(GLO)- Từng là cán bộ phiên dịch viên cho Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia, ấn tượng về con người và văn hóa xứ Chùa tháp đã khiến ông Võ Văn Sung (hiện sống tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) trở thành “sứ giả” của tình hữu nghị cả sau khi nước bạn đã trở lại cuộc sống thanh bình.
Ký ức một thời…
Năm 1978, đang học dở lớp 12 thì Võ Văn Sung tạm “xếp bút nghiên” sang Campuchia giúp bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Thực sự là động cơ học tiếng Khmer bấy giờ chưa có, nhưng rồi được chứng kiến cảnh đất nước từng có một nền văn minh Angkor rực rỡ bị phá đến hoang tàn, ông càng thấm thía thêm hành động chính nghĩa của Quân tình nguyện Việt Nam. Đặc biệt là tình cảm quý mến của người dân Campuchia dành cho “đội quân nhà Phật” đã khiến ông vô cùng cảm kích. “Hiểu một đất nước và con người chỉ có thể là nhịp cầu ngôn ngữ”, tự nhủ vậy và âm thầm bắt tay vào học. “Tiếng Khmer là ngôn ngữ đa âm, không biến tố chia động từ nhưng mẫu tự ảnh hưởng chữ viết Brahmi Ấn Độ nên cũng không dễ ”-ông Sung kể. Hoàn cảnh lúc đó chủ yếu là tự học. Lúc thì thông qua vốn tiếng Anh phổ thông, lúc qua tiếp xúc với cán bộ, người dân nước bạn, thậm chí là cả hàng binh Pol Pot. Vốn liếng ngôn ngữ cứ bằng sự ham mê từng ngày như vậy mà dày lên. Năm 1982, ông được điều về làm phiên dịch cho Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5.
Ông Sung hồi tưởng: Đó là những ngày tháng chiến trường với rất nhiều kỷ niệm. Làm phiên dịch nhưng phải kiêm luôn công tác trinh sát, bảo vệ, thư ký cho các thủ trưởng. Tuy vất vả nhưng thật tự hào khi được phục vụ các vị tướng lẫy lừng một thời chiến tranh của Quân khu 5 như: Nguyễn Chơn, Phan Hoan, Phạm Bân, Trần Quảng, Trần Ngọc Yến. Đặc biệt là lần được phân công đi phục vụ Thượng tướng Nguyễn Minh Châu-Phó Tư lệnh chiến trường Campuchia. Với trận chiến lẫy lừng Đak Pơ năm 1954, được sống một ngày bên ông là niềm tự hào. Có lần vị tướng cởi chiếc áo lót ra, hàng chục vết sẹo trên mình ông khiến chúng tôi vô cùng cảm kích. Ông luôn dặn dò chúng tôi như với những đứa con: “Cuộc chiến Campuchia là bắt buộc đối với chúng ta. Muốn chiến thắng các con phải hiểu bạn, giúp bạn mạnh lên. Bạn chiến thắng, mình mới có hòa bình và an tâm về nước”. Đã hơn 40 năm, tôi vẫn còn thấm thía, văng vẳng bên tai lời dạy của ông. Trong nghề phiên dịch, khó nhất, nói nhiều nhất và đau đầu nhất là “dịch đuổi”. Phục vụ các hội nghị của Bộ Tư lệnh, Đảng ủy Quân sự Trung ương bạn trong những năm 1984-1986 là thời kỳ vất vả nhất của cán bộ phiên dịch. Ban ngày dịch, đêm thì tổng hợp tài liệu nhưng cũng nhờ thế mà giỏi lên lúc nào không hay. Lần đi phiên dịch cho Tư lệnh Phan Hoan, tôi lọt vào mắt các chỉ huy Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 rồi được giữ lại làm phiên dịch. Tưởng chừng về cơ quan Bộ Tư lệnh là tránh nổ súng đánh địch nhưng không phải. Tháng 6-1987, tôi đi phiên dịch cho thủ trưởng Trần Ngọc Yến cùng Tư lệnh Quân khu Đông-Bắc Campuchia. Thủ trưởng Yến là chuyên gia lão luyện, ông từng là Sư đoàn trưởng 307 đánh nhau “một mất một còn” với f 801 của Tà Mốc-Tư lệnh khét tiếng Khmer đỏ. Trước khi đi, ông dặn tôi chuẩn bị vũ khí kỹ lưỡng và quán triệt với bạn tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tin bạn nên tôi chỉ thông báo qua loa, nào ngờ đúng như ông nhận định, trên đường về chúng tôi bị một đại đội Khmer đỏ phục kích. Đánh nhau giằng co gần một tiếng đồng hồ, chúng mới chịu rút.
Ông Võ Văn Sung, bà sui gia và con dâu đang chuẩn bị nấu món ăn truyền thống dân tộc Campuchia. Ảnh: Ngọc Tấn |
Một kỷ niệm đáng nhớ khác là buổi phiên dịch ngắn nhất, hiệu quả nhất cho ông Bu Chuông. Bu Chuông nguyên là tộc trưởng lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp. Năm 1979, Campuchia giải phóng, ông được cử làm Tỉnh trưởng Ratanakiri. Là tỉnh trưởng nhưng trông ông như một nông dân bình thường. Một lần ông đến Bộ Tư lệnh tiền phương 579 tại Stung Treng xin gặp lãnh đạo. Trông bộ dạng ông, lính bảo vệ nghi ngờ không cho vào. Kiên trì cho đến khi gặp được Tư lệnh Phan Hoan, ông ôm chầm mừng rỡ như người thân lâu ngày gặp mặt. Rồi rớt nước mắt, ông kể chuyện dân đang thiếu đói, biết bộ đội ta cũng đang khó khăn nhưng đành phải xin. Mặc dù ông nói tiếng Việt rất thạo nhưng đôi lúc vẫn dùng vài tiếng Khmer bắt tôi phiên dịch như để làm tin. Hôm đó, Bộ Tư lệnh tiền phương đã điều 2 xe gạo cứu trợ kịp thời, ông mừng quá ôm hôn tôi thùm thụp. Thương dân như thế nên khi ông mất, dân bạn đã hiến đất lập đền thờ, coi ông như một vị thành hoàng.
Phiên dịch không nói mà hiểu sâu sắc đó là “phiên dịch tâm linh”. Với ông Sung, đó cũng là những kỷ niệm đáng nhớ. Ông kể: Đã 20 năm, tôi là thành viên phiên dịch cho Ban Chuyên trách tìm mộ liệt sĩ Gia Lai trên địa bàn các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Lời phát biểu ấn tượng của Thủ tướng Hun Sen qua tôi phiên dịch vẫn còn lắng đọng: “Quân tình nguyện Việt Nam không những có công giải phóng nhân dân Campuchia mà còn giải phóng tâm linh. Phật giáo hồi sinh, anh linh liệt sĩ trận vong, hương linh của người dân chết oan dưới chế độ diệt chủng mới được siêu thoát”. Năm 2019, tôi được phiên dịch cho đoàn sư sãi gồm 12 vị của tỉnh Preah Vihear đã có công đức nhiều năm cúng tiễn liệt sĩ, thăm giao lưu hữu nghị Phật giáo tỉnh Gia Lai. Chính nhờ chuyến phiên dịch này mà lòng mình như cũng thanh thoát hơn. Ai dám cho rằng Quân tình nguyện Việt Nam không phải là hiện thân của “Quân đội nhà Phật” khi chính người dân Campuchia đã tự tôn vinh?
Mối duyên tình hữu nghị
Trong đời một con người, chẳng phần thưởng nào lớn lao hơn là tình yêu. Nhưng không phải một mà hai thế hệ có được phần thưởng lớn lao đó thì có lẽ chỉ ông Võ Văn Sung.
Trò chuyện với ông, tôi hình dung thời sôi nổi của một người lính trẻ đã dấn thân cho lý tưởng cứu nguy một dân tộc khỏi họa diệt chủng. Một con người như thế được bạn yêu quý cũng là lẽ tự nhiên. Chính bởi phẩm chất đó mà từ năm 1981 ông đã lọt vào “mắt xanh” của cô gái Campuchia Xon Phola. Là một sĩ quan quân đội Campuchia, cô từng có một sĩ quan quân đội bạn theo đuổi nhưng lại chỉ nhất mực yêu Võ Văn Sung. Bấy giờ, luật hôn nhân ta vẫn chưa cho phép kết hôn với người nước ngoài, nhất là sĩ quan quân đội. Một lực cản nữa là các vị lãnh đạo của ta cũng ngại bọn phản động sẽ lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc. Tuy nhiên, vì quý ông, các lãnh đạo phía bạn đã san bằng trở lực. Chính tay ông Thong Chăn-Tư lệnh Quân khu đã đứng ra làm giấy bảo lãnh cho ông. Đám cưới thời chiến được tổ chức đơn giản nhưng rất vui. Rồi những đứa con lần lượt ra đời trên đất mẹ. Dù phải qua hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn đủ bề, 6 người con ấy đều đã trưởng thành. 3 là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, 1 bác sĩ, 1 kỹ sư. Tiếc là bà Xon Phola đã không được hưởng niềm hạnh phúc khi các con khôn lớn. Sau khi xuất ngũ, bà theo chồng về Việt Nam buôn bán rồi qua đời vì căn bệnh xuất huyết não. Bà mất nhưng mối lương duyên của gia đình vẫn chưa dứt. Đến lượt cậu con thứ 2 của bà lại nên duyên với cô gái Campuchia Hên Rina.
Ông Võ Văn Sung phiên dịch cho đoàn sư sãi Campuchia thăm Gia Lai. Ảnh: Ngọc Tấn |
“Hên Rina là con gái ông Hên Xun, bộ đội lái xe quân đội bạn. Vợ chồng tôi quen ông ấy từ trong chiến tranh. Từ sự quý mến nhau, chúng tôi hẹn sau này sẽ làm sui gia. Rồi ông Hên Xun mất, sự liên lạc cũng gián đoạn. Cứ nghĩ là lời hứa năm nào nói là để đó thì bất ngờ tôi nhận được cuộc điện thoại của người bạn bà Hên Xun. Bà nói rằng bà Hên Xun nhờ nói với tôi là cô gái út đang có người muốn đi ăn hỏi, vậy ý tôi thế nào để gia đình định đoạt. Ngạc nhiên và vui mừng. Bấy giờ, quãng đường từ Đức Cơ đến Stung Treng dài hơn 200 km vẫn còn lầy lội, đi lại vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn quyết định tiến hành lễ ăn hỏi đàng hoàng cho cháu”-ông Sung hồi tưởng.
Tôi đã gặp con dâu của ông, đúng là một đóa hoa rừng thuần khiết. Ông Sung kể như khoe: “Thực tình là lúc đầu tôi cũng hơi lo là hôn nhân kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” như vậy. Nào ngờ các cháu lại sống rất hạnh phúc. Bà sui gia thỉnh thoảng vẫn sang thăm và chúng tôi lại tổ chức nấu món ăn dân tộc Campuchia để cùng nhau nhớ về một thời gian khổ và niềm hạnh phúc có được giữa thời bình của hai nước, hai nhà”.
Nghỉ hưu năm 2015 với quân hàm thượng tá nhưng ông Sung vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi trong nhiệm vụ vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Các cuộc thăm hỏi lẫn nhau giữa quan chức tỉnh bạn và Gia Lai, ông vẫn là người phiên dịch chưa thể thay thế. Nghe tôi ví ông như cột mốc sống của tình hữu nghị, ông Sung bảo: “Chúng ta phải đổ bao nhiêu xương máu mới có được hòa bình cho nhân dân hai nước, thiêng liêng lắm, phải cố gìn giữ”. Mà thật, ví ông là cột mốc sống của tình hữu nghị có lẽ chẳng sai. Nhà ông kia, chỉ cách Quốc môn cửa khẩu đâu có dăm trăm mét-nơi giao thương vẫn tấp nập đêm ngày.
NGỌC TẤN