Thế nhưng, lòng ông vẫn mãi khắc khoải khi nghĩ về những đồng đội vẫn nằm đâu đó trên các chiến trường. Năm 2007, khi có thông tin danh sách liệt sĩ Trung đoàn 16 giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông Giang bắt đầu hành trình rong ruổi tìm mộ đồng đội, đưa họ về bên gia đình.
Cựu chiến binh Lê Trường Giang dành nhiều thời gian và tâm sức cho việc tìm kiếm mộ liệt sĩ. |
Cuốn tập có tên “Nghĩa tình đồng đội”
Nâng niu năm cuốn tập viết tay và hai cuốn danh sách thông tin tìm đồng đội với phần bìa đã ố vàng, ông Giang bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng chậm rãi, đượm buồn: “Năm 1964, theo Trung đoàn 16 vào nam chiến đấu có hơn 4.000 người lính như tôi, giờ chỉ 30 người còn sống. Người may mắn được lành lặn quay về sum họp bên gia đình, người để lại một phần máu thịt trên chiến trường nhưng cũng có người mấy mươi năm sau cuộc chiến vẫn chưa thể tìm được mộ phần. Các anh đã chiến đấu cho đất nước, đã hy sinh vì hòa bình mà giờ người thân khóc hết nước mắt vẫn bặt tin. Nghĩ thấy xót xa, tôi muốn chung tay đưa các anh về với quê hương…”.
Năm 2007, tìm đến Phòng Chính sách Quân khu 7 nhờ hỗ trợ cung cấp thông tin danh sách liệt sĩ Trung đoàn 16 trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Giang may mắn nhìn thấy hai cuốn danh sách gốc được lưu lại của Tiểu ban Chính sách Trung đoàn 16 ngày ấy với 14 mục dữ kiện chi tiết. Mừng rỡ, ông vội vàng xin được phô-tô danh sách gần 5.000 liệt sĩ, đem về nhà làm tài liệu đối chứng thông tin. Cũng năm đó, ông bắt đầu hành trình tìm mộ đồng đội khắp khu vực Đông Nam Bộ khi tuổi đã ngoài 60. Nghe vợ hỏi liệu có đủ sức đi đường dài không, ông nhất quyết gật đầu “Tôi còn sống thì sẽ còn thêm đồng đội được về với quê nhà”. Không chỉ trực tiếp tham gia tìm kiếm thông tin và hỗ trợ đưa các phần mộ đồng đội đã ngã xuống tại các nghĩa trang liệt sĩ về với gia đình, gần 20 năm qua, ông Giang còn cặm cụi ngược xuôi tìm các phần mộ chưa được quy tập đang nằm rải rác khắp nơi. Việc tìm kiếm mộ phần liệt sĩ chưa quy tập gặp nhiều thách thức nhưng chưa khi nào ông cho phép bản thân dừng bước.
Cựu chiến binh Lê Trường Giang kể, Trung đoàn 16 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân) là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào nam chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong giai đoạn này, Trung đoàn 16 thường xuyên đóng quân, chiến đấu ở địa bàn các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh… Về sau, Trung đoàn 16 còn tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Ngày vào nam, nắm giữ vai trò cán bộ trinh sát, ông Giang được đơn vị giao nhiệm vụ thường xuyên khảo sát để nắm chắc địa bàn chiến trường ác liệt này cùng khu vực các trận đánh. Kiến thức thu được trong quá trình công tác về sau giúp ích rất nhiều cho người cựu chiến binh này trên con đường tìm kiếm, đưa mộ phần đồng đội về với vợ con, dòng họ. Nhớ như in từng nơi diễn ra các trận đánh lớn, thời bình, ông men theo chốn cũ tìm thông tin mộ phần liệt sĩ.
Năm cuốn tập học sinh được cựu chiến binh Lê Trường Giang đặt tên là “Nghĩa tình đồng đội”. Bên trong, ông kẻ khung ngay ngắn, dùng bút bi xanh đỏ lưu lại thông tin mộ phần liệt sĩ đã tìm thấy. Cả thảy hơn 1.500 người. Ngồi cạnh vợ trong phòng khách, ông Giang kể vanh vách kỷ niệm lúc đi tìm thấy mộ đồng đội này ở Tây Ninh hay chuyện xúc động khi cùng gia đình liệt sĩ nọ đến nghĩa trang ở Bình Dương tìm thông tin, mộ phần. Khu vực Đông Nam Bộ có bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ, đôi chân ông đặt đến gần đủ. Có nơi ngược xuôi trăm bận với xe đò, xe bus và cả xe máy để giúp gia đình liệt sĩ xác định đúng phần mộ của cha ông, đưa về gần nhà cho tiện bề chăm sóc.
Cuốn tập được ông Giang đặt tên là “Nghĩa tình đồng đội”. |
Người bạn đồng hành đặc biệt
Mỗi lần ghé thăm các nghĩa trang, ông Giang đều đem theo sổ và bút rồi chậm rãi đi dọc từng hàng mộ, đọc kỹ thông tin, cẩn thận ghi chép. Đến nghĩa trang tìm thông tin đồng đội nhiều đến mức, ông nhớ rõ nơi nào có bao nhiêu mộ phần liệt sĩ. Nhờ có trí nhớ tốt nên khi đọc tên trên bia mộ nào thấy quen quen, ông hay ghi chú lại rồi về nhà đối chiếu với danh sách của Trung đoàn 16 xem đã chính xác, đầy đủ chưa. “Đi nhiều, tôi nhận ra biết bao mộ phần bị sai họ tên, ngày tháng năm sinh, thời gian hy sinh và cả quê quán. Điều này khiến không ít gia đình gặp khó khăn trong việc xác định mộ phần liệt sĩ. Những thông tin chưa trùng khớp với danh sách hay thông tin sai lệch, tôi thường tìm về đơn vị hoặc địa phương nhờ so sánh, đối chiếu và chỉnh sửa nếu cần. Tôi hướng dẫn các gia đình liệt sĩ cách chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ trong quá trình đề nghị chỉnh sửa thông tin hoặc đưa các phần mộ về với gia đình”, ông Giang cho biết thêm.
Gần 20 năm ông Giang ngược xuôi khắp các nghĩa trang tìm mộ phần đồng đội còn thất lạc là chừng đó thời gian bà Trần Thị Lan làm trọn vai trò “hậu phương vững chắc”. Bà không theo chồng trên mọi nẻo đường nhưng dành nhiều tâm huyết lo chuyện hậu cần, hỗ trợ chăm sóc người thân liệt sĩ khi họ vào Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị đi tìm mộ. Đó là cả hành trình dài. Căn nhà ấm cúng tại quận Tân Bình của vợ chồng ông trở thành điểm tá túc của rất nhiều gia đình liệt sĩ trong những ngày họ từ miền bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm thông tin của người cha, người chồng đã hy sinh nhiều năm về trước. Chuẩn bị cơm nước, phòng ốc cho người thân của đồng đội chồng nghỉ ngơi sau ngày dài lặn lội, xong việc, bà dành thời gian hỏi han, chia sẻ, động viên mọi người. Nghe tin chồng tìm được mộ mới hay sửa xong thông tin cho đồng đội, bà Lan thêm một lần vui. Là phụ nữ, lại từng có chồng là liệt sĩ, bà Lan thấu hiểu nỗi đau của người ở lại nên muốn đồng hành cùng họ cho đến ngày các đồng đội của chồng mồ yên, mả đẹp bên gia đình.
Nhìn vợ bằng ánh mắt trìu mến, ông Giang kể chuyện ngày xưa họ đến với nhau. Ông gọi gia đình mình là “gia đình liệt sĩ”, bởi cả vợ đầu của ông và chồng của bà Lan đều hy sinh trong bom đạn chiến tranh. Câu chuyện lắng đọng bằng tiếng thở dài. Năm 1968, tức bốn năm rời quê nhà vào nam tham gia chiến đấu, lòng ông Giang thắt lại khi hay tin vợ đã hy sinh. Không đau đớn sao được khi con gái của ông bà còn bé xíu, vừa nói được tiếng mẹ, tiếng cha. Thời điểm ấy, bà Lan là người cùng làng và cùng chung cảnh ngộ, có chồng là liệt sĩ. Chiến tranh lùi lại phía sau, ông Giang về quê thăm gia đình. Chính thời gian này, nhờ người thân mai mối, ông gặp bà. Sau đó, họ trở thành vợ chồng, những đứa con lần lượt ra đời.
Đất nước hết chiến tranh nhưng ông Giang không ở lại quê cùng gia đình mà tiếp tục vào nam rồi sang Campuchia làm nhiệm vụ, vợ chồng mới gần đã xa đằng đẵng. Thời gian đó, bà Lan cực khổ vô cùng vì kinh tế gia đình khó khăn, một mình bà cáng đáng mọi thứ để chồng yên tâm lo việc lớn. Vừa nuôi dạy 5 con, vừa chăm sóc bố mẹ chồng, bà không có đủ thời gian để nhớ nhung hay muộn phiền. Trong những lá thư gửi đi, người phụ nữ ấy chưa một lần than vãn, chỉ dặn dò chồng bảo trọng. Bà nói “Tôi tự hào về chồng mình nên tìm đủ cách chăm lo gia đình thật tốt để anh an lòng. Chỉ mong chồng cùng các đồng đội lành lặn trở về để gia đình ấm áp bên nhau”. Ước mơ sum vầy của vợ chồng bà Lan cuối cùng cũng thành hiện thực dù có trễ hơn nhiều người. Năm 1990, bà đưa các con vào Thành phố Hồ Chí Minh sống cùng chồng. Hai vợ chồng tập trung làm kinh tế để nuôi các con ăn học thành tài.
Sau bao vất vả, khi cuộc sống gia đình ổn định, vợ chồng ông Giang nhìn quanh, thấy bao đồng nghiệp còn khó khăn quá, lại chạnh lòng. Vậy nên, ngoài việc giúp các gia đình liệt sĩ tìm các phần mộ còn thất lạc, ông Giang cùng vợ còn dành số tiền lương hưu ít ỏi, vận động thêm con cái, người thân để chăm lo, động viên cho các thương binh hạng nặng gần nơi mình sinh sống. Trong những chuyến về nguồn, gặp lại đồng đội ngày xưa, thấy ai bệnh tật, khó khăn, ông Giang đều mở lời giúp đỡ. Ông nói, còn sống, còn khỏe thì phải nghĩ đến đồng đội và gia đình của họ. Ông luôn dặn các con, đừng bao giờ quên công lao của người đã nằm xuống, vì nếu không có sự hy sinh thầm lặng ấy làm sao có được bình yên hôm nay.