Phóng sự - Ký sự

Sống chậm ở Tam Kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đặt cạnh những địa danh nổi bật của xứ Quảng như Hội An, Mỹ Sơn - Tam Kỳ có chút lép vế. Thành phố này được biết tới nhiều hơn từ khi làng chài Tam Thanh được “bích họa hóa”. Quanh Tam Kỳ còn khá nhiều điểm có thể níu chân du khách như các cụm tháp Chăm, hồ đầm, địa đạo... Ẩm thực địa phương cũng gia tăng sức hấp dẫn cho Tam Kỳ. Ngoài ra, nhịp sống chậm có thể coi là một nét thu hút?

Từ sân bay Chu Lai, có hai điểm đến ở hai phía ngược nhau là Tam Kỳ và Quảng Ngãi. Nhưng Quảng Ngãi đông đúc bao nhiêu thì Tam Kỳ trầm lắng bấy nhiêu. Đường phố vắng xe càng thêm rộng. Không những ít nhà cao tầng mà nhà mới xây cũng chả thấy mấy. Tam Kỳ rất phù hợp với những du khách muốn sống lại nhịp điệu của quá khứ.

Chả thế mà tháng 10-2015, Tam Kỳ được Tổ chức Định cư Con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á trao giải Cảnh quan thành phố châu Á (Asian Townscape Awards). Giải thưởng thành lập năm 2010 để tôn vinh những thành phố có vẻ đẹp hiền hòa, cho cư dân một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc đồng thời phát huy được những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

 

Tranh tường bên cạnh tranh thúng mủng. Bức phong cảnh hoàng hôn bị gia chủ xây nhà vệ sinh che mất một phần.
Tranh tường bên cạnh tranh thúng mủng. Bức phong cảnh hoàng hôn bị gia chủ xây nhà vệ sinh che mất một phần.

Triển lãm tranh không bao giờ kết thúc

Giữa 2016, sau khi dự án vẽ tranh tường tại Tam Thanh hoàn tất, làng chài lập tức có tên trên bản đồ du lịch. Đầu tiên phải nói Tam Thanh là một làng chài tương đối khang trang tọa lạc trên một vùng đồi mấp mô duyên dáng sát biển, cách thành phố 7km. Tùy theo độ cao mà chia ra ba khu Thượng, Trung và Hạ. Tuy nhiên ngoài cảnh quan tự nhiên, ngôi làng không có gì quá đặc biệt. Cho đến khi các họa sư Hàn Quốc theo một dự án giao lưu văn hóa đến “hóa phép” cho nó thành làng bích họa.

Các bức tranh được bố trí rải rác để du khách có dịp đi khắp làng tìm kiếm. Cách nhìn và cách chọn đề tài của họa sĩ Hàn vừa bay bổng lại vừa hài hước. Khi thì những hình ảnh tả thực con người Việt Nam, nhiều khi chính là chủ nhà, khi lại là một nhân vật hoạt hình thò ra từ một góc nào đó như trêu đùa. Nhiều bức phong cảnh biển mang đầy vẻ lãng mạn. Là những con thuyền hình trăng lưỡi liềm đậu trên bờ cát Tam Thanh đấy, nhưng vào tranh trông như chúng đang gối đầu trên tuyết trắng xứ kim chi.

Sự công phu và chắt lọc của tranh tường Tam Thanh mang tính tổng thể khiến chúng xứng đáng trường tồn cùng thời gian. Được biết có gia chủ đã rơi nước mắt khi phải đập bỏ bức tường tranh vì nhà quá cũ phải xây lại. Bốn bức tranh đã mất vì thế. Trong khi đó, những hình vẽ của họa sĩ nhà ta trên thuyền thúng lật úp bày hàng loạt ở đầu làng theo thời gian biến dạng đến mức không thể nhận ra mà cũng chẳng ai để ý.

Làng bích họa cũng là một cái cớ hay ho để du khách ghé thăm bãi biển Tam Thanh đẹp không kém nhiều bãi biển ở miền Trung. Dịch vụ lưu trú trong làng cùng quán xá cho du khách bắt đầu mọc lên. Chắc rằng tương lai không xa đây sẽ là một địa chỉ du lịch cảnh quan, văn hóa nhộn nhịp có thể sánh với An Bàng cách đó 50km.

Ngẫu hứng An Bàng

Có hai đường để đi từ Tam Kỳ tới An Bàng. Đường ven biển băng qua cồn cát trắng mênh mông và quốc lộ. Đường biển để chụp ảnh thì đẹp nhưng không có dịch vụ gì ráo trọi, nhỡ mà xịt lốp hết xăng cũng hơi phiền. Cảnh vật hai bên quốc lộ cũng đỡ buồn tẻ hơn, vừa đi vừa hít hà hương lúa non. Buồn ngủ quá thì ghé vào cà phê võng uống nước dừa tươi.

An Bàng nổi lên ba năm trước kể từ khi bãi biển Cửa Đại bị bão đánh bay. Trước đó An Bàng “không có cửa”, đơn giản vì Cửa Đại quá đẹp. Tôi đến An Bàng đúng kỳ biển động. Biển cấm tắm đặt khắp nơi. Bảo vệ bãi biển luôn canh chừng khách nào xuống bơi là tới nhắc nhở ngay. Kể cũng khó cưỡng lại vẻ đẹp của những con sóng tung bọt trắng xóa. Đứng dưới nước chụp ảnh một lúc mới thấy sóng cực mạnh, khi rút ra kéo cả cát dưới chân mình theo.

Khách đến An Bàng chủ yếu nước ngoài. Chúng tôi đi dọc bãi biển liên tục được phục vụ nhà hàng chào mời bằng tiếng Hàn. An Bàng thêm hấp dẫn bởi con phố nhỏ tập trung những homestay, quán xá xinh xắn trang trí chiều theo gu khách Tây. Ở An Bàng để hưởng không khí biển, ăn hải sản tươi ngon và rẻ là lựa chọn không tồi nếu bạn đến… An Bàng. Từ bãi biển vào phố cổ chỉ 3km.

Những tháp Chàm bị quên lãng

 

Cụm tháp Chiên Đàn nằm bên quốc lộ nối Tam Kỳ với Đà Nẵng.
Cụm tháp Chiên Đàn nằm bên quốc lộ nối Tam Kỳ với Đà Nẵng.

Trong cự ly 5km tính từ trung tâm Tam Kỳ có 2 cụm tháp Chăm là Khương Mỹ và Chiên Đàn. Mỗi cụm đều gồm 3 tháp đứng sát nhau (khoảng hở giữa hai tháp có khi chỉ một người chui lọt) theo chiều Bắc-Nam. Hẳn là không gần cộng đồng người Chăm, nên hai cụm tháp này giống như bị bỏ hoang.

Đến Chiên Đàn, tôi không còn cách nào khác phải trèo tường vào. Tất nhiên tường bao thấp, để trang trí là chính. Bên ngoài hàng rào là đàn bò mải mê gặm cỏ. Trong khuôn viên không một bóng người, tuy nhiên cỏ cũng được cắt tỉa (hoặc gặm?) gọn gàng. Khuôn viên rộng càng làm tôn lên sự tôn nghiêm của 3 tòa tháp thờ tam thần Siva, Vishnu và Brahma. Mỗi tòa tháp chính là một tiểu vũ trụ với phần đáy tượng trưng cho cõi người và mái là thần linh.

Khu nhà trưng bày những hiện vật khai quật trong khu vực cũng khóa kín. Thêm cái biển khuyến cáo khách đứng cách tháp 3m, tránh gạch rơi vào đầu. Tóm lại là ai chui vào trong phải tự chịu trách nhiệm. Liều bước vào, tôi cảm nhận thời gian sắp đóng băng trong lòng tháp, khiến đám rêu cỏ ẩm ướt không còn xanh bình thường mà ánh màu lân tinh ma quái.

Quanh Khương Mỹ tập trung đông dân cư nên cảm giác hoang vắng cũng đỡ đi. Tôi đến nơi đúng lúc ông bảo vệ có mặt nên không phải trèo tường. “Cậu cứ tham quan, lúc nào về chỉ cần khép cổng,” ông nói rồi chạy xe đi mất.

Cũng có biển cảnh báo giữ khoảng cách 3m nhưng trong lòng Khương Mỹ, dấu vết hương khói còn khá mới. Tháp Khương Mỹ cao hơn, vào trong ngước lên không thấy mái lợp che lỗ hổng như Chiên Đàn mà chỉ thấy tối thui và tiếng dơi xao xác. Kỳ bí hơn, tôi giơ máy ảnh tính mượn ánh flash để quan sát mái vòm mà không hiểu sao đèn không tài nào lên được, đành chịu(!) Khuôn viên Khương Mỹ có dấu hiệu bị xâm lấn bởi nào là đài tưởng niệm chiến tranh, sân cầu lông. Lại có cả một căn nhà tuy đổ nát nhưng vẫn đứng chình ình đúng mặt tiền tháp.

Nói chung cả hai tháp đều bị hư hại khá nhiều, hoa văn, điêu khắc không còn lại bao nhiêu. Tuy nhiên chính những dấu vết tàn phá không thể khắc phục kia lại mang đến cho chúng vẻ hấp dẫn lạ kỳ. Chừng nào còn nhô lên khỏi mặt đất, di tích vẫn như những trang sử mở. Du khách dù không thể đọc nhưng có thể cảm được ít nhiều…

Ngọt như mít hôông

 

Mít hôông- quà riêng xứ Quảng.
Mít hôông- quà riêng xứ Quảng.

Nhắc đến Tam Kỳ là nhắc đến cơm gà. Các hàng cơm gà bao giờ cũng đông khách. Lỡ người Tam Kỳ chán cơm gà thì đã có xôi gà, cháo gà, mì gà... Cơm trong đĩa cơm gà bao giờ cũng vàng bóng vì được tẩm mỡ gà. Gà xé phay ngấm gia vị vừa ăn đặt lên trên cùng hành tây thái lát, rau răm, ăn kèm canh khổ qua nhồi thịt. Đó là một combo phổ biến của cơm Hạnh phố Huỳnh Thúc Kháng, giá 30 ngàn. Cơm gà tuy ngon nhưng ăn đến bữa thứ hai thì chắc là ngán. Hẳn biết thế nên quán Hạnh bán thêm nhiều món khác như một tiệm cơm bình dân.

Nếu món phở tiêu biểu xứ Bắc thì với tôi bánh canh là món không thể bỏ qua ở miền Trung. Điểm vượt trội của món này là bánh thường được chế biến tại chỗ đảm bảo tươi mới. Nếu tìm trên mạng về Tam Kỳ sẽ hiện ngay ra bánh canh N. Tôi đã ăn và lại không thấy đặc sắc lắm. Tôi chấm bánh canh Hải Triều đường Trần Cao Vân. Ngoài ra chủ quán cũng rất tốt tính, khách đi rồi, anh còn chạy xe máy đuổi theo, cùng ba-lô khách để quên.

Một món cũng giản dị thôi mà chỉ xứ Quảng mới có, là mít hôông. Bản thân mít chín đã ngon cả múi lẫn hạt rồi, nay người ta lại muốn cầu kỳ ăn cả hai cùng lúc. Hạt mít luộc chín giã nhỏ trộn gia vị nhồi vào múi mít rồi đem hấp. Hấp xong thì mít dai cũng mềm gần như mít mật, vị ngọt càng sắc hơn. Ăn kèm lạc rang giã dập và dừa nạo. Thành phẩm nói thật cũng không quá đột phá so với nguyên liệu gốc, nhưng vì vốn là người nghiện mít nên ngày nào ở Tam Kỳ tôi cũng phải đến 25 Hoàng Diệu xơi một đĩa.

Nguyễn Mạnh Hà/tienphong

Có thể bạn quan tâm