Sức lan tỏa từ các phong trào thi đua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hăng say lao động sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; chung sức xây dựng nông thôn mới; tham gia bảo vệ quốc phòng-an ninh là những phong trào thiết thực và ý nghĩa mà Hội Nông dân huyện Mang Yang đang chú trọng đẩy mạnh nhằm nâng cao đời sống hội viên.

 Anh Trần Viết Đôn (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn. Ảnh: T.B
Anh Trần Viết Đôn (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn. Ảnh: T.B

Đến cuối năm 2015, Hội Nông dân huyện Mang Yang có 12 cơ sở Hội, 106 chi hội/106 thôn, làng, tổ dân phố, 11.423 hội viên (6.787 hội viên đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 59,4%). Ông Nguyễn Tấn Hy-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Để khơi dậy, thúc đẩy các phong trào thi đua có hiệu quả, Hội Nông dân huyện thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, đi sâu đi sát, tạo điều kiện hỗ trợ vốn để nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện.

Điển hình, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo kinh tế ở vùng nông thôn. Đến nay, toàn huyện đã có hàng trăm hộ nông dân đăng ký lập vườn rừng, vườn nhà để phát triển kinh tế V.A.C, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh những giống cây có giá trị thương phẩm cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả và cây lấy vỏ. Nhiều giống mới, năng suất cao, có khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh tốt được đưa vào sản xuất trên diện rộng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình chuyển đổi cây trồng cũng được đẩy mạnh như: lúa Đông Xuân tại làng Kret Krot (xã Hà Ra), làng A Lao (xã Lơ Pang); mô hình nuôi thỏ tại xã Đê Ar; mô hình bắp lai tại xã Kon Chiêng và mô hình bơ ghép tại xã Hà Ra. Về chăn nuôi, Hội Nông dân huyện đã tiếp nhận dự án chăn nuôi bò lai sinh sản do Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho xã Đak Djrăng mua 10 con bò sinh sản với số tiền 100 triệu đồng cho 5 hộ gia đình tham gia thực hiện. đến nay, đàn bò đã tăng đến 20 con. Hội Nông dân tỉnh còn hỗ trợ dự án chăn nuôi 20 con heo rừng tại xã Đak Yă. Hiện nay, toàn huyện có hơn 7.000 hội viên tham gia đăng ký thực hiện sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm 65% tổng số hội viên. Tổng số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 2.989 hộ, trong đó, 71 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh và Trung ương chiếm 2,4%; 492 hộ đạt danh hiệu cấp huyện, chiếm 16,5% và 2.426 hộ đạt danh hiệu cấp xã, chiếm 81,1%. Từ trong phong trào đã xuất hiện một số mô hình, cá nhân điển hình như hội viên Hoàng Thị Lan ở thị trấn Kon Dơng; Nguyễn Trọng Thành và Trần Viết Đôn ở xã Đak Djrăng; A Nấp ở xã Kon Thụp; Ma Thị Tăng ở xã Đak Yă… Anh Trần Viết Đôn (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng) chia sẻ: “Cũng nhờ Hội Nông dân xã tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm trồng trọt với các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nên mô hình kinh tế vườn của tôi phát triển khá hiệu quả. Hiện tại, tôi có khoảng 2.000 trụ tiêu, 2 ha cà phê, thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các hội viên có nhu cầu”.

Song song với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện còn vận động, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và thiết thực. Trong 5 năm (2010-2015), toàn huyện đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp hơn 2.500 ngày công và phối hợp với các ban ngành xây dựng, tu sửa trên 50 km đường nông thôn. Cùng với đó, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đông đảo hội viên nông dân đã tích cực thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các cấp Hội đã tuyên truyền trong nông dân việc giữ gìn nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, phòng-chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục mê tín, dị đoan; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức nhiều cuộc thi như: Hội thi tiếng hát đồng quê, cúp bóng chuyền bông lúa vàng… Những hoạt động này đã tạo sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng dân cư, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Trong phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh, Hội Nông dân đã phối hợp với Công an huyện triển khai kế hoạch phòng-chống tội phạm; phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cho con em trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; tham gia diễn tập phòng thủ, diễn tập trị an các năm tại các xã, thị trấn; phối hợp với UBND các xã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Yang Nguyễn Tấn Hy cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua; tăng cường tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật nhằm giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung chỉ đạo đa dạng hóa phương thức hoạt động và hình thức tập hợp hội viên nhằm xây dựng tổ chức hội vững mạnh; phát động các phong trào phải đi đôi với việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm