Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Sức lan tỏa của Lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017 đã diễn ra trong những ngày đầu của tháng 12 với những hoạt động độc đáo, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách và bạn bè gần xa.

Ấn tượng từ Lễ hội

Lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm nay được tổ chức với nhiều điểm nhấn. Không khí lễ hội diễn ra rộn ràng dù trời mưa, gió... Nhiều du khách vẫn kiên trì vượt khó để leo lên đỉnh ngọn núi Chư Đăng Ya. Gần 90% du khách tới đây đã đặt chân lên đỉnh Chư ĐăngYa. Với họ, tới với Chư Đăng Ya thì phải ngắm cảnh từ trên đỉnh núi thì mới thực sự cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng đất trù phú này. Chị Đặng Thị Quy (xã Nam Yang- huyện Đak Đoa) cho biết: “Tôi tới với Lễ hội vào hai ngày trời lất phất mưa. Tuy vậy, tôi vẫn muốn leo lên đỉnh núi cùng mọi người để được trải nghiệm. Có thể nói, đây là một lễ hội mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Tôi rất mong năm sau và nhiều năm sau nữa vẫn được tham gia lễ hội như thế này”.

Dù thoi72 gian diễn ra Lễ hội gặp trời mưa nhưng lượng du khách đổ về vẫn rất đông. Ảnh: Tấn Dung
Dù thời gian diễn ra Lễ hội gặp trời mưa nhưng lượng du khách đổ về vẫn rất đông. Ảnh: Tấn Dung

Còn với những du khách ngoại tỉnh như anh Hà Văn Vũ (tỉnh Quảng Nam) thì đây là dịp để anh có thể tìm hiểu nhiều hơn về vùng đất mà anh và bạn bè mình vốn chỉ nghe qua truyền thông. “Nhìn từ đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya xuống rất tuyệt vời. Như một bức tranh Tây Nguyên thu nhỏ với đủ các gam màu. Tôi ở đây trong 3 ngày của lễ hội để tìm hiểu và cảm nhận về mảnh đất và con người cũng như các hoạt động văn hóa, ẩm thực ở đây”- anh Vũ chia sẻ.

Ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của ngọn núi lửa cùng các hoạt động đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, ẩm thực cơm lam- gà nướng… thì điều gây ấn tượng mạnh nhất với du khách là những màn trình diễn cồng chiêng và phục dựng lễ cúng bến nước và mừng lúa mới. Nhiều du khách lần đầu tiên được tận mắt thưởng thức những hoạt động văn hóa ý nghĩa này. Theo già Rơchâm Jell (làng Ia Kreng, huyện Chư Pah) thì lễ hội là dịp để mọi người biết tới vùng đất Chư Đăng Ya trù phú, văn hóa và con người gần gũi. Già Jell vui cười, nói: “Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, rất đông du khách đã tới nói chuyện và tìm hiểu về tượng gỗ, thổ cẩm, cồng chiêng… của dân tộc Jrai chúng tôi. Thật sự chúng tôi rất vui và xúc động”.

Với chủ trương xã hội hóa, Lễ hội cũng đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của họ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều du khách cũng rất ấn tượng với các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp. “Du khách tới tìm hiểu và sử dụng sản phẩm của mình khá đông. Với việc tham gia một Lễ hội văn hóa ý nghĩa và thu hút đông đảo người dân như  Lễ hội  Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya thì việc để đưa sản phẩm của mình tới với khách hàng gần xa càng thuận lợi. Hi vọng, sau lễ hội, thương hiệu của cửa hàng mình ngày càng lan rộng”- anh Trương Phước Thạnh (Quản lý cà phê- kem Mochi Mochi) hào hứng cho hay.

Những màn biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên vẫn luôn diễn ra dưới chân núi Chư Đăng Ya. Ảnh: Tấn Dung
Những màn biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên luôn diễn ra dưới chân núi Chư Đăng Ya. Ảnh: Tấn Dung

Sẽ khai thác tiềm năng du lịch từ ngọn núi Chư Đăng Ya

Sức lan tỏa của lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya không chỉ tới tất cả các địa phương trong tỉnh mà đã mở rộng tới các tỉnh, thành phố lân cận. Nhờ hiệu ứng truyền thông tốt nên mọi người biết và tìm tới lễ hội khá đông. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội đã thu hút được hàng ngàn lượt du khách tới tham quan và trải nghiệm.

Du khách giao lưu, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Ảnh: Tấn Dung
Du khách giao lưu, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Ảnh: Tấn Dung

Theo bà thì Trần Thị Kim Tuyến (Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah), Lễ hội đã được chuẩn bị chu đáo từ mặt nội dung, truyền thông và hậu cần. Lễ hội đã khép lại với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết: “Bên cạnh việc tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện thì chúng tôi còn muốn giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của huyện. Chúng tôi mong muốn xây dựng hình ảnh mới của huyện nhà với khát vọng vươn lên dựa trên nền tảng văn hóa và sự đoàn kết”.  

Lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017 được đánh giá là dịp rất tốt để thu hút khách du lịch cho tỉnh nhà. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Thể thao và Du Lịch tỉnh Gia Lai nhận định:Đối với lễ hội này, truyền thông báo chí đã phát huy tốt vai trò của mình. Lượng du khách đến với lễ hội không chỉ trong tỉnh mà khách cả Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, đặc biệt là các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... Mặc dù là lễ hội cấp huyện nhưng các  hoạt động tổ chức lễ hội rất phong phú, chúng ta có trình diễn văn hóa như cồng chiêng, đan lát, tạc tượng; về thể thao chúng ta có kéo co, bắn nỏ, đi cà keo. Đặc biệt là cuộc thi chinh phục núi lửa Chư Đăng Ya, thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh tham gia”.

Du khách thích thú với mẫu nhà rông. Ảnh: Tấn Dung
Du khách thích thú với mẫu nhà rông. Ảnh: Tấn Dung

Ông Hoàng cũng cho biết thêm, du khách tham gia lễ hội ngoài việc thưởng ngoạn hoa dã quỳ còn rất thích thú khi được tham gia chinh phục đỉnh núi Chư Đăng Ya. Qua tham dò và khảo sát các du khách thì chúng tôi được biết họ cho rằng đây là núi lửa rất đẹp. Tôi nghĩ đIều này sẽ giúp cho ngành du lịch Gia Lai phát huy không phải là trong lễ hội mà để định hướng, quy hoạch trong năm 2018; để khai thác đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, không chỉ lễ hội hoa dã quỳ mà quanh năm chúng ta sẽ có nhiều hoạt động khác để khai thác để khai thác đỉnh núi hùng vĩ này.

Tấn Dung

 

Có thể bạn quan tâm