vô cùng nhiều so với một chủ tịch ngân hàng.
Vậy nhưng thu nhập chủ tịch ngân hàng có thể lên cả tỷ đồng mỗi tháng chưa kể quyền mua cổ phiếu và được ngân hàng thanh toán từ cái tăm trở đi, còn chủ tịch thành phố có thu nhập chính thức còn thua cả những nhân viên ngân hàng cấp thấp.
Sự thật này khiến cho người ta ngầm chấp nhận rằng cán bộ nhà nước mà có nhà cao cửa rộng ắt sẽ có những thu nhập nào đó ngoài lương. Vấn đề ở chỗ khi dân ngầm chấp nhận điều ấy thì cán bộ nào mà giàu có sẽ mất uy tín với dân, và thực tế là cán bộ rất dễ rơi vào vòng lao lý nếu không đủ bản lĩnh và đạo đức để vượt qua cám dỗ.
Nói đến vấn đề này tức là nói đến nhân sự.
Một trong những nguồn lực quan trọng nhất ở mọi tổ chức là nhân sự. Như ở các công ty lớn cả trong và ngoài nước, bảo vệ nhân sự cấp cao là một việc rất quan trọng. Bảo vệ ở đây không chỉ có nghĩa về sức khỏe và an toàn đi lại mà còn xây dựng cơ chế để họ không tham nhũng, trong đó trả lương xứng đáng là một cách.
Dĩ nhiên không thể đảm bảo lãnh đạo các công ty lớn chắc chắn sẽ có đạo đức sáng ngời, liêm chính, không hề tham nhũng. Thực tế họ được trả lương rất cao để dưỡng liêm nhưng đôi khi vẫn không tránh được những món lợi lớn. Cơ chế kiểm soát quyền lực, giám sát và thưởng phạt nghiêm minh giúp hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng ở các doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn xảy ra các vụ tham nhũng lớn.
Mỗi lần mất cán bộ, dù ở doanh nghiệp hay ở các tổ chức nhà nước, đều là một lần tổn thất đáng buồn cho cả cá nhân ấy và tổ chức. Chắc chắn những người phải ra quyết định kỷ luật cũng thấy khó khăn khi phải làm điều buộc phải làm ấy.
Đương nhiên không thể so sánh cán bộ nhà nước với người làm doanh nghiệp. Hai con đường khác nhau, với những lý tưởng phụng sự khác nhau, cần đến những con người có một số phẩm chất khác nhau. Thực tế có rất nhiều cán bộ đảng viên đã, đang và sẽ cống hiến cho đất nước mà không mưu lợi phi pháp gì cho bản thân và người nhà. Tuy nhiên, theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện trước Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 1960: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa"[1]. Con người là yếu tố vô cùng quan trọng, và rất khó để có thể lập tức có được hàng triệu cán bộ nhà nước tuyệt đối liêm chính, những con người thật sự xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, để nuôi dưỡng sự liêm chính cũng cần đến sự dưỡng liêm. Không thể dùng chỉ mỗi tiền bạc thôi để đánh giá con người, và càng không thể chỉ dùng tài sản để đánh giá sự thành công của một con người, nhưng cũng không nên để thu nhập chính thức của cán bộ ở mức mà họ thực sự phải vất vả để sống, nhất là trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt như hiện nay.
Thưởng và Phạt là hai cán cân công lý. Thưởng quá ít thì dễ dẫn đến Phạt quá nhiều. Làm sao để cân bằng giữa thưởng và phạt, giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân? Đó là câu hỏi rất khó trả lời và cần đến những bộ óc lớn, có tầm nhìn xa và lòng nhân ái.
------------------
[1] https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/loi-bac-day-nam-xua/muon-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-phai-co-con-nguoi-xa-hoi-chu-nghia-va-co-tu-tuong-xa-hoi-chu-nghia-541861
https://danviet.vn/song-bang-luong-sao-lai-khong-20220619094915394.htm
Theo Thiên Lương (Dân Việt)