Phóng sự - Ký sự

"Sóng" lặng ở đáy sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những giây phút sinh tử trong chiến tranh không làm cho cựu du kích Ksor Djoang khiếp sợ, nhưng khi đối đầu với những hủ tục ở vùng đất bên dòng Krông Năng (huyện Krông Pa) lại khắc sâu vào lòng ông những nỗi bi thương.
Hành trình đấu tranh đòi quyền sống cho con của ông Ksor Djoang cũng chính là khát khao được làm một con người bình thường, để sống đời bình thường sau khi đã nếm trải đủ những bất thường của đời người.
Bước qua bóng tối
Trở về buôn Ji sau ngày đất nước thống nhất, cựu du kích Ksor Djoang những tưởng sẽ có cuộc sống êm đềm. Nhưng bão tố bắt đầu khi vợ ông sinh đứa con đầu lòng. Đó là một ngày trời đất nóng nực năm 1977, vợ ông sinh đứa con trai không có chân có tay; môi, miệng cũng không bình thường. Ngay lập tức, ông hiểu số phận con mình đã được định đoạt. “Mình sinh ra và lớn lên ở vùng này, chứng kiến nhiều đứa trẻ tật nguyền đã phải làm ma ở cõi Atâu. Mình không thể làm trái luật tục đó. Khi dân làng kéo tới bắt chôn sống con mình, mình đâu dám cãi”-ông Djoang nhớ lại.
Khi dân làng đã kéo đi hết, ông bỗng cảm giác như nghe thấy tiếng khóc yếu ớt của đứa trẻ từ dưới lòng đất. Nỗi lòng héo hắt của người cha càng quặn thắt. Ông nhớ lại giây phút bi thương nhất cuộc đời: “Mình núp sau một gốc cây to hướng về nơi phát ra tiếng khóc của con mà nước mắt chảy ràn rụa. Mình chỉ muốn lao tới cào cấu lớp đất lên để cứu con nhưng nỗi lo sợ làng phạt trâu, bò giữ chân mình lại. Nhất là lo những tai ương ập xuống dân làng, mình không gánh nổi”.
Ông Ksor Djoang có nhiều đóng góp để xóa bỏ hủ tục ở buôn Ji (xã Krông Năng, huyện Krông Pa). Ảnh: Hoàng Ngọc
Ông Ksor Djoang có nhiều đóng góp để xóa bỏ hủ tục ở buôn Ji (xã Krông Năng, huyện Krông Pa). Ảnh: Hoàng Ngọc
Ba mùa rẫy sau, vợ ông tiếp tục sinh một bé gái. “Chắc chắn vợ chồng Ksor Djoang đã làm gì để Yàng phạt nên mới sinh ra những con ma không tay không chân”-người trong buôn quả quyết như vậy khi thấy đứa bé vừa sinh ra không lành lặn y hệt như đứa trước. Vợ chồng Ksor Djoang điếng người khi nhìn đứa con đỏ hỏn quơ bàn tay bàn chân chỉ là một khối thịt tròn ủm không có ngón. Người già trong buôn quyết liệt là phải đem chôn đứa trẻ. Ông và vợ chỉ nhìn nhau không ai nói với ai câu nào. Nhưng cũng chính giây phút ấy, ký ức bi thương của 3 năm về trước sống dậy. Ông Djoang lao ra đứng giữa đám đông tuyên bố sẽ nuôi con. Nhưng liền đó đám đông chất vấn: “Ksor Djoang, từ nay về sau hễ trồng cây lúa không trổ bông, nuôi con heo con bò không lớn, dân làng có chuyện xấu đều là do lỗi của nhà mày, vì mày đã làm trái ý Yàng, mày có chịu hết trách nhiệm không?”. Ông dõng dạc tuyên bố: “Con tôi, tôi nuôi, tôi không phiền đến ai hết. Còn chuyện làm ăn là của mọi người, của ông trời, sao lại đổ tội cho tôi”. Nhớ lại giây phút cách đây 40 năm, ông bồi hồi: “Đối mặt với kẻ thù hồi đánh Mỹ không làm mình sợ, vậy mà khi đứng trước dân làng đòi quyền sống cho con lại khiến mình run”.
Trước sự dứt khoát của Ksor Djoang, mọi người cuối cùng cũng dịu xuống. Nhưng luật tục là luật tục, vợ chồng ông phải “đốt” một con heo to để cúng Yàng và đãi rượu cả buôn. Sự việc đánh dấu lần đầu tiên ở buôn Ji có người dám đối đầu với luật tục, bước qua lời nguyền. Đứa trẻ may mắn thoát khỏi án tử luật tục ấy là chị Nay H’Đút (SN 1980), hiện đang sống cùng bố mẹ trong ngôi nhà dài ở vùng đất bên dòng sông Krông Năng.
Nước mắt người cha
Vợ chồng ông Ksor Djoang có tổng cộng với nhau 7 người con: 4 trai, 3 gái. Nay H’Đút không phải là đứa con tật nguyền duy nhất. Sau H’Đút là những đứa em lành lặn, song đến đứa thứ 6 là Nay Djrueng (SN 1994) lại là đứa trẻ sinh ra không có tay, chân. Ông Djoang kể: “Lúc sinh thằng Nay Djrueng, mình cũng đấu tranh với làng dữ lắm mới được nuôi nó. Sâu xa, người già sợ vợ chồng mình khổ khi nuôi những đứa con không lành lặn, những đứa trẻ tật nguyền sinh ra đã thiệt thòi, sống cuộc đời bình thường cũng đâu dễ dàng gì”.
Khác với chị H’Đút nhút nhát, chỉ biết thu mình lại, Nay Djrueng từ nhỏ đã rất hiếu động, đòi theo cha đi khắp nơi. “Có việc người trong các buôn nhờ, mình đều dẫn thằng Djrueng đi theo. Mọi người rất mến nó vì tính tình dễ thương, hiếu động, ngã hoài mà vẫn cười. Một lần, nó đòi mình cho đi học, rồi lấy cây viết quặp vào hai cùi tay viết chữ làm mình rất ngạc nhiên. Nó nói thích đi học mà không được nên nhờ em dạy viết chữ. Đẻ nó ra thiệt thòi, mình có thể làm lụng vất vả cả đời để nuôi cũng được, nhưng nó luôn khát khao tự lập, bay nhảy tự do”-ông Djoang cho biết.
Chị Nay H’Đút (ngồi giữa) là đứa trẻ đầu tiên ở buôn Ji thoát khỏi lời nguyền luật tục. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chị Nay H’Đút (ngồi giữa) là đứa trẻ đầu tiên ở buôn Ji thoát khỏi lời nguyền luật tục. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cậu bé Nay Djrueng hiếu động ngày nào giờ đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng và hiện làm lập trình viên cho một công ty chuyên về công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh. “Năm ngoái, nó từ TP. Hồ Chí Minh về để trao quà từ thiện cho học sinh, người nghèo trong buôn. Mình chỉ mong nó khỏe mạnh, không ngờ còn biết giúp đỡ người khác”-ông Ksor Djoang khẽ cười gắng ngăn giọt nước mắt hạnh phúc. Không ít lần ông làm vậy trong cuộc trò chuyện về cuộc đấu tranh dai dẳng với những hủ tục bám sâu như rễ cây drah h’panh xuống vùng đất ven sông này. Sự có mặt của Djrueng đã xóa bỏ nghi ngờ về những đứa trẻ mang điềm xấu. Mí Vac sống ở buôn Ji gần 80 mùa rẫy với bao chuyện vui buồn, chứng kiến là sự trưởng thành của Djrueng. Nếu dân làng không xóa bỏ hủ tục, đâu có cậu bé Djrueng như bây giờ. “Không ngờ nó giỏi thế, vẫn nhớ đến dân làng, thỉnh thoảng tặng quà cho người nghèo. Tiếc là lũ trẻ trong buôn không có mấy đứa chịu khó học hành như thằng Djrueng”-mí Vac nói.   
Bình yên buôn Ji  
“Sau này, mình mới biết do bị nhiễm chất độc da cam nên mới sinh ra những đứa con không lành lặn. Hồi làm du kích, mình dẫn bộ đội xuyên rừng ở Gia Lai, Đak Lak, sang Campuchia. Hồi đó, Mỹ rải chất độc hóa học khắp nơi, không ngờ lại ảnh hưởng đến sức khỏe con người ghê gớm như vậy”-ông Djoang nhớ lại.
Sau H’Đút rồi đến Djrueng thì vùng đất này không còn đứa trẻ nào phải chịu lời nguyền của luật tục. Cũng từ đó, ông thành người có uy tín, trong buôn có chuyện khó phân xử, người ta lại cậy nhờ. Nhiều chuyện rối rắm, tưởng bế tắc nhưng ông vẫn tìm ra ánh sáng, giải quyết thấu tình đạt lý. “Mỗi năm, mình hòa giải thành công nhiều vụ việc như vợ chồng uống rượu rồi cãi nhau, đến chuyện con cái cãi lời cha mẹ, anh em họ hàng tranh chấp đất đai... Không phải chuyện rắc rối nào hòa giải một lần là xong. Có vụ mình phải đi lại nhiều lần, vất vả khuyên giải, phân tích đúng sai, thấu tình đạt lý hai bên mới hiểu ra”-ông Djoang kể.
Dù vậy, ông Djoang cũng thừa nhận, khó khăn vẫn chưa hết. Nghèo đói, lạc hậu là nguyên nhân kéo theo nhiều hệ lụy tai hại. Chăm lo giáo dục, tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo có tác dụng làm thay đổi căn bản nhận thức, suy nghĩ của con người. “Từ hoàn cảnh gia đình, tham gia làm nhiệm vụ ở buôn, mình khuyên mọi người tiếp cận cái mới, cái hay, loại bỏ những gì cản trở, trì đọng để phù hợp với xu thế mới. Không phải mọi người đều nghe và hiểu hết, nhưng dứt khoát buôn mình không để xảy ra những chuyện mê tín dị đoan, những chuyện đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp”-ông nói.
…Chiều về, hoàng hôn hắt ánh vàng lộng lẫy xuống dòng Krông Năng. Dòng sông phẳng lặng đỏ nặng phù sa chứng kiến bao thăng trầm của một vùng đất cùng những phận người. Nhưng “sóng” đã nằm lại dưới đáy sông, giờ đây cũng như bao gia đình người Jrai ở vùng đất bên sông này, gia đình Ksor Djoang có đàn bò trên 10 con, 1 ha lúa nước, 4 ha mì, cuộc sống ổn định và bền vững. 
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm