Phóng sự - Ký sự

Sống "nương nhờ" trên đất lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua nhiều thế hệ, người dân các làng Dóch 1, Dóch 2 và làng Díp (xã Ia Mơ Nông cũ, nay là xã Ia Kreng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) đều sống và canh tác trên phần đất lâm nghiệp, đất khác của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly. Thậm chí, ngay cả trụ sở UBND xã Ia Kreng, hơn 7 năm qua kể từ khi thành lập cũng đang "nương nhờ" trên phần đất này.

Ủy ban nhân dân xã Ia Kreng nhiều lần đề nghị UBND tỉnh phân định rõ đất giữa UBND xã Ia Kreng và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly (BQLRPH) để thuận tiện trong việc quản lý và đáp ứng nhu cầu sử dụng đất lâu dài, ổn định của người dân địa phương. Thế nhưng, đến nay chỉ mới có hơn 230,3 ha trong tổng số hơn 11.000 ha được phép chuyển mục đích sử dụng để giải quyết đất sản xuất cho người dân.

 

Hơn 400 hộ dân, gần 1.900 khẩu đều sống “nương nhờ” trên phần đất lâm nghiệp.

Hơn 400 hộ dân sống trên đất lâm nghiệp

Người dân ở các làng nói trên khẳng định họ đã sống ở đây từ rất lâu. Lâu đến nỗi, nhiều người chỉ biết phần đất họ đang canh tác là của ông bà, rồi đến cha mẹ mình để lại. Dù đã trải qua nhiều thế hệ nhưng trong tay họ không có giấy tờ gì có thể khẳng định hay chứng nhận họ chính là chủ nhân của những mảnh vườn hay thửa ruộng này. Mảnh đất đã nuôi sống biết bao người con của làng lại là phần đất lâm nghiệp thuộc BQLRPH Ia Ly quản lý. Ngay cả việc giao dịch mua bán đất ở đây cũng được “đơn giản hóa” chỉ bằng một tờ giấy viết tay kèm theo lời khẳng định chắc nịch “đất này của ông bà tôi để lại”. Thế là xong.

Ông Siu Đir (làng Dóch 1, xã Ia Kreng) đã xấp xỉ 50 tuổi nhưng vẫn chưa hình dung tờ Giấy chúng nhận quyền sử dụng đất có hình dạng như thế nào. Ông Đir cho biết, hơn 2 ha rẫy (gồm cả diện tích nhà ở) mà hiện tại ông đang trồng mì là của cha mẹ cho lúc ông lấy vợ, ra riêng. Và từ đó đến nay, ông cũng như người dân ở đây không ai được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Họ chỉ biết duy nhất một điều là chính quyền chưa cho phép. “Chúng tôi ai cũng mong mỏi có được bìa đỏ, nhưng cán bộ địa chính xã thông báo là chưa làm được. Cán bộ nói sao thì chúng tôi nghe vậy”- ông Đir lý giải.

 

Hơn 11.000 ha diện tích tự nhiên của xã đều do BQLRPH Ia Ly quản lý.

Bán tạp hóa ở làng làng Dóch 2 ngót ngét cũng hơn 10 năm nay nên bà Trần Thị Lệ Thu hiểu rất rõ về tình trạng đất đai ở đây. Theo bà Thu, người dân vẫn chưa hiểu được giá trị của bìa đỏ như thế nào. Bà Thu kể: Một người dân trong làng đến kêu bà bán đất. Bà hỏi đất có bìa đỏ không? Họ trả lời: “Bìa đỏ làm gì, đất của ông bà, cha mẹ mình để lại. Ai dám vào lấy, bìa đỏ làm gì?”. Chỉ cần làm giấy mua bán có người làm chứng là được. Chính vì vậy, bà Thu tiết lộ đất ở đây rất rẻ, chỉ có giá tầm 70 đến 80 triệu/ha.
 

Ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah: UBND huyện đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT phân định rõ ranh giới đất nông nghiệp và lâm nghiệp hiện đang chồng lấn giữa UBND xã Ia Kreng và BQLRPH Ia Ly. Giờ thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND tỉnh, huyện chỉ biết chờ.

Cần phân tách đất nông nghiệp-lâm nghiệp

Ông Rơ Chăm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết: UBND xã nhiều lần có văn bản đề nghị huyện sớm phân định ranh giới giữa đất lâm nghiệp và nông nghiệp để xã quản lý, thế nhưng từ năm 2009 đến nay mà vẫn chưa có kết quả. Do vậy, ngay cả trụ sở hay trung tâm xã (diện tích tự nhiên của xã) với 434 hộ dân, gần 1.900 khẩu đều “nương nhờ” trên phần đất lâm nghiệp thuộc sự quản lý của BQLRPH Ia Ly.

Trước đó, tháng 3-2009, UBND tỉnh có quyết định thu hồi 55 ha đất của BQLRPH Ia Ly và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để giải quyết đất sản xuất cho người dân. Đến tháng 5-2010, UBND tỉnh tiếp tục thu hồi 175,3 ha, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để giải quyết đất sản xuất cho người dân làng Díp. Do vậy, xã chỉ quản lý phần diện tích này, phần đất còn lại (trong tổng số diện tích 11.000 ha) là đất lâm nghiệp và đất khác thuộc sự quản lý của BQLRPH Ia Ly.

 

Việc người dân lấn đất rừng làm nương rẫy diễn ra thường xuyên trên địa bàn xã Ia Kreng.

“Người dân canh tác trên đất lâm nghiệp là vi phạm pháp luật nên cần phân định rõ diện tích nào là đất nông nghiệp để giao xã quản lý; diện tích đất lâm nghiệp thì giao lại cho BQL. Tuy nhiên, đã hơn 7 năm nay mà vấn đề này vẫn chưa được giải quyết”. Ông Tâm cũng thừa nhận, chính sự mập mờ này dẫn đến việc người dân xâm chiếm đất rừng lấy đất canh tác thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Nghiêm trọng hơn, thời điểm năm 2013 có đến hàng trăm hộ dân xâm chiếm đất rừng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 26 hộ dân làng Díp phát khoảng 5ha rừng trong khu vực trồng rừng của BQLRPH Ia Ly để lấy đất làm rẫy.

Ông Phạm Thành Phước-Trưởng BQLRPH Ia Ly cho biết: Từ năm 1990, khi thành lập lâm trường (nay là BQLRPH Ia Ly), sơ đồ 3 làng Dóch 1, Dóch 2 và làng Díp đã có và nằm gọn trong lâm phần. Đến năm 2009, UBND xã Ia Kreng được thành lập, nhưng chỉ xác định được ranh giới hành chính, thực tế xã không quản lý phần đất này mà toàn bộ diện tích (hơn 11.000 ha) đều thuộc quyền quản lý của BQLRPH Ia Ly.

 

 

“Theo bản đồ, đây là đất lâm nghiệp và đất khác, người dân thì ở ngay trong lâm phần nên không thể cấp bìa đỏ được. Trong khi đó, người dân xã Ia Kreng bức xúc vì có nhu cầu cấp bìa đỏ nhưng lại không được giải quyết. Do vậy, cần tách bạch ra đất nào là đất nông nghiệp giao cho địa phương quản lý, đất nào là đất lâm nghiệp giao cho BQL nhằm tránh tình trạng người dân xâm chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất”- ông Phước đề xuất.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm