Thầy rắn là thật. U Minh "rừng thiêng nước độc" là thật. Nói đâu xa, hổm rày cũng bộn người bị rắn "chạm" rồi qua nhờ thầy rắn giúp.
Bên ly trà trong một ngày mưa đầu mùa, ông Ba Thành (Hà Văn Thành, ngụ Ấp 20, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) trầm ngâm: "Người ta nói xứ này là xứ rừng thiêng nước độc mà. Nói đâu xa, hổm rày cũng bộn người bị rắn "chạm" rồi qua nhờ tui giúp". Nghe danh ông đã lâu, cái danh rất tợn: "Vua rắn U Minh", giờ đối diện với lão nông sắp độ lục tuần, nụ cười hiền hết cỡ. Người ta nói, cái nghề thầy thuốc rắn là nghề rất bạc, kèm theo đó là muôn vàn những câu chuyện ly kỳ, rùng rợn. Nào là thầy thuốc rắn phải chịu cảnh nghèo "rớt mùng tơi", còn nếu phạm phải điều cấm kỵ với Tổ (tức là buôn bán rắn, lấy nghề thuốc để trục lợi làm giàu) thì phải bỏ mạng vì những con rắn báo oán…
Ông Ba Thành nâng niu từng cây thuốc. Những loại thảo dược của đất U Minh qua tay ông trở thành thần dược cứu mạng không biết bao nhiêu người. |
Hành trình đến với nghề thuốc rắn của ông Ba Thành là một cơ duyên trời định. Thân sinh ông Ba Thành quê Cà Mau, là bộ đội tập kết ra Bắc, sau đó quen với mẹ của ông Ba là một phụ nữ giỏi giang, xinh đẹp người Thái Đen vùng Thanh Hoá. Ông sinh ra và lớn lên trong vòng tay mẹ với những bản làng người Thái, Mường. Ba Thành học hết lớp 9 (hệ 10 năm) rồi mới nghỉ.
Ông nhớ lại thời niên thiếu của mình: "Giặc mở rộng đánh phá ra miền Bắc, vùng Thanh Hoá đạn bom dữ dội lắm. Tôi và mẹ phải rày đây mai đó để sống, còn ba thì đi công tác miết". Mang trong mình nửa dòng máu của người Thái, ông cũng len lỏi vào rừng săn bắn, theo các bậc bô lão để bám rừng mà sống. Chính giai đoạn này, ông học được những bài thuốc trị rắn cắn khi đi rừng, với ý nghĩ là để tự mình phòng thân.
Điều mà ông cảm thấy rất thú vị đó là các bài thuốc đều làm từ những cây cỏ thân quen, gần gũi, nếu không biết thì chỉ có đường chết trên đống thuốc. Một lần đi rừng săn, ông thấy chân mình đau nhói, chỉ nhìn thoáng qua biết loại rắn rừng cực độc, ông vẫn bình tĩnh tìm cây cỏ vừa nhai, vừa đắp và.... thấy bình thường. Từ đó ông càng vững lòng tin với những bài thuốc quý. Ba Thành tung hoành khắp vùng thượng xứ Thanh, nào là Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ… càng đi, ông càng học được nhiều bài thuốc trị rắn cắn. Hoà bình, ông theo gia đình về quê hương Cà Mau, ở ngay ngã ba Nhà Thờ tại thị xã, một cuộc sống mới mở ra...
Cơn mưa rào vừa dứt, cơn khác lại dợm kéo tới, ông cười, chậm rãi kể: "Thời mới về đây, chỗ nào cũng có rắn. Mình lâu lâu bắt cho bạn bè ăn thôi". Ông giơ ngón tay trỏ bàn bên phải lên chỉ vết thẹo tròn vo: "Thấy không, cái này là lời thề đó. Thề không ăn thịt rắn, không buôn bán rắn, không lấy nghề thuốc rắn làm giàu. Ngược lại lời thề thì sẽ bị rắn báo oán". Thì ra điều này là có thật. Ông Ba nói: "Rắn có linh tính, linh hồn và là một trong những loài có nhiều điều hết sức bí hiểm".
Theo ông Ba Thành, xứ Cà Mau khi ấy rắn nhiều vô kể, tất nhiên cũng lắm loại có độc và không biết bao nhiêu trường hợp phải bỏ mạng vì rắn cắn.
Với người trong nghề, người ta chỉ gọi đơn giản là rắn "chạm" mà tránh từ rắn cắn. Nói vậy thôi, nếu gặp loại cực độc như rắn hổ đất mà "chạm" thì coi như cầm chắc cửa tử nếu không cứu kịp trong vòng một, hai tiếng đồng hồ. Ông sực nhớ: "Cách đây 2 ngày, thằng Mạnh con anh Sáu Sâm bị "chạm", chở qua chỗ khác đắp thuốc, chân sưng như cây chuối hột, miệng kéo đờm". Sau đó thấy nặng quá, người nhà chở qua trạm xá Khánh Thuận, trạm xá kêu chuyển lên bệnh viện tỉnh liền. Bí quá, ghé nhà ông Ba Thành. Ông và vợ bẻ thuốc ngay bên mé hè cho đắp và uống, hết đâu bình trà thì anh Mạnh đã đi đứng bình thường.
Nghề thuốc rắn đến với ông Ba cũng bằng một sự cố nhớ đời, khi đó, ông còn tuổi thanh niên, năm 1984. Một ca rắn cắn ở bên Cái Nước, lúc này có người biết ông thạo nghề liền chở xuống tận nhà nhờ cứu chữa. Rủi sao ca này quá nặng, ông đổ thuốc hoài mà không chịu xuống. Cả nhà người bị rắn cắn sốt ruột chửi rủa, hăm doạ đủ điều. Ông Ba mặt không biến sắc, vẫn kiên trì cứu chữa và cuối cùng người bị nạn cũng qua cơn nguy kịch. Sau chuyện này, ông hầu như giấu kín khả năng của mình, chỉ những bạn bè, đồng nghiệp gần gũi của ông mới biết biệt tài này.
Những ai rành Ba Thành đều biết, ông đi qua nơi nào có rắn là biết loại gì, lớn cỡ nào, đã xắn tay áo lên là coi như con rắn đó không còn đường thoát. Hỏi ông sao có thể đoán biết được nơi nào có rắn, rắn loại gì và lớn cỡ nào, ông trả lời gọn lỏn: "Cái này là do linh tính, chỉ là linh tính thôi".
Thời thanh niên, chưa vợ con, Ba Thành tung hoành khắp Cà Mau, vừa để giao lưu bè bạn, cũng vừa để lâu lâu biểu diễn "nghề rắn" của mình. Nhưng dần dà, ông cũng hiếm khi bắt rắn nữa, ông tâm sự: "Thời đó nhiều rắn, nhưng mình cảm thấy loài này càng ngày càng ít. Mình có nghề nhưng không thể tận diệt".
Năm 1997, ông cùng vợ và 5 đứa con về U Minh lập nghiệp, tài sản là 5 ha đất rừng hoang. Về đây, ông và vợ con cải tạo một vùng phèn úng trở thành mảnh đất trù phú. Mùa mưa đầu tiên, cái xóm thuộc Ấp 20, xã Khánh Thuận cứ nơm nớp một nỗi lo sợ rắn độc. Sợ tới nỗi có người không dám ló mặt ra khỏi nhà, vậy mà ở nhà cũng bị rắn "chạm". Ông Ba Thành không nói, không rằng, đi tới từng nhà cứu người.
Nhưng cũng không xuể, người ta bắt đầu biết đến ông rồi chở tới tận nhà. Ông bộc bạch: "Hồi đó ở đây đi xuồng bơi, xuồng chèo, rắn cắn coi như chết chắc, đâu có chở đi đâu được". Có đêm vợ chồng ông chạy chữa 4, 5 ca rắn cắn. Ông giới thiệu thím Ba (thím Lê Thị Nghĩa): "Vợ tôi phụ giúp, cũng rất hiểu biết về nghề thuốc này".
Bằng sức lao động và lối sống giản dị, tiết kiệm, vợ chồng ông Ba Thành đã "sống khoẻ" giữa đất rừng U Minh với mô hình kinh tế đa cây, đa con. |
Cứ như vậy, hơn 20 năm nay vợ chồng ông Ba Thành đã cứu giúp không biết bao nhiêu người bị nạn. Tiếng lành đồn xa, cả vùng U Minh rộng lớn, rồi tận bên Kiên Giang cũng qua nhờ ông tương cứu những lúc có người bị rắn độc cắn. Vợ chồng ông nhiều khi thức xuyên đêm, nhai thuốc phồng miệng nhưng chưa bao giờ có lời nói phật lòng ai.
Đang cuộc tâm tình, thời may có chú Ba Thanh (Lâm Hồng Thanh, hàng xóm của chú Ba Thành) qua chơi, ông nói rổn rảng: "Ở đó Ba Thành, ở đây Ba Thanh". Chú Thanh giọng chắc lọi: "Hồi đó tới giờ ông này làm phước không nhận điếu thuốc, dĩa trái cây, tao toàn thấy ổn tốn ngược không à".
Người bị nạn tới, nhà ông Ba Thành chạy đôn đáo thuốc thang, lo trà thuốc cho khách, có khi nấu cơm đãi luôn. Ông thầy Ba Thành có một phong thái ung dung, từ tốn, gặp ca nặng kéo đờm cũng có thể cười tỉnh rụi rồi nói: "Gấp gì, uống ly trà cái đi". Vào nhà ông, ngoài bàn thờ ba má, chẳng thấy ông thờ tự gì, ông cho biết: "Mình làm nghề thuốc thôi, đâu có thần thánh gì". Ông có cách từ chối quà biếu rất khéo là: "Khi người ta mang đồ tới, mình nói nếu nhận thì sẽ hết linh nghiệm, không còn cứu người được nữa, vậy là họ mang về".
Với ông Ba Thành, làm phước là để tích đức cho con cháu. Ông chỉ cầu mong: "Ra đường người ta còn nhớ, chào hỏi mình là vui rồi". Cuộc sống của ông bây giờ với rừng tràm, với đàn heo rừng, lứa le le, bờ chuối, bầy gà, thu nhập trên trăm triệu một năm…, có người vợ hiền và 5 đứa con trưởng thành, ông khẳng định rằng: "Bấy nhiêu là đủ". Nghề bắt rắn bây giờ hầu như ông bỏ hẳn, ông bộc bạch: "Thấy vậy chớ rắn ít lắm rồi. Mình cũng đừng nghĩ rắn hại người, nó cắn người là do phản xạ, là do bị dồn vào đường cùng thôi". Chất giọng đớt đớt của ông kêu rắn là "dắn", thêm cái miệng móm mém cười càng làm người ta thấy ấm lòng vì tình cảm trong sáng ấy.
Ngồi đây với chúng tôi, ông Ba Thành trông giống một người nông dân U Minh thứ thiệt hơn là danh phong "Vua rắn" mà bấy lâu người ta gắn cho ông. Ông cũng thú thiệt: "Mấy chú xuống đây rồi, chớ tui cũng không muốn lên báo chí gì nữa đâu. Có chụp hình gì thì chụp chớ tui không biểu diễn nghề bắt rắn nữa". Nhìn cây cỏ quanh nhà, biết chúng tôi thắc mắc, ông tiết lộ: "Đều là thuốc do vợ chồng tui trồng đó. Rặt cây cỏ của U Minh thôi". Dẫn chúng tôi đi thăm quanh khuôn viên nhà, ông trìu mến từng lá cây, nhành cỏ rồi khẳng định: "Vợ chồng tui sống đơn giản vậy thôi, có ai tới là không nề hà, giúp người là việc nên làm mà".
Trên đường về, anh đồng nghiệp ngồi phía sau tôi hết sức tâm đắc: "Ai nói thầy thuốc rắn là nghèo, tao thấy ông Ba Thành vậy là giàu quá cỡ…"..
Phạm Nguyên/Báo Cà Mau