Phóng sự - Ký sự

SOS - Ngôi làng của trẻ mồ côi - Kỳ 4: Trái tim những người mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có những bà mẹ trong làng SOS nuôi 20-30 đứa con, có mẹ đến 35 con. Họ chăm sóc những đứa con không máu mủ, ruột rà bằng cả trái tim nhân hậu của mình.

Bữa cơm chiều ấm cúng trong gia đình chị Lò Thị Tím
Bữa cơm chiều ấm cúng trong gia đình chị Lò Thị Tím
“Tôi đã tìm được hạnh phúc mới cho anh rồi thì tôi cũng đi tìm hạnh phúc của tôi"-bà Nguyễn Thị Đỗ

Tìm vợ cho... chồng để vào làng SOS

Nuôi 24 đứa con, 11 đứa lập gia đình, tổng cộng có 24 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Bà Nguyễn Thị Đỗ (68 tuổi) đưa hai bàn tay nhẩm tính về đàn con mà bà nuôi nấng gần 30 năm qua. Vừa đút cơm cho đứa cháu ngoại, bà Đỗ vừa kể lại tháng ngày đứt ruột đi tìm vợ cho chồng.

Bà quê ở Sóc Sơn (Hà Nội), lấy chồng cả chục năm nhưng không thể làm mẹ như bao người vợ khác. Chạy chữa bốn phương nhưng bất lực, bà cảm thấy mình chưa vẹn bổn phận làm dâu bởi chồng là con trai một.

Dù chồng rất mực yêu thương nhưng khi nhìn những đứa trẻ nô đùa bà vẫn thấy như có một áp lực nặng nề đè nén.

Rồi một hôm, chiếc loa phóng thanh đầu làng phát thông báo tuyển người làm mẹ trẻ mồ côi. Chưa biết sẽ làm gì nhưng bà cứ đi bởi ba chữ “người làm mẹ”.


 

Chị Lò Thị Tím bật khóc khi kể về hoàn cảnh khổ sở của những đứa con mình chăm sóc
Chị Lò Thị Tím bật khóc khi kể về hoàn cảnh khổ sở của những đứa con mình chăm sóc


Trước khi vào Làng trẻ em SOS Hà Nội, bà tổ chức một cuộc họp đại gia đình, khẳng định mình sẽ đi tìm vợ mới cho chồng.

“Tới đường cùng rồi mới làm vậy chứ thực tình ai đời muốn chồng chung vợ lẽ” - bà bật khóc.

Bà Đỗ lúc đó đã nhắm một cô gái lỡ thì trong thôn để “cậy em, em có chịu lời” và sau ba tháng tìm hiểu, cô gái này đã gật đầu làm vợ của chồng bà. Coi như vẹn cả đôi đường, bà gói ghém quần áo ra đi.

Bà nuốt nước mắt từ biệt chồng: “Tôi đã tìm được hạnh phúc mới cho anh rồi thì tôi cũng đi tìm hạnh phúc của tôi”.

27 năm sau, bà khẳng định hạnh phúc của mình chính là được nghe hai tiếng “mẹ ơi” của 24 đứa con mồ côi trong làng SOS...

Gia tài của mẹ

Người mẹ Hồ Thị Thanh Tùng (65 tuổi) hiện sống trong căn nhà mang tên Mimosa. Cuộc đời bà cũng khiêm nhường như mimosa, loài hoa biểu trưng của Đà Lạt.

Sau cánh cửa mái hiên rực rỡ cả chục loài hoa là căn phòng khách ấm cúng, trang trí bởi rất nhiều giấy khen, hoa tươi, gấu bông và búp bê...

“Mấy con búp bê nớ cũng gần 30 tuổi rồi, đó là những món đồ chơi đầu tiên của các con khi tôi mới đặt chân vô làng”.

Năm 1989, Tùng là một cô giáo xinh đẹp, hiệu phó Trường tiểu học Đa Phước (TP Đà Lạt). Đùng một cái, Tùng cùng người bạn thân Võ Thị Bé bỏ nghề giáo để vào làng SOS làm mẹ. “Mình thấy học sinh đã cực rồi, huống chi mấy đứa mồ côi vào những năm ấy rất cực nên mình thương lắm”.

Thế rồi Tùng vào làng, quần quật ngày ba bữa lo cơm nước, học hành cho 10 đứa trẻ mồ côi từ sáng đến khuya. Trong đó lứa con đầu tiên có đến bảy đứa độ tuổi mẫu giáo nên việc nuôi cả đàn con đối với chị không hề dễ dàng.

“Giờ nghĩ lại không hiểu vì sao mình có thể làm được như thế. Mình mang lý tưởng dạy dỗ các con nên người nên phải cố” - bà Tùng nói.

Vốn là nhà giáo, lại là con nhà nòi nên bà Tùng dạy con theo gia phong của người Huế, quan tâm đến các con từng li từng tí. Ngay khi các đứa nhỏ xỉa răng bà Tùng cũng không cho vì sợ chúng hư răng.

Bây giờ đầu đã hai thứ tóc, cuốn sổ hộ khẩu đứng tên bà đã ghi đứa con số 29. Gia tài của bà Tùng là những cuốn album ảnh quý giá ghi lại quá trình lớn lên của những đứa trẻ mồ côi mà bà đã nuôi dưỡng.

Nhiều em trong số đó hôm nay đã thành đạt, có học vị cao và cuộc sống tốt nhưng niềm tự hào của người mẹ này đơn giản chỉ là được con về thăm mua cho trái bắp, cái bánh xèo...

“Chừng đó thôi cũng vui vì những người mẹ như tôi không cần tiền bạc” - bà nói.


 

Niềm vui tuổi già của hai người mẹ Hồ Thị Thanh Tùng (trái) và mẹ Võ Thị Đào là ngắm lại những bức ảnh của các con mình đã nuôi dưỡng
Niềm vui tuổi già của hai người mẹ Hồ Thị Thanh Tùng (trái) và mẹ Võ Thị Đào là ngắm lại những bức ảnh của các con mình đã nuôi dưỡng



Một mái nhà ba dân tộc

Chiều xuống, những đứa trẻ trong làng SOS đi học về chạy ùa vào vòng tay mẹ. Gần 10 năm nay, hình ảnh đó cứ lặp đi lặp lại trong căn nhà Hoa Bưởi ở Làng trẻ em SOS Điện Biên.

Những đứa con người Kinh, người Mông, người Thái cùng sống chung dưới một mái nhà với người mẹ dân tộc Thái Lò Thị Tím (39 tuổi).

15 năm trước, chị Tím là thiếu nữ xinh đẹp trong bản, được không ít chàng trai dòm ngó. Nhưng vì gia cảnh nghèo khó, chị phải bôn ba để nuôi đứa em út ăn học đằng đẵng mấy năm trời.

Khi em học xong, chị không nghĩ đến chuyện chồng con nữa mà lại vào làng SOS để làm mẹ dù rất nhiều người can ngăn.

“Ai cũng bảo rằng đi nuôi con người dưng thì sau này về già liệu có đứa nào thơm thảo mà lo mình” - chị Tím kể.

Những ngày đầu, chị Tím phải dạy tiếng, dạy cách ăn nói cho từng đứa một. Đêm đến lại phải bày từng đứa học bài, giặt giũ áo quần cho 10 đứa con. Bù lại những cực nhọc đó, niềm vui của chị là thấy các con lớn khôn, học giỏi từng ngày.

“Khi mình đau ốm, thấy các con nấu cháo đút cho mẹ ngày ba bữa mà nước mắt cứ chực trào” - chị Tím nói.

Cách không xa nhà chị Tím, căn nhà Hoa Ban Trắng của chị Lường Thị Thương (41 tuổi) cũng có 10 người con.

Nhìn bữa cơm chiều các con quây quần bên nhau, khó ai có thể hình dung trong mâm cơm này có năm đứa trẻ người Mông, năm đứa trẻ người Thái.

Ngay từ miếng ăn, mỗi lần đi chợ chị cũng phải chọn thức ăn sao cho hợp khẩu vị của cả 10 cháu chứ chưa nói đến việc chăm bẵm từng đứa một - chị Thương nói.

Vất vả vậy nhưng lúc nào cũng thấy chị Thương hài lòng với công việc làm mẹ của mình. Chị vui vẻ nói: “Nhìn mấy đứa mũm mĩm vậy là mình mừng rồi”.

Theo Tuoitre

Ông Đỗ Tiến Dũng-Giám đốc quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam, kể trong một lần đến Làng SOS Việt Trì (Phú Thọ), ông nghe có mùi nhang trong một ngôi nhà. Thì ra một bà mẹ đang cúng xôi và gà làm giỗ cho cha mẹ ruột của một đứa con mồ côi.

“Tôi lặng người khi hiểu ra được cái tâm của người mẹ này, nhờ đó bản thân đứa trẻ cảm nhận được tình yêu từ người mẹ SOS đó lớn đến chừng nào đối với nó” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, khi thân mẫu, thân phụ các bà mẹ SOS mất, các đứa con mồ côi của họ ở trong làng đã tự nguyện chít khăn tang, coi như đó là ông bà ngoại của chính mình.

Có thể bạn quan tâm