Phóng sự - Ký sự

Sống ở đáy sông - bài cuối: Ăn trên bờ, sống đáy sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở vùng sông nước Cà Mau có một loài nhuyễn thể nhỏ bằng ngón tay út thường bám vào các nhánh, rễ cây, sống dưới bùn, gọi là con hai mảnh hoặc con vòm đen.

Chúng thường được thương lái thu mua về làm thức ăn nuôi các loại hải sản giá trị, đặc biệt là tôm hùm. Từ đó, nghề săn loài nhuyễn thể này hình thành, giúp người dân kiếm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày, dù rất cực khổ.

Trời tờ mờ sáng, anh Nguyễn Hải Nghi (44 tuổi, ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) mang theo bộ đồ nghề bắt con hai mảnh bằng chiếc xuồng nhỏ, len lỏi qua nhiều kênh, rạch ngoằn ngoèo. Sau khoảng hơn nửa tiếng, xuồng đến địa điểm săn con hai mảnh. Người đàn ông nước da ngăm đen, dáng người nhỏ nhắn trải lòng: người ta đi có cặp có đôi, lựa những nơi sông lớn hành nghề, mình chỉ có một thân một mình nên phải kiếm nơi vắng phương tiện qua lại. Những nơi xuồng ghe chạy nhiều, dây ô-xy dễ bị rối - rất nguy hiểm khi lặn bắt con hai mảnh.

“Anh chưa lập gia đình hả?”, tôi hỏi. Anh Nghi đáp: “Tôi có đứa con 12 tuổi rồi đấy chứ. Vợ tôi đã mất hơn chục năm nay rồi…”. Anh kể, khi mới lập gia đình, vợ chồng anh mưu sinh bằng nghề bắt cá tôm ven sông. Anh đi kiếm cá đem về cho vợ ra chợ bán. Nhưng..., rồi anh bỏ lửng câu nói giữa chừng. Thấy vậy, tôi cũng không tiện hỏi tiếp. Chỉ biết, đến nay, anh cứ một mình đi săn con hai mảnh kiếm sống. “Nghề này cực, nhưng bù lại thoải mái, hôm nào mệt thì nghỉ, giờ giấc tự do”, anh Nghi vừa nói, vừa kiểm tra lại bơm hơi cùng hệ thống ống dẫn khí. Đây là “cần câu cơm” chính của thợ lặn nên luôn được “cưng” nhất trong các phương tiện hành nghề. Dụng cụ anh Nghi mang theo gồm bình ắc-quy, cục mô-tơ (máy nén khí), mặt nạ, ống, găng tay, giày, vợt.

Anh khoe, máy nén khí anh mua ở chợ đem về “chế” lại theo ý của mình, còn mặt nạ toàn bộ đặt mua trên mạng, tác dụng giữ cho nước không vào mặt, mà vẫn thấy đường lặn dưới đáy sông. “Đầu tiên khi đến khu vực làm, mình gắn ống thở, rồi xả dây đường ống cho suôn sẻ. Tiếp đó, mình đeo găng tay, giày, kẹp bình ắc-quy cho máy khởi động rồi lặn xuống sông. Bình ắc-quy hoạt động đưa hơi ra mặt nạ cho mình thở qua cái mô-tơ, bằng đường ống. Ban đầu, chưa quen nên chỉ lặn ở độ sâu tầm 3m, khi quen dần có thể lặn sâu 8 - 10m và lặn bao lâu cũng được”, anh Nghi nói.

Ông Rị cùng cháu ngoại có thể kiếm được hơn một triệu đồng từ khi trang bị máy chạy ô-xy và mặt nạ có kính lặn

Ông Rị cùng cháu ngoại có thể kiếm được hơn một triệu đồng từ khi trang bị máy chạy ô-xy và mặt nạ có kính lặn

Kiểm tra xong, anh Nghi đeo mặt nạ gắn với đường ống dài 25m rồi nhảy ùm xuống sông. Bong bóng nước nổi lên sùng sục. Khoảng 10 phút trôi qua, anh Nghi ngoi lên mặt nước, hai tay nâng chiếc vợt đặt trước ngực, mừng rỡ đưa “chiến lợi phẩm” cho phóng viên xem. “Hôm nay vô mánh”, anh Nghi cười tươi nói và cho biết thêm, những khi trúng mánh - gặp nơi con hai mảnh nhiều - không cần lặn xa, chỉ cần một hơi chừng 5 phút là vợt đầy con hai mảnh. Anh Nghi cho xuồng di chuyển thêm một đoạn nữa, rồi cứ thế ngụp xuống dưới đáy sông. Sau nhiều giờ, anh Nghi thu được khoảng 200 kg. Với giá bán mỗi cân giá 4.200 đồng, trừ chi phí xăng dầu, anh Nghi bỏ túi khoảng 600.000 đồng/ngày. Bán xong, anh Nghi đưa chiếc xuồng tấp vào bụi cây ven sông nghỉ ngơi, rồi lấy hộp cơm ra ăn vài miếng cho lại sức.

Vất vả nào ai hay!

Hơn chục năm mưu sinh bằng nghề lặn dưới đáy sông, anh Nghi có thể nhìn theo màu nước biết được khu vực đó có con hai mảnh hay không. Anh nói: “Khu vực nào màu nước ngà ngà giống màu cà phê nhạt thì chắc chắn có con hai mảnh bám. Nước càng chảy mạnh con này càng nhiều…”.

Trung bình mỗi ngày, anh Nghi phải trầm mình dưới nước hơn 6 giờ để lặn mò con hai mảnh

Trung bình mỗi ngày, anh Nghi phải trầm mình dưới nước hơn 6 giờ để lặn mò con hai mảnh

Nghề lặn mò con hai mảnh cho thu nhập cao nhưng rất cực nhọc

Nghề lặn mò con hai mảnh cho thu nhập cao nhưng rất cực nhọc

Thông thường, khi người thợ lặn có người đi cùng, họ thường đeo vào người một sợi dây xích đủ nặng để làm thân mình chìm xuống sông. Một số trường hợp khác thả một chiếc neo rồi lần theo dây neo lặn xuống. Nhưng với người “cô đơn” như anh Nghi, anh chỉ dựa theo bản năng, cố gắng dùng sức bơi sâu xuống đáy sông. Bởi theo anh, khi gặp sự cố hoặc đường ống bị tắc nghẽn có thể xử lý nhanh nhất bằng cách tháo bỏ mặt nạ để ngoi lên mặt nước.

Theo lời anh Nghi, con hai mảnh thường bám theo nhánh cây cắm dưới sông hoặc lòng đất. Khi khai thác khoảng 4-5 tháng sau, nó sẽ tự sinh sản, nhân giống. Con này sinh sản quanh năm, nhiều nhất vào khoảng tháng 7-8 âm lịch (gọi là mùa sinh sản) nên người thợ lặn có thể kiếm được hơn một triệu đồng mỗi ngày. Anh cho biết thêm, trước đây, loài hải sản này không có giá trị kinh tế nên người dân không quan tâm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thương lái thu mua lượng lớn chuyển về vùng nuôi tôm hùm ở Phan Rang (Ninh Thuận) và có giá ổn định nên nhiều người dân xem việc đi mò bắt con hai mảnh là cái nghề mưu sinh.

Cũng là một người có thâm niên nhiều năm làm nghề săn con hai mảnh nơi đáy sông, trước đây do không được hỗ trợ nhiều, phải lặn từng hơi một nên ông Nguyễn Văn Rị (70 tuổi, ngụ xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) không bắt được nhiều. Từ khi trang bị máy chạy ô-xy và mặt nạ có kính lặn, việc thu hoạch con hai mảnh cũng dễ dàng hơn. Mỗi ngày ông Rị cùng cháu ngoại có thể kiếm được hơn một triệu đồng.

Con hai mảnh sau khi được người dân bắt đem về sẽ được các thương lái thu mua, vận chuyển đến nhiều nơi bán làm thức ăn nuôi cua, tôm hùm và các loài thuỷ sản khác. Tuỳ theo mùa mà con hai mảnh có giá cao hay thấp. Những khi nước mặn nhiều, con hai mảnh sinh sôi nhiều người dân sẽ kiếm thu nhập hơn một triệu đồng/ngày.

Ông Rị tâm sự, nghề lặn cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người thợ, mỗi lần lặn xuống độ sâu nhất định đều bị ù tai, tức ngực. “Nghề nó cực, con hai mảnh cũng ngày một hiếm nên phải đi rất xa. Thời trẻ còn có sức chứ giờ tui cũng già rồi, lặn một ngày về là đau ê ẩm mấy ngày liền. Dầm mình trong nước lâu ngày cũng khiến sức khỏe đi xuống nhanh. Lặn nhiều cũng ảnh hưởng đến phổi nữa”, ông Rị chia sẻ.

Có lẽ với những người thợ lặn săn con hai mảnh như anh Nghi, ông Rị, đáy sông đã là cuộc sống. Con hai mảnh bao lâu nay cũng là miếng cơm, manh áo, là lối thoát cho cuộc mưu sinh nhọc nhằn của người dân lao động nghèo không đất sản xuất. Nhờ con hai mảnh, con cái của họ được học hành đàng hoàng, đến nơi đến chốn.

Có thể bạn quan tâm