Phóng sự - Ký sự

Sống mãi ký ức Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từng tham gia mở đường Trường Sơn với tinh thần “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, ký ức về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn vẹn nguyên và sống mãi trong trái tim người lính già Võ Luyện (Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh TP Tuy Hòa).

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi khơi lại những năm tháng mở đường Trường Sơn, mắt ông Luyện sáng lên: “Rời xa chiến trường đã 57 năm nhưng tôi không sao quên được mỗi cung đường, mỗi ngọn núi, trạm giao liên và sự hy sinh của đồng đội. Nó để lại quá nhiều kỷ niệm, quá hằn sâu trong tâm trí”.

 

Ông Võ Luyện (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, tham quan tượng đài Mẹ Thứ ở Quảng Nam. Ảnh: XUÂN HIẾU
Ông Võ Luyện (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, tham quan tượng đài Mẹ Thứ ở Quảng Nam. Ảnh: Xuân Hiếu


Sớm giác ngộ cách mạng

Ông Võ Luyện sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo của xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Lúc nhỏ, cậu bé Luyện chứng kiến cảnh địch đàn áp bà con trong thôn, xã, nên lòng căm thù giặc đã nung nấu. Năm 1948, ông tham gia vào đội dân quân tự vệ của thôn do anh trai thứ ba của ông làm trung đội trưởng, được giao nhiệm vụ nắm tình hình của địch, đưa thư từ và dẫn đường cho cán bộ, bộ đội về địa phương hoạt động. Tuy vóc dáng hơi nhỏ nhưng lanh lợi, xông xáo, gan dạ, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao nên sau đó ông được bầu làm tiểu đội trưởng đội du kích thôn, rồi Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc xã Duy Trinh. Ông Luyện bùi ngùi nhớ lại: “Năm 1950. Hôm ấy, chúng tôi đang họp để nghe cấp trên (anh trai tôi) phổ biến những nội dung quan trọng thì liên lạc báo có địch bao vây. Tôi kịp chạy vòng ra phía sau rồi bơi qua mương nước núp dưới bờ, địch không phát hiện. Một vài cán bộ đã bị chúng bắt dẫn đi rồi thủ tiêu. Còn anh trai của tôi bị chúng lôi lên thuyền móc mắt rồi giết chết”.

Năm 1952, khi ông cùng một số đồng chí đi vào vùng tự do để báo cáo tình hình địch cho cách mạng thì bị địch phục kích bắt giam ở núi Eo (huyện Duy Xuyên), sau đó chuyển vào đồn Trà Kiệu, nhà lao Vĩnh Diện (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên), nhà lao Phú Bông (Điện Bàn, Quảng Nam) rồi đày ra đảo Phú Quốc. Ở trong tù, ông Luyện được đồng chí Lưu Tiến Dũng, Phó Bí thư Chi bộ trại B phân công vào đội bảo vệ. Thời gian này, địch liên tiếp tra tấn tù binh cộng sản một cách dã man và tàn ác; truy tìm những cán bộ, chiến sĩ cách mạng chủ chốt giam vào chuồng cọp và thủ tiêu. Vì vậy, đội bảo vệ phải thức đêm canh gác, nắm tin tức. Ông Luyện cho biết: “Đêm khuya, mỗi lần có tin cai ngục đến bắt người, chúng tôi liền báo động để các đồng chí đổi chỗ nằm cho nhau. Nếu chúng vào bắt bí thư, phó bí thư, cán bộ chủ chốt thì đã được thay thế đồng chí khác”.

Hiệp định Geneve được ký kết tháng 7/1954, buộc Pháp trả lại tự do cho những chiếc sĩ, cán bộ yêu nước và quyền quản lý nhà tù cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Luyện được trở về Thanh Hóa tập trung học tập chính trị 1 tháng rồi làm giao liên tiền trạm của Nha Giao thông. Sau đó, ông cùng đơn vị chuyển đến tỉnh Hòa Bình gỡ bỏ các đồn, công sự của địch để xây dựng lán trại cho bộ đội. Một năm sau, ông chuyển qua đội khảo sát, mở rộng đường số 6 (con đường chiến lược lên Tây Bắc). Sau khi hoàn thành tuyến đường, ông cùng đồng đội trở lại Hòa Bình tiếp tục khảo sát, mở đường số 3 lên Phú Thọ, Hà Giang rồi được đi học lớp sơ cấp Cầu đường tại Hà Nội. Sau khi hoàn thành khóa học, ông trở thành cán bộ kỹ thuật xây dựng tại Công trường 217 đóng ở Thanh Hóa, tham gia mở đường 217 (từ Thanh Hóa sang Lào). Một năm sau, ông Luyện trở về Quảng Ninh, khi đang học dang dở lớp trung cấp Giao thông thì cả lớp nhận lệnh đi mở đường 111 (từ Lai Châu sang Trung Quốc), sau đó hành quân vào Nam tham gia mở đường Trường Sơn.


 

Lúc rảnh ông Luyện thường đọc báo xem tin tức. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Lúc rảnh ông Luyện thường đọc báo xem tin tức. Ảnh: Xuân Hiếu


 Một thời đạn bom

Năm 1964, trong thời gian này, đường Trường Sơn đã bước vào giai đoạn 2 của quá trình xây dựng. Đơn vị của ông Luyện (Tiểu đoàn 2) đóng tại Binh trạm 14 (Quảng Bình), tham gia phá đá mở đường xuyên rừng rậm, san lấp hố bom của địch để những chuyến xe chở hàng hóa, vũ khí và cán bộ ngày đêm đi vào tuyến lửa chiến trường Quảng Trị, Khu 5 và Đông Nam Bộ. Hòng ngăn chặn tuyến chi viện của ta cho chiến trường miền Nam, địch đã huy động không quân, pháo binh đánh phá rất ác liệt.

“Ngày nào địch cũng rải bom đạn như mưa. Sống, chết chỉ trong gang tấc...”, ông Luyện nhớ lại. Tiểu đoàn 2 phụ trách mở đoạn đường 14km, đặc biệt là từ cây số 29-30 rất khó khăn. Vì đoạn này đi qua một đồi tranh không có cây cối to nên địch dễ phát hiện. Anh em bèn chặt cây trồng trụ kết nối như mái nhà rồi cắt tranh phủ xanh, phía dưới mở đường nhưng cũng chỉ trụ được một thời gian ngắn thì địch phát hiện thả bom. Hôm ấy, trong một lát trưa, có đến 8 chiếc máy bay F105 tập trung thả bom trên đoạn đường này. Gần chục hố bom có độ sâu 18 thước, rộng 25 thước được tạo ra. Chiều cùng ngày, tiểu đoàn nhận lệnh 12 giờ đêm nay sẽ có 100 con voi (xe tải lớn) và 20 con heo (xe con) từ Lào về qua đoạn này. Với vai trò tham mưu trưởng của tiểu đoàn, ông Luyện tham mưu đơn vị đề nghị trung đoàn điều động 20 máy ủi, anh em làm suốt đêm đến 4 giờ sáng hôm sau mới đưa cả đoàn xe đi qua an toàn.

“Mỗi đoạn đường, chúng tôi đến mở đều phải chặt một cây to rồi cưa ra thành 4 tấm ván để nằm ngủ. Khi có đồng đội hy sinh thì lấy 4 tấm ván đó làm hòm chôn cất. Mỗi lần phát hiện có máy bay của địch, anh em đều chạy xuống hầm tránh bom. Nhưng có lần, một đồng chí nữ cương quyết không xuống hầm và bảo: Tôi đi đánh Mỹ chứ đâu phải đi trốn Mỹ. Cô ấy vừa dứt lời thì bom bi đổ xuống, quần áo bị cháy hết, nhưng rất may là vẫn không chết”, ông Luyện kể.

 Cuối năm 1966, ông Luyện trở ra miền Bắc học bổ túc văn hóa và trở thành sinh viên của Trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Ra trường, ông về làm Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công ty Cầu đường tỉnh Quảng Ninh. Sau khi hai miền Nam - Bắc thống nhất, ông về với Phú Khánh làm Giám đốc Công ty Cầu đường Phú Khánh (rồi Phú Yên), đến 1992 nghỉ hưu và sống vui với tuổi già tại phường 2, TP Tuy Hòa.

 Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, đặc biệt là 3 năm phục vụ mở đường Trường Sơn từ Xuân Sơn - điểm khởi đầu của đường 20 Quyết Thắng, dốc vách 35, Bỡ Tà Khống (từ Quảng Bình sang Lào)…, ông Luyện cho biết luôn cảm phục tinh thần, khí thế của đội ngũ cán bộ, thanh niên xung phong ngày ấy. Mặc dù phải luôn đối diện với bệnh sốt rét rừng, thiếu ăn, thiếu mặc, bom đạn hàng ngày nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời: “Mình làm ở đây máy bay địch chưa chắc nó thấy, thấy chưa chắc nó bắn, bắn chưa chắc trúng mà trúng chưa chắc bị thương, bị thương chưa chắc chết”. Vì vậy, ai ai cũng một lòng, hăng hái mở đường với quyết tâm “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”.

“Tôi là một trong những người may mắn được lành lặn trở về trong bom đạn. Với 92 tuổi đời, 62 tuổi Đảng điều hạnh phúc lớn nhất của tôi là được nhìn thấy quê hương đất nước ngày càng đổi mới, phát triển; con cháu học hành thành đạt, ngoan hiền”, ông Luyện trải lòng.

 

Ông Võ Luyện là một hội viên cựu chiến binh mẫu mực. Tuy lớn tuổi nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt hội thường xuyên. Ở địa phương ông luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Bà Lê Thị Thanh Vân, Chi hội trưởng Chi hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh TP Tuy Hòa


Theo KHÔI NGUYÊN (baophuyen)

 

Có thể bạn quan tâm