Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Ấn Độ. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Ấn Độ vừa vượt qua Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới. Theo tờ The Economist, không chỉ vượt qua về số lượng, những người gốc Ấn di cư ra nước ngoài cũng đông đảo hơn và thành công hơn so với nhóm người gốc Hoa.
Kể từ năm 2010, cộng đồng gốc Ấn đã trở thành nhóm lớn nhất trên thế giới và trở thành nguồn lực hùng mạnh góp phần củng cố sức mạnh của kinh tế Ấn Độ.
Trong số 281 triệu người di cư trên toàn cầu có gần 18 triệu là người gốc Ấn, theo số liệu ước tính của UN từ năm 2020. Nhóm lớn thứ 2 là những người gốc Mexico với 11,2 triệu người. Nhóm lớn thứ 3 là người gốc Hoa với 10,5 triệu người.
Năm 2022, Ấn Độ ghi nhận nguồn kiều hối cao kỷ lục gần 108 tỷ USD, đóng góp gần 3% GDP, tỷ trọng cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Và những người gốc Ấn ở nước ngoài có đủ kỹ năng, kiến thức cũng như các mối quan hệ để thúc đẩy dòng vốn đầu tư và thương mại xuyên biên giới.
Người di cư gốc Ấn có 2,7 triệu người sống ở Mỹ, hơn 835.000 người ở Anh, 720.000 người ở Canada và 579.000 ở Australia.
Người trẻ Ấn Độ cũng có mặt ở khu vực Trung Đông, nơi những công việc chỉ yêu cầu tay nghề thấp như xây dựng và dịch vụ lưu trú được trả mức lương hậu hĩnh hơn. Có 3,5 triệu người gốc Ấn ở UAE và 2,5 triệu ở Saudi Arabia.
Ấn Độ có đủ các yếu tố thuận lợi để trở thành nước đi đầu về “xuất khẩu” nhân tài: dân số trẻ và có trình độ học vấn cao. Từng là thuộc địa của Anh, người Ấn Độ có kỹ năng tiếng Anh tốt. Chỉ 22% người gốc Ấn ở Mỹ từ 5 tuổi trở lên cho biết họ bị hạn chế về tiếng Anh, trong khi tỷ lệ trong nhóm người gốc Hoa lên tới 57.
Kể từ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947, đã xuất hiện vài làn sóng di cư đến các nước phát triển. Họ tới Anh, Bắc Phi, Australia, Canada, nhất là những nước có chính sách di cư thông thoáng.
Người gốc Ấn thường làm việc trong ngành dược và công nghệ thông tin. Năm 2022, 73% visa H-1B (loại dành cho các lao động tay nghề cao trong những ngành nghề chuyên biệt như khoa học máy tính) được Mỹ cấp cho những người gốc Ấn. Trên thực tế, người gốc Ấn là nhóm người nhập cư có thu nhập cao nhất ở Mỹ, với thu nhập trung bình của 1 hộ gia đình đạt gần 150.000 USD mỗi năm, cao gấp đôi so với mức trung bình trên cả nước.
25 CEO của các công ty trong chỉ số S&P 500 là người gốc Ấn, tăng mạnh so với con số 11 của thập kỷ trước. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên.
Hiện nay, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng khiến các doanh nghiệp có gốc gác Trung Quốc gặp nhiều trở ngại và bị phương Tây hoài nghi. Trong khi đó, Ấn Độ không gặp phải vấn đề, một phần bởi nội các của ông Modi và đảng BJP của ông gồm toàn những người được đào tạo ở phương Tây.
Khi Trung Quốc và đồng minh muốn thay đổi trật tự thế giới, phương Tây rất muốn Ấn Độ đứng về phía mình và những người di cư ở nước ngoài sẽ là cầu nối giữa hai bên.
Trong một bài phát biểu vào tháng 8-2022 nhân kỷ niệm 75 năm kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập, Thủ tướng Ấn Độ Modi kêu gọi quốc gia này không giải quyết vấn đề gì khác ngoài mục tiêu “thống trị kinh tế thế giới”. Tham vọng của Ấn Độ hoàn toàn có cơ sở vì nguồn lực được nêu ra ở trên.