Báo xuân 2025

“Sống để kể lại” (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa câu chuyện dài về chiến tranh, 2 cựu chiến binh Hà Xuân Nhắc và Nguyễn Minh Tân vẫn chưa thôi kinh ngạc mình có thể sống, có thể vượt qua bom đạn dày đặc như đan lưới. Tôi thì lại nghĩ, số phận đã định cho họ một sứ mệnh: Sống để kể lại một phần đời không thể tách rời với ký ức dân tộc.

Ôm lấy vai nhau, họ cùng “tổng kết” những điểm chung kỳ lạ: cùng ra đi từ quê hương Vĩnh Phú (nay là 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) với niềm tự hào đất Tổ, đều từng là trinh sát chiến đấu trên Mặt trận Tây Nguyên và giờ đây cùng sinh sống tại xã Biển Hồ, TP. Pleiku. 50 năm trước, họ cùng đồng đội góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30-4, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ký ức 17-3

Sự bén nhạy của một lính trinh sát vẫn còn nên ở tuổi 80, cựu chiến binh Hà Xuân Nhắc tiếp chuyện chúng tôi bằng trí nhớ như của người vừa bước ra khỏi cuộc chiến. Ông Nhắc nhập ngũ năm 1965, biên chế về Sư đoàn 308. Năm 1967, ông có mặt tại Gia Lai, trở thành lính Trung đoàn 95, sau đó làm Trợ lý quân báo trinh sát của Tỉnh đội từ năm 1973.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Tân (bìa trái) và cựu chiến binh Hà Xuân Nhắc vừa là đồng hương, vừa là đồng đội cùng chiến đấu trên Mặt trận Tây Nguyên. Ảnh: P.D

Tháng 1-1975, Bộ Chính trị họp và quyết định: “Chưa bao giờ ta có đủ điều kiện quân sự, chính trị, thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”.

Khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn vào ngày 4-3-1975, các lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công tạo thế chia cắt chiến lược trên đường 19, giam chân địch tại Pleiku và Kon Tum, tạo thuận lợi cho hướng đánh chính Buôn Ma Thuột.

Ông Nhắc hồi tưởng: Thời điểm này, ông đang làm nhiệm vụ tại Sở Chỉ huy của Tỉnh đội do đồng chí Lâm Huế (Tỉnh đội phó) phụ trách, đặt tại huyện Chư Sê. Một ngày giữa tháng 3, hàng loạt máy bay từ Gia Lai-Kon Tum nối đuôi nhau từng hàng bay về hướng đồng bằng. Xe cộ các loại ùn ùn đổ về ngã ba Mỹ Thạch.

Thì ra, sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ ngày 10-3, tướng lĩnh và binh lính Quân đoàn 2 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã tìm đường rút chạy. “Một bộ phận dân chúng cũng hốt hoảng chạy theo, gánh gồng đông nghịt. Trong lúc hỗn loạn, xe Honda, máy khâu… vứt đầy đường”-ông Nhắc kể.

Trước tình hình đó, ông Nhắc đề nghị Huyện đội phó Khu 6 phối hợp đưa quân ra đánh chặn địch; đồng thời, nhanh chóng cùng đại đội trinh sát bắc loa vận động địch đầu hàng, giao nộp vũ khí. Từ 12 giờ đến 16 giờ ngày 16-3-1975, đơn vị ông đã vận động khoảng 300 tên địch đầu hàng, thu nhiều vũ khí, xe cộ. Mặt khác, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị dùng xe cơ giới đưa người dân di tản trở về.

Ông Hà Xuân Nhắc hào hứng kể về Ngày giải phóng tỉnh 17-3. Ảnh: Phương Duyên

“Khi hay tin tỉnh ta hoàn toàn giải phóng vào trưa 17-3, người dân khắp nơi nô nức reo hò mừng chiến thắng”-cựu chiến binh Hà Xuân Nhắc bồi hồi kể. Ngay sau đó, quân ta tiến hành truy quét tàn quân, thiết lập và củng cố chính quyền cơ sở; tiếp tục huy động cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cuộc Tổng tiến công giành thắng lợi hoàn toàn. Ông Nhắc còn đảm nhận nhiệm vụ khai thác hàng binh để quản lý, cải tạo. Đến trưa 30-4, nghe bản tin chiến thắng qua đài phát thanh, ông vỡ òa trong niềm vui chung của cả dân tộc.

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Gia Lai phối hợp cùng quân chủ lực Tây Nguyên giải phóng tỉnh mang ý nghĩa chiến lược, làm nên thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên, cùng với Chiến dịch Huế-Đà Nẵng tạo thành động lực quan trọng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, thu non sông về một mối.

Chiến thắng “kẻ thù mạnh nhất hành tinh”

Là người lính Tiểu đoàn quân báo thuộc Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34), thời điểm tháng 3-1975, ông Nguyễn Minh Tân có mặt trong đội ngũ bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng địa phương để giải phóng tỉnh nhà. Nhưng, nhiệm vụ của ông và đồng đội không chỉ dừng ở đó. Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, người lính trinh sát này cùng Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 được lệnh tiến về Sài Gòn.

Nghiêng mái tóc trắng như cước, ông Tân hồi tưởng: Tại cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, quân ta có nhiệm vụ đập tan “cánh cửa thép” của Sư đoàn 25 (Quân đội Việt Nam Cộng hòa) tại căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) để thọc sâu vào nội đô.

Theo cứ liệu lịch sử, dù trong cơn “hấp hối” nhưng địch vẫn bố trí tại đây hệ thống trận địa, vũ khí, trang bị khổng lồ với quân số khoảng 3.000 tên, xung quanh căn cứ có nhiều đơn vị chi viện nên Chuẩn tướng Lý Tòng Bá-Sư đoàn trưởng rất ngoan cố, bắt lính tử thủ đến cùng. Đúng 5 giờ 30 phút sáng 29-4, Sư đoàn 320 nổ súng, đánh chiếm căn cứ Đồng Dù. Dù địch chống trả quyết liệt nhưng đến 10 giờ 30 phút thì ta chiếm được toàn bộ căn cứ, đập tan Sư đoàn 25 và hôm sau bắt sống Sư đoàn trưởng Lý Tòng Bá.

Với khí thế như chẻ tre, sáng 30-4-1975, ông Tân cùng các trinh sát trực tiếp dẫn Sư đoàn 10 đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Ông nhớ lại: Đường đi lối lại nhằng nhịt như bàn cờ, lính miền Bắc mới vào nên phải nhờ lực lượng biệt động Sài Gòn hỗ trợ. Đến cầu Bông thì cầu bị đánh sập khiến nhiều chiến sĩ hy sinh. Ông Tân không khỏi ngậm ngùi: “Trên đường tiến vào mục tiêu, bộ đội ta tiếp tục hy sinh rất nhiều nhưng chúng tôi gạt nước mắt tiến nhanh về phía trước với phương châm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”.

Ông Nguyễn Minh Tân-người lưu giữ những ký ức đáng quý về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cách đây tròn nửa thế kỷ. Ảnh: P.D

Đúng 7 giờ 15 phút ngày 30-4-1975, Sư đoàn 10 được lệnh khai hỏa. Các trận địa pháo lớn của ta bắt đầu trút “bão lửa” xuống Sân bay Tân Sơn Nhất khiến địch nhanh chóng bị tê liệt, mở đường cho các mũi tiến công của ta.

Đúng 10 giờ 35 phút, ta đã làm chủ hoàn toàn Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay sau đó, ông Tân cùng Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) tiến về Bộ Tổng tham mưu ngụy tại Dinh Độc Lập, phối hợp với các cánh quân làm nên chiến thắng lịch sử trước “kẻ thù mạnh nhất hành tinh”.

Người lính khi đó mới 21 tuổi đời, ngỡ ngàng: “Cờ may lúc nào, ở đâu mà nhiều đến thế? Quân ta tiến đến đâu, cờ lập tức tung bay đến đó. Cờ hoa rợp trời!”.

Phẩm cách người lính

Nửa thế kỷ trôi qua không khác một cái chớp mắt. Nhìn lại, ông Nhắc và ông Tân không khỏi bồi hồi. “Lúc mới giải phóng, thị xã Pleiku lụp xụp lắm. Nhưng nay thì khác. Không riêng Gia Lai, tôi đi từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng nhà cửa khang trang, phố xá tươi đẹp”-ông Nhắc chia sẻ đầy cảm hứng.

Ông Tân cũng hồ hởi: “Khoảng 30 năm trở lại đây, Gia Lai khởi sắc rất nhiều. Năm 1997, tôi quyết định đưa vợ con vào đây. Gia Lai là nơi dễ sống, đất đai phì nhiêu, con người hiền hòa. Tôi mừng vì cuộc sống nơi đây đổi thay, phát triển nhanh chóng”. Đến giờ, ông Tân có 2 người con kế nghiệp, hiện công tác tại Quân đoàn 34; người nữa là kỹ sư xây dựng. Ông Nhắc cũng có 1 người con theo binh nghiệp tại Quân đoàn 34; 3 người còn lại đều có cuộc sống ổn định.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và 2 cựu chiến binh không chỉ ắp đầy cảm xúc tự hào mà còn cả niềm xúc động sâu lắng. Ngày đó, tận hưởng không khí hòa bình ngắn ngủi, họ tiếp tục lao vào một cuộc chiến khác cũng vô cùng khốc liệt-chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông Tân còn tham gia Mặt trận Vị Xuyên-mặt trận trọng điểm của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. “Danh dự một người lính, danh dự một dân tộc buộc tôi phải tiếp tục cầm súng”-ông khảng khái.

Nắng sớm trên Biển Hồ chè. Ảnh: Công Phạm

Qua mấy cuộc chiến đau thương, các cựu chiến binh chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống cho đất nước bình yên. Giữa những câu chuyện, khóe mắt 2 cựu chiến binh đỏ lựng, đăm đắm niềm thương đồng đội. Nghĩa đồng bào cũng đâu dễ quên.

“Không có dân thì chúng tôi không sống được đến giờ. Ai làm hầm cho bộ đội trú ẩn? Ai dành bát cơm, củ sắn nuôi bộ đội?”-ông Tân nói. Còn ông Nhắc cũng ôn chuyện cũ: “Hồi trước, dân vùng căn cứ của tỉnh đóng góp cho cách mạng rất nhiều. Làm rẫy được chục gùi lúa thì đóng góp hết 9 gùi, chỉ dành lại 1 gùi cho con cái ăn, họ thì ăn củ mài, củ mì. Chưa kể, không đủ muối ăn, họ phải đốt cỏ tranh thay muối. Chúng tôi mong Đảng, Nhà nước tiếp tục chăm lo gia đình chính sách, chăm lo cho đời sống bà con vùng căn cứ”.

Những day dứt ấy càng khiến chúng tôi thêm một lần trân trọng phẩm cách người lính: Hoàn cảnh nào cũng gần dân, gắn bó với dân và thủy chung cùng đồng đội.

------------------------

(*): Một tác phẩm của nhà văn Gabriel Garcia Marquez.

Có thể bạn quan tâm