Sức lan tỏa của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” ở Gia Lai đã lan tỏa sâu rộng và nhân lên tinh thần sáng tạo, chủ động trong nhân dân.

Cùng chúng tôi đi trên con đường làng với những vạt hoa mười giờ rực rỡ, bà Huỳnh Thị Phụng-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú An (huyện Đak Pơ) thông tin: Để cụ thể hóa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, xã đã triển khai mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Mỗi thôn, làng đều có 1 tổ tự quản bảo vệ môi trường gồm 9 thành viên duy trì sinh hoạt đều đặn vào ngày 15 hàng tháng.

Các tổ tự quản thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh tạo cảnh quan, thu gom rác thải. Đến nay, 100% hộ dân trong xã cam kết bảo vệ môi trường, 2/5 thôn, làng đăng ký dịch vụ thu gom rác thải, 735 hộ đăng ký đào hố rác tự hoại tại nhà, có 1.235 gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 89,5%) và xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Người dân ở nhiều địa phương đã chủ động lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ảnh: Anh Huy
Người dân ở nhiều địa phương đã chủ động lựa chọn vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế. Ảnh: Anh Huy


Toàn tỉnh hiện có 70/182 xã đạt chuẩn NTM, 41 làng NTM và 25/38 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; TP. Pleiku đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có thêm 18 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã NTM nâng cao, 56 làng NTM; 2 thị xã: An Khê và Ayun Pa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 82% số gia đình văn hóa; 82% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa.
 

Tại làng Dôr 1 (xã Glar, huyện Đak Đoa), việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã góp phần không nhỏ vào kết quả giảm nghèo. Ông Yơu-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng-cho biết: 100% hộ dân trong làng là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cuộc vận động được triển khai bằng nhiều hình thức. Nhờ vậy, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên. Người dân đã biết quản lý chi tiêu, tích lũy vốn để tái đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Cũng theo ông Yơu, nhờ trồng cà phê gây quỹ, làng đã có nguồn kinh phí để làm đường giao thông, làm nhà sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ nhau khi khó khăn. Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ triển khai các mô hình: vần đổi công, góp vốn xoay vòng, gây quỹ nghĩa tình để giúp đỡ hội viên khó khăn… Đến nay, làng Dôr 1 chỉ còn 8 hộ nghèo.

Với phương châm “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống ấm no cho dân”, những năm qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên luôn bám sát địa bàn dân cư, triển khai thực hiện cuộc vận động đến từng gia đình. Bà Nguyễn Thị Thu Nhi-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang-cho biết: Qua tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân, nhất là hộ dân tộc thiểu số đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông; chủ động xử lý rác thải, chỉnh trang nhà cửa, di dời chuồng trại, làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Mặt khác, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức đoàn thể đã xây dựng 114 mô hình để chung sức xây dựng NTM, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đánh giá về việc triển khai thực hiện cuộc vận động, ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho rằng, việc tổ chức thực hiện cuộc vận động thể hiện sự đổi mới về phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được nhân rộng, thể hiện sự sáng tạo, ý thức làm chủ của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” và Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã góp phần đổi mới diện mạo của nhiều khu vực nông thôn và đô thị, nâng cao chất lượng đời sống của người dân ở nhiều địa phương. Công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư từng bước được cải thiện.
 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm