Phóng sự - Ký sự

Sống như nhánh lan rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những lời đồn quái ác cứ đè nặng lên đôi vai cô bé bán vé số. Nhưng bằng nghị lực, cô đã vượt qua tất cả và mạnh mẽ sống như một nhánh lan rừng.
 
Chị Trúc luôn dạy con hãy sống mãnh liệt như những nhánh lan rừng. Ảnh: Đức Nhật
Những lời đồn quái ác cứ đè nặng lên đôi vai cô bé bán vé số khi cưu mang 1 đứa trẻ mồ côi. Có lúc áp lực từ miệng đời đã ép thiếu nữ ấy phải bỏ xứ mà đi. Nhưng bằng nghị lực, cô đã vượt qua tất cả và mạnh mẽ sống như một nhánh lan rừng.
Làm mẹ tuổi 17
Mang tiếng là dân thành phố, nhưng nhà chị Nguyễn Thị Trúc (30 tuổi, trú tổ 1, P.Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum) lại nằm trong một con ngõ nhỏ sâu hun hút và vắng bóng người. Hai đứa con gái của chị chạy lăng xăng phụ mẹ trồng hoa. Thấy người lạ, tụi nhỏ ngại ngùng chào khách rồi chạy đi trốn. Chị Trúc thả giò phong lan xuống đất, nhoẻn miệng cười và dẫn chúng tôi vào nhà.
 
Chị Trúc và hai đứa con “nhặt” được
Chị Trúc có gương mặt phúc hậu và ánh mắt luôn nhìn thẳng vào người đối diện. Sau màn chào hỏi xã giao, chúng tôi đi vào chủ đề chính, câu chuyện 2 đứa con “nhặt được” của chị. Những ngày cũ cứ dần hiện về trong chất giọng trầm buồn của người phụ nữ trẻ.
Chị Trúc sinh ra trong gia đình có 10 anh chị em. Mẹ đau ốm liên miên. Ba chị dù đã làm thuê làm mướn khắp nơi cũng không thể lo xuể cho bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn. Gia cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên khi mới 14 tuổi chị đã phải đi phụ người quen buôn bán. Trong một lần tai nạn, chị Trúc bị cụt hai ngón tay, không thể làm công việc trước đây nữa, vậy là chị đành quay sang bán vé số.
Chiều muộn một ngày của 13 năm về trước, chị Trúc lê đôi chân mỏi mệt sau một ngày rong ruổi khắp nẻo đường. Bất ngờ chị thấy rất đông người đang tụ tập trước cổng chùa Pháp Hoa (P.Hòa Bình, TP.Kon Tum). Tò mò, chị ghé lại xem thử thì thấy một đứa bé đang thiêm thiếp ngủ trong tấm chăn mỏng. Chị Trúc lại gần rồi bế thử cháu bé. Bị làm động bé gái liền khóc ré lên, thế rồi nó cứ nắm lấy ngón tay chị Trúc mãi không buông. Nghĩ đến chuyện cha mình cũng từng bị bỏ rơi như thế, chị Trúc liền nảy ra ý nghĩ nhận cháu làm con nuôi.
“Lúc ấy tôi định bế cháu đi luôn, nhưng bị người dân cản lại. Mọi người đều nhất quyết để đứa trẻ ở lại chùa với mong muốn cha mẹ cháu thương con mà quay về đón”, chị Trúc nhớ lại.
Về đến nhà, chị Trúc liền đem chuyện kể lại cho cha mẹ biết. Thế rồi câu chuyện đứa trẻ bị bỏ rơi trở thành vấn đề nóng hổi của cả gia đình. Mỗi bữa cơm, ba chị Trúc lại hỏi tình hình đứa trẻ thế nào, ba mẹ ruột đã đón về chưa. Vì vậy mỗi ngày đi bán vé số ngang qua, chị Trúc đều ghé vào chùa thăm cháu. Ngày thứ nhất, rồi ngày thứ 2 dần trôi qua cũng chẳng thấy cha mẹ cháu đâu. Đứa trẻ thiếu hơi mẹ cứ ngằn ngặt khóc. Đến ngày thứ 3, không chờ được nữa, chị Trúc cùng mẹ lên chùa xin nhận nuôi đứa trẻ.
“Ba tôi cũng là trẻ mồ côi rồi được bà nội nhặt về nuôi, đến giờ vẫn không biết được gốc gác của mình. Qua câu chuyện của ba, tôi biết được nỗi khổ tâm của những cảnh đời như vậy. Vậy là tôi nhờ mọi người làm chứng rồi lên phường làm các thủ tục khai sinh và đón cháu về”, chị Trúc tâm sự.
 
Tụi nhỏ đã biết phụ giúp mẹ việc nhà
Qua cơn “bão miệng”
Những ngày đầu làm mẹ, chị Trúc cứ lúng túng như gà mắc tóc. Nào là thay tã cho con, nào là ru con ngủ, dỗ dành những lúc con khóc đòi sữa. Kể từ ngày cháu về với gia đình mới, không khí rộn ràng như ngày hội. Chốc chốc chị Trúc lại chạy xuống bếp hỏi mẹ cách thay tã, hay hỏi lại một điệu ru hời chị từng nghe khi còn nhỏ. Cũng may, cùng lúc này chị gái của chị Trúc vừa sinh con hơn 3 tháng nên sữa cho cháu không còn là mối lo.
Việc chị Trúc nhận con về nuôi cũng trở thành chủ đề bàn tán của cả xóm. Người lành tính thì cám cảnh đã nghèo còn rước thêm “con tu hú” về nuôi. Những người độc miệng thì xôn xao rằng Trúc chửa hoang. Cũng có kẻ loan tin chị Trúc đi bán vé số rồi bị người ta hãm hại đến có con. Xóm nghèo bỗng râm ran trong cơn “bão miệng”. Sau những giờ rong ruổi bán vé số mệt nhoài, về đến nhà lại nghe đồn thổi, chị Trúc chỉ biết nén nỗi đau vào trong rồi ôm con khóc.
Cuối cùng áp lực từ những lời đồn quái ác cũng đè bẹp đôi vai của cô thiếu nữ 17 tuổi, Trúc đành gạt nước mắt để con lại cho bà ngoại trông, vào Sài Gòn tìm việc. “Tôi thử đủ nghề, làm công nhân may mặc, làm tóc rồi làm móng tay móng chân. Miễn nghề nào kiếm được tiền để gửi về cho mẹ chăm con là tôi làm. Nhiều lúc mệt mỏi lôi hình con bé ra ngắm là lại có động lực để tiếp tục”, chị Trúc kể.
Năm 2013, anh Nguyễn Hải Hưng (anh trai chị Trúc) đang đi làm thuê ở H.Đăk Đoa (Gia Lai). Buổi sáng như mọi ngày, anh Hưng đang trên đường đi làm thì nghe thấy tiếng khóc trẻ nhỏ phát ra từ một ống cống. Linh tính mách bảo, anh lại gần thì phát hiện một bé gái còn nguyên dây rốn. Đứa trẻ đỏ hỏn được quấn tạm trong lớp khăn tắm. Xót đứa trẻ mồ côi, anh Hưng gọi mọi người xung quanh đến xem rồi gọi điện cho gia đình thông báo. Chị Trúc bỏ về Gia Lai tìm cháu bé để nhận nuôi.
“Cuối cùng sau nhiều lần xác minh, chính quyền địa phương cũng đồng ý cho tôi đón cháu về Kon Tum. Khi đón con về, nó chỉ nặng 1,1 kg. Tôi chưa chồng thì làm gì có sữa. Thế là đành mua sữa về nuôi cháu”, chị Trúc nhớ lại.
Lại thêm một lần nữa, chị Trúc nuôi con mọn. Những điệu ru hời đã trôi chảy hơn trước. Những miếng tã lót đã được quấn vuông vắn hơn lần đầu làm mẹ. Nhưng, những lời đồn chị Trúc chửa hoang ở Sài Gòn lại râm ran. Tuy nhiên lần này những lời ong tiếng ve không làm chị bận lòng.
Như nhánh lan rừng
Hai đứa trẻ cứ thế lớn lên trong vòng tay mẹ. Đến nay đứa lớn đã học cấp 2, đứa nhỏ chuẩn bị vào lớp 1. Thế nhưng những lời bông đùa trêu chọc vẫn chưa hề dừng lại. Có những hôm hai đứa trẻ đang chơi ở đầu xóm lại cuống cuồng chạy về tìm mẹ khóc nức nở. Chúng bị trêu là con rớt. Chị Trúc chỉ biết giấu nước mắt, ôm con vào lòng mà dỗ dành, an ủi.
“Tôi không hiểu sao người ta có thể nhẫn tâm với gia đình mình như vậy. Nhưng tôi sẽ không vì thế mà suy sụp. Tôi đặt tên hai cháu là Nguyễn Trúc T. và Nguyễn Trúc H. với ý nghĩa sẽ luôn ở bên con để che trở, bao bọc. Bây giờ tụi nhỏ đã lớn, đã biết phụ giúp mẹ nhiều việc nhà rồi. Thấy mẹ khổ cực, chúng cũng thương và vâng lời mẹ lắm”, chị Trúc nhìn tụi nhỏ trìu mến, nói.
Để xoay xở nuôi con, chị Trúc phải vừa làm cha, vừa làm mẹ. Chị đã thử đủ mọi nghề để kiếm sống. Nhưng sức lực có hạn, không thể làm những việc nặng nên chị Trúc nghĩ đến cách trồng lan rừng để tạo thu nhập. Được nhiều người bạn hướng dẫn, chị đã vay mượn thêm để mở một trại lan rừng.
Dắt chúng tôi đi thăm khu vườn, chị Trúc cứ khoe mãi: “Lan rừng có sức sống mãnh liệt lắm, dù có mọc ở trên phiến đá hay trên một cây khô, chúng vẫn xanh tốt. Tôi vẫn thường dạy các con hãy sống mạnh mẽ như những nhánh lan rừng, không được gục ngã dù có thế nào đi nữa. Trước mắt 3 mẹ con vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tôi chỉ mong rằng việc buôn bán được thuận lợi để chăm lo thật tốt cho tụi nhỏ. Nếu ai đến với tôi, tôi chỉ mong họ xem tụi nhỏ như chính con đẻ của mình, còn không thì tôi sẽ ở vậy nuôi con”.
Bỏ lửng câu nói, chị Trúc đưa ánh mắt ra vườn lan xanh tốt. Sau phút trầm ngâm, chị nói tiếp: “Tôi sẽ tiếp tục nhận nuôi những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Các bạn trẻ bây giờ sống vội quá, để rồi chối bỏ cả giọt máu của mình. Mong rằng những cặp yêu nhau có trách nhiệm hơn để không còn đứa trẻ nào bị bỏ rơi như hai đứa con của tôi nữa”.

Bà Đặng Thị Tâm, Chủ tịch UBND P.Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum: “Tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực của Trúc. Việc làm của Trúc là rất đáng biểu dương. Chúng tôi đã đưa Trúc vào danh sách người tốt việc tốt của địa phương. Đồng thời tìm nhiều nguồn hỗ trợ, giúp đỡ hoàn cảnh gia đình chị. Hằng năm vào các dịp lễ tết, địa phương vẫn luôn đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ gia đình”.

Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm