Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Sức hấp dẫn nghìn năm của cuốn kỳ thư 'Sơn hải kinh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Sơn hải kinh” - một trong những cuốn sách huyền bí nhất Trung Quốc cổ đại đã được chuyển ngữ đầy đủ và xuất bản tại Việt Nam.

Nội dung của
Nội dung của "Sơn hải kinh" trải dài trên nhiều phương diện. (Ảnh: CTV)



“Sơn hải kinh” là một cuốn kỳ thư có phong cách đặc biệt, cùng với “Dịch kinh” và “Hoàng Đế nội kinh” được gọi chung là “Tam huyền” (tức là ba cuốn sách huyền bí nhất Trung Quốc cổ đại).

“Sơn hải kinh” chia làm hai phần: “Sơn kinh” (5 quyển) và “Hải kinh” (13 quyển). Tuy độ dài chỉ hơn ba vạn chữ nhưng nội dung lại bao la vạn tượng, gồm đủ cả trời Nam biển Bắc, trải khắp các phương diện như thiên văn, địa lý, động vật, thực vật, tôn giáo, thần thoại…

Có người cho rằng “Sơn hải kinh” là một cuốn sách địa lý nhưng những nội dung miêu tả về núi non sông hồ, “kỳ trân dị vật” trong đó lại hoàn toàn không tương ứng với địa hình địa mạo ngày nay. Độc giả rất khó để trả lời được những câu hỏi như: “Ngọn núi kia nằm ở nơi nào?” “Dòng sông này chảy đến nơi đâu?” “Biển nằm ở chốn nào?”…

Lại cũng có người căn cứ vào những nội dung kỳ lạ, những loại thần tiên quái vật trong sách mà cho rằng đấy là một cuốn sách thần thoại. Thế nhưng sự giải thích về những thần thoại trong sách thì cũng mỗi người mỗi ý, khó lòng thống nhất.

Ngoài ra, trong sách cũng tồn tại những nội dung có thể ấn chứng được với lịch sử. Bởi vậy, nếu coi đó là một cuốn sách thần thoại thì chưa đủ sức thuyết phục.

Xét về vị trí địa lý, Trung Quốc vốn chỉ có biển ở phía Đông và phía Nam. Tuy nhiên, trong thế giới của "Sơn hải kinh," bốn phía đều có biển, lần lượt là Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải, Bắc Hải. Tây Hải và Bắc Hải đã từng tồn tại trên thực tế hay chỉ đơn giản là do người xưa tưởng tượng ra?

“Sơn hải kinh” còn liệt kê nhiều sông ngòi. Những dòng sông ấy có khi chảy về phía Đông, có khi chảy về phía Tây, có khi chảy về phía Nam, lại cũng có khi chảy về phía Bắc. Trên thực tế, sông ngòi ở Trung Quốc thường chảy từ Tây sang Đông. Ở chiều ngược lại (từ Đông sang Tây), số lượng rất ít. Tuy vậy, trong “Sơn hải kinh” lại có tới hơn ba mươi dòng sông chảy về hướng Tây.

Lại nói thêm về các ngọn núi trong “Sơn hải kinh,” đôi lúc, cùng một ngọn núi mà ở các phần khác nhau lại có vị trí khác nhau. Đây là sai sót từ phía tác giả hay còn có ẩn ý gì ở bên trong?

Ví như núi Côn Luân, ở các quyển khác nhau của “Sơn hải kinh” được nhắc tới hơn 10 lần, có lúc thì ở phía tây, lúc lại ở phía Nam hay phía Bắc, có lúc còn ở trong vùng Đại Hoang. Nếu đó chỉ là những ngọn núi cùng tên thì còn có thể hiểu được. Trong trường hợp đó là cùng một ngọn núi thì việc miêu tả đầy mâu thuẫn ấy có ẩn chứa bí mật gì?

Càng kỳ lạ hơn nữa là trong “Sơn hải kinh” còn có rất nhiều ngọn núi được miêu tả là trơ trọi, không hề có cỏ cây, cũng có rất nhiều ngọn núi được mô tả là có cây mà không có cỏ hay có cỏ mà không có cây. Bản chất của sự việc ấy rốt cuộc là gì?

Trong thường thức của chúng ta, chỉ cần có đất, có nước thì sẽ có cỏ cây sinh trưởng. Hơn nữa, có cỏ thì thường có cây, có cây thì tất có cỏ, là những môi trường kỳ lạ nào có thể gây ra hiện tượng như trên? Người xưa thật sự đã từng nhìn thấy như thế và miêu tả lại hay chỉ thuần túy là tưởng tượng ra?

Ngoài ra, trong “Sơn hải kinh” còn rất nhiều đoạn mô tả về các loại bảo tàng trên núi, như ở “Nam sơn kinh” có đoạn viết: “Đi tiếp về phía Đông ba trăm bảy mươi dặm thì tới núi Cù Phụ, ở đấy không có cỏ cây, nhiều kim loại và ngọc”.

Hay là: “Đi tiếp về phía đông năm trăm dặm thì tới núi Đan Huyệt, trên núi có nhiều kim loại và ngọc.” Ở “Tây sơn kinh” thì có đoạn: “Đi về phía Tây hai trăm dặm thì tới núi Thái Mạo, mặt nam núi có nhiều kim loại, mặt bắc núi có nhiều sắt”.

Các loại bảo tàng được nhắc tới trong “Sơn hải kinh” thường là vàng, bạc, ngọc, đồng, sắt và thiếc, trong số các ngọn núi được nhắc tới thì có quá nửa là ẩn chứa các loại bảo tàng như vậy. Các loại bảo tàng ấy rốt cuộc chỉ đơn giản là khoáng vật hay là những thứ đã được gia công chế tác?

Nếu chỉ xét theo câu chữ, chúng ta hoàn toàn không thể xác định được. Hiện nay, các học giả đa phần thống nhất quan điểm rằng đó chỉ là khoáng vật mà thôi. Thế nhưng, nếu là khoáng vật, người thời cổ làm cách nào mà có thể phát hiện ra chúng?


 

Sách có phần tranh minh họa sinh động. (Ảnh: CTV)
Sách có phần tranh minh họa sinh động. (Ảnh: CTV)



Xét theo mốc thời gian, các nội dung được kể trong “Sơn hải kinh” đại khái được chép vào thời điểm từ nhà Ngu đến nhà Hạ, tức là ít nhất cũng cách nay 3.600 năm. Lẽ nào ngay từ thời điểm đó người ta đã biết đến nhiều loại kim loại như vậy?

Song những điều kỳ lạ, bí ẩn đó lại tạo nên sức hấp dẫn muôn đời cho “Sơn hải kinh” - tác phẩm mà độc giả Việt Nam mới chỉ được nghe nói tới hoặc bắt gặp từng mẩu nhỏ hiện hình trong dòng văn học huyền ảo tiên hiệp đã từng làm mê mẩn bao thế hệ.

Hiện nay, tác phẩm “Sơn hải kinh” hoàn chỉnh đầy đủ với rất nhiều tranh minh hoạ đã được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam. Sách do Nhà xuất bản Văn Học phối hợp cùng Nhà sách Tri Thức Trẻ ấn hành và ra mắt độc giả vào tháng 10/2019.

 

Tuệ Lam (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm