"Sống chung" với ô nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đang phải "sống chung" với tình trạng ô nhiễm môi trường từ chính thói quen nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn của chính họ.

Tại xã Ia Ma Rơn, hầu hết những hộ có nuôi trâu, bò đều nhốt dưới gầm nhà sàn. Không những vậy, heo, gà cũng được nhốt chung ở đây nên gây mùi hôi rất khó chịu. Khi được hỏi vì sao không làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra khỏi nơi ở, ông Siu Tâm (thôn Bahleng) trả lời: “Muốn làm chuồng nhưng đất chật lắm nên buộc phải nhốt dưới gầm sàn thôi!”. Tuy nhiên, qua quan sát, chúng tôi thấy đất của gia đình ông Siu Tâm không chật tới mức không có đất để làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nhà.

 

Gầm nhà sàn của chị Rơ Lan Dem vừa làm nơi nuôi nhốt bò vừa làm nơi sinh hoạt. Ảnh: Đ.Y
Gầm nhà sàn của chị Rơ Lan Dem vừa làm nơi nuôi nhốt bò vừa làm nơi sinh hoạt. Ảnh: Đ.Y

Đến xã Chư Mố, chúng tôi vào thôn Ơi Briu 2 thì biết ở đây nuôi khá nhiều bò; đất ở cho mỗi hộ cũng khá rộng nhưng nhà nào cũng nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn. Hộ gia đình ông Ksor Leo có tới 3 ngôi nhà, dưới gầm sàn ngôi nhà to nhất ông dùng để làm nơi nuôi nhốt bò. Hiện tại, gia đình ông Leo có 11 con bò lớn nhỏ. Khi thấy dưới gầm nhà sàn ngập ngụa phân bò, đang được con gái ông là Rơ Lan H’Ngao dọn dẹp, chúng tôi hỏi: Vì sao không làm chuồng bò ra ngoài? Ông Leo nói: “Phải để bò ở dưới gầm nhà sàn mới an tâm không sợ mất trộm. Thời gian qua, nhiều lần kẻ trộm rình rập vào làng ăn trộm bò của bà con nên nuôi nhốt dưới gầm nhà là yên tâm nhất. Hơn nữa, muốn làm chuồng bò kiên cố ra xa nhà nhưng do điều kiện khó khăn nên tận dụng nhốt bò dưới gầm sàn cho tiện đôi đường”.

Cách nhà ông Leo 2 nhà, hộ gia đình chị Rơ Lan Dem thậm chí tận dụng gầm nhà sàn vừa làm chuồng bò, vừa là chỗ để xe máy, để củi, đặt hòm chứa lương thực và là chỗ vui chơi của 2 đứa con của chị.

Riêng xã Ia Kdăm, nhờ sự quyết liệt tuyên truyền vận động của chính quyền xã, nhiều hộ ý thức được tình trạng ô nhiễm môi trường nên đã làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm riêng. Trao đổi với P.V, ông Bùi Thanh Định-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kdăm, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi không chỉ tuyên truyền mà còn yêu cầu người dân không được để bò dưới gầm nhà sàn, thả rông heo và đưa việc chấp hành vào xét danh hiệu gia đình văn hóa. Xã đã giao nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện trước và vận động người thân trong dòng họ cùng làm… Nhờ thế, phần nào cũng hạn chế bớt được tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn không chịu thực hiện cho dù họ biết là việc chăn nuôi như thế rất mất vệ sinh, gây bệnh tật cho mình. Cũng bởi phần lớn các hộ đang khó khăn về kinh tế, việc làm chuồng là khó khả thi. Vì thế, chính quyền xã đang đưa ra giải pháp tạm thời, hướng dẫn các hộ này nên đổ xi măng dưới gầm nhà sàn để tiện việc vệ sinh hàng ngày. Các hộ làm theo sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Còn ông Nay Yên-Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Mố, cho biết: “Việc nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn là do phong tục tập quán và thói quen của người dân nên phải từng bước tuyên truyền mới thay đổi được nhận thức của bà con. Xã cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, song kết quả chưa được như mong muốn”.

…Môi trường là tiêu chí số 17 trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tình trạng nuôi, nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn cũng là những nguyên nhân khiến tiêu chí 17 trên địa bàn huyện Ia Pa chưa đạt. Đây thực sự là vấn đề nan giải, không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mới có thể thay đổi được thói quen và những tập tục lạc hậu của bà con.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm