Phóng sự - Ký sự

Sông Gianh mùa chạp mả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chạp mả theo tiếng vùng Quảng Trạch, Ba Đồn (Quảng Bình) là tảo mộ. Từ mùng 1 đến 31 tháng Chạp mỗi năm, toàn bộ các làng trong 2 huyện, thị xã này tổ chức chạp mả. Tết con cháu ở xa có thể không về, nhưng chạp mả thì phải thu xếp về, bởi đó là đạo hiếu mà tổ tiên đã dặn dò mấy trăm năm nay.
Làng nào cũng biện cỗ mùa chạp mả vào cuối năm ở Ba Đồn và Quảng Trạch
Làng nào cũng biện cỗ mùa chạp mả vào cuối năm ở Ba Đồn và Quảng Trạch
Tưởng nhớ tiền nhân
Sông Gianh, đoạn chảy qua huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn có lưu vực nở bung thành đồng bằng dưới rặng Hoành Sơn. Nơi châu thổ dòng sông này có hơn 300 làng xóm quây quần từ rất xa xưa. Nếu tính tháng Chạp có 30 ngày (có năm 31 ngày) thì trung bình mỗi ngày ở vùng đất ấy có hơn 10 làng tổ chức chạp mả. Điều đặc biệt là làng nào cũng nhất tề hương khói đủ đầy.
Ông Hòa ở tít xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) kể: “Chạp mả làng nào ở đây cũng có 2 ngày, ngày đầu tổ chức chạp mả họ hàng, ông tổ của làng, của dòng tộc. Ngày sau tổ chức trong gia đình. Con em ở xa đi về, xóm trên lối dưới hỏi chào cuộc sống, mừng nhau có thêm cháu nhỏ ríu rít mà lòng dạ ai cũng hớn hở”.
Ba Đồn và Quảng Trạch xưa vốn là một địa giới hành chính, sau này Ba Đồn tách thành thị xã, nhưng lễ tục truyền đời thì không thể phôi phai. Người ở thị xã Ba Đồn vẫn giữ chặt cái gốc văn hóa chạp mả một cách kính lễ, hiếu nghĩa với tiền nhân cha ông. Cả hai vùng đất này mỗi làng có nghi thức chạp mả riêng theo địa lý, thổ nhưỡng, sông nước… Có làng ngày đầu chạp mả cho thành hoàng bổn thổ, có làng chạp mả cho các vị tổ khai canh, có làng chạp mả cho nữ nhi dựng làng từ hàng trăm năm trước. Ấy là nữ thành hoàng ở làng Phù Lưu (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch). Ngôi làng có nữ khai canh Nguyễn Thị Quý Ba từ Hà Nam vào khai khẩn xóm thôn lúc quân Nguyên Mông xâm lược. Bà nghe lời vua Trần vào trấn ở phía Nam Hoành Sơn, tại Bắc sông Gianh, lúc 42 tuổi. Với nghề trồng dâu nuôi tằm, mở thêm đất mới, động viên người dân đoàn kết, sau vài năm, bà xây dựng một vùng dân cư trù phú rộng lớn, mọi người tôn bà thành Chủ Quản. Ngày 15 tháng Chạp năm 1336 bà qua đời, vua Trần Hiển Tông thấy bà công lớn đã sắc phong cho bà. Từ đó, cứ đến ngày 15 tháng Chạp hàng năm, người làng lại tảo mộ bà bằng lễ vật làm được từ làng để không quên công khai phá mảnh làng ấy cho đến ngày nay.
 Con cháu tề tựu bên tổ tiên
Con cháu tề tựu bên tổ tiên
Mùa chạp bên bờ biển Đông
Thôn Thanh Bình (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) neo mình bên rú cát của bờ biển Đông. Chạp mả của làng tiến hành vào 2 ngày 17 và 18 tháng Chạp. Ngày đầu, làng tổ chức mổ heo theo từng họ để rước linh 12 vị tổ khai canh của 12 họ hàng bản quán từ hơn 350 năm trước. Ông Phạm Đồng, một dân làng, kể: “Lệ xưa truyền dạy, sáng ngày 17 đàn ông dậy lúc 3 giờ sáng để mổ heo, tự sắp hoa quả; đàn bà không được đụng tay vào bất cứ việc gì, mọi việc phải do đàn ông sắp đặt. Họ từng tốp í ới gọi nhau trong dòng tộc ra mộ tổ bên rú cát gần sóng biển thắp hương khấn vái. Lễ khấn không xin cho riêng mình mà xin mưa thuận gió hòa, làm ăn cần cù, lao động có sức khỏe, con cháu khỏe khoắn, để giữ làng, giữ mả, giữ lệ ước cha ông để lại”. Xong việc mả họ, cụ ông trưởng họ cắt từng miếng thịt mời các thành viên trong họ. Người nào vắng mặt đột xuất sẽ được cất riêng một miếng vừa mỡ vừa nạc cùng chút muối sống để nhận về dùng sau.
Hết chạp mả họ, từng nhánh dòng tộc dắt nhau về phía biển, khấn vái biển Đông. Các dòng họ của làng xướng lên rằng: “Mong cho Đại Hải (biển lớn) làm binh giặc không xâm chiếm được bản quán dân quê. Giặc giã phương nào đến cũng bị sóng thần đánh chìm, bị sóng nước thổi bay, bị dân làng chống trả phải lui về xấu hổ. Mong cho biển thần cưu mang ngư phủ sức khỏe kiếm ăn, có sức nuôi con, chống giặc khi khốn, lao động khi khoan, mong thần biển mẹ đất phù hộ”.
Phía làng biển Cảnh Dương lại khấn cúng cá voi với hò vè rằng: “Rằng năm quốc thứ Mậu Thân/ Trời sinh thánh thượng Duy Tân trị vì/ Hà Thanh hải yến bốn bề/ Ngư ông thượng thọ thác về cõi tiên/ Lênh đênh mặt nước dạo miền/Tìm nơi đất tốt dân hiền ghé vô/ Cảnh Dương vui thú hải hồ/ Sở vọng trông thấy, rước vô lạch nhà/ Tưng bừng nổi trống phèng la/ Nghe tin làng nước gần xa vui lòng/ Tức thì nắm vía bắt đồng/ Con quan Tuần Vũ vốn dòng nữ nhi/ Hình dung yểu điệu phương phi/ Mày tằm mắt phượng có bề thanh tâm/ Cúng cho non nước sâm cầm/ Cúng cho Ngài biết dân làng tri ân”.
Chạp mả trong dân
Sông Gianh đoạn trước phà Phù Trịch có làng Lũ Phong (xã Quảng Phong). Sinh thời, nhà Quảng Bình học, cụ Nguyễn Tú nói với tôi rất nhiều về ngôi làng này. Làng ngoài tảo mộ ông bà, tổ tiên, dòng tộc khai canh và thành hoàng làng thì những bậc tiền nhân xưa còn cho làm mộ gió với các chữ: Thần, Dân, Văn, Võ, Lễ để con cháu khói hương mùa chạp mả. Trên đình thờ, 5 chữ linh thiêng ấy được khắc trang trọng. Những người già nhất làng Lũ Phong truyền lại cho con cháu rằng: “Mộ Thần sẽ được thần phù hộ, mộ Dân sẽ được dân hỗ trợ, mộ Văn để hiểu dân, mộ Võ để giữ làng, giữ đất, bảo vệ dân, mộ Lễ để không quên gốc mình từ dân”.
Tiên sinh Nguyễn Tú từng luận bàn rằng: “Lập mộ cho chữ, thờ chữ nó thể hiện chí khí người Lũ Phong với trách nhiệm trước làng nước. Người làng ở đây tự hào, thờ chữ cùng tổ tiên ông bà, ngày tảo mộ thì đến khu đất cao đốt chữ của những người viết giỏi để nhớ gốc của ta có Dân, có Thần, để biết làng nước được giữ bằng sức của Võ và Lễ. Người làng ấy biết không phải cứ dùng Võ là giữ được làng, mà phải dùng cả Lễ mới giữ được làng, vì trong Lễ có cả trọng đạo, đầy đủ mềm dẻo của sự đời dâu bể, trong Lễ còn có lễ với dân mới được dân tin, dân theo”.
Trên mô đất cao của cánh đồng làng cạnh sông Gianh, cỏ mọc xanh rì những ngày cuối năm. Nơi đó mỗi năm mùa lễ chạp, những người chữ đẹp được chọn ra viết trên giấy tốt về tiền nhân, về lễ, về võ, về thần rồi đốt nén hương thơm nâng chữ thành đạo, thành linh nghiệm, thề giữ hiếu kính với mọi thứ cho con cháu có phúc để giữ làng.
Mỗi năm, tháng Chạp lại nhớ nhung con cháu về quê hương bản quán. Như một lễ hội kéo dài xuyên tháng, nhưng trong lòng người nó dài mãi bất tận. Một lễ hội dân gian độc đáo đã mấy trăm năm trường tồn dưới rặng Hoành Sơn của châu thổ sông Gianh. Ai đến lễ cũng trịnh trọng tưởng nhớ tổ tiên, tiền nhân. Tôi trong dòng người trở về của mùa chạp mả năm nay thấy thật ấm lòng bởi làng nào, nhà nào, người nào cũng một lòng với bản quán quê hương.
MINH PHONG (sggp)

Có thể bạn quan tâm