Sức sống mới ở làng tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của gần 50 hộ dân làng tái định cư C5 (còn gọi là làng Chan mới, ở xã Ia Pnôn-huyện Đức Cơ) đang dần ổn định. Bên ngôi nhà mới vẫn còn thơm mùi vôi vữa, những đứa trẻ tung tăng vui đùa, tiếng cười trong trẻo như bay lên giữa không gian xanh mướt của những vườn cao su, cà phê…     

Niềm vui trong những căn nhà mới

Chúng tôi đến làng Chan mới vào một ngày cuối năm. Trong ánh nắng vàng của buổi chiều biên giới, ngôi làng tái định cư hiện ra với sự quy củ của nó. Cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, từ hệ thống điện, bể nước đến khu nhà sinh hoạt cộng đồng đều được xây dựng bài bản.

 

  Rơ Mah Thinh chăm chút cho con từng nét chữ.                      Ảnh: L.L
Rơ Mah Thinh chăm chút cho con từng nét chữ. Ảnh: L.L

Ngồi trong căn nhà khang trang, ấm áp, chị Rơ Lan Dji bồi hồi nhớ lại: “Khi mới về làng, điều kiện lúc bấy giờ rất khó khăn, khi đó nhiều gia đình chỉ dựng tạm nhà để ở, thiếu thốn đủ bề từ nước sinh hoạt tới điện thắp sáng, con nhỏ đi học lại xa. Mặc dù vậy, gia đình mình vẫn kiên quyết bám làng, xây dựng cuộc sống mới. Năm 2015, trên khu đất cấp của dự án, gia đình mình đã xây dựng được căn nhà khang trang với kinh phí 100 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 18 triệu đồng”.

Với điều kiện đất đai màu mỡ, nơi đây khá thuận lợi để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, cà phê cùng một số loại cây ngắn ngày cho năng suất cao như mì, cỏ voi… Bên cạnh đó, để tăng gia sản xuất, nhiều gia đình trong làng còn nuôi gà, heo và trồng rau, vừa giúp tăng thu nhập vừa cải thiện cuộc sống. Ngồi bên con gái, chăm chút cho con từng nét chữ, anh Rơ Mah Thinh-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Chan mới, cho biết: “Nhà mình đang canh tác trên 2 ha đất. Ngoài 500 cây cao su, 200 cây cà phê, mình còn trồng thêm điều và mì… Nhờ đó, vợ chồng mình đã dành dụm, cộng thêm số tiền Nhà nước hỗ trợ nên đã xây được ngôi nhà này. Nếu ngày trước mình không chịu dời đến làng tái định cư, cố bám làng cũ thì chẳng biết khi nào mình mới có ngôi nhà đẹp như vậy. Không chỉ vậy, Nhà nước còn hỗ trợ cây giống, con giống cho nhà mình chăn nuôi sản xuất nữa”.

Ngay cạnh nhà anh Rơ Mah Thinh, gia đình anh Rơ Mah Suek cũng đang khẩn trương hoàn thiện căn nhà mới. Vợ chồng anh đang ở chung với bố mẹ ở làng Chan (cũ) khá chật chội, nên muốn sớm được ra ở riêng để tự thân lập nghiệp. “Đất này mình được dự án phân từ lâu nhưng mãi đến bây giờ mới có tiền để xây nhà. Tết này, gia đình mình sẽ được ở trong ngôi nhà mới của làng tái định cư”-anh Rơ Mah Suek phấn khởi. Cũng giống như những hộ tham gia dự án, gia đình anh Rơ Mah Suek được Nhà nước hỗ trợ 18 triệu đồng để xây dựng nhà ở theo diện giãn dân.

Chủ trương đúng đắn

 

Ia Pnôn là một xã biên giới của huyện Đức Cơ, xã có 4 thôn, làng nhưng có tới 3 làng thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 26,8%. Trong đó, làng Chan có tới 88 hộ nghèo, làng Bua có 98 hộ và làng Ba là 54 hộ. Vì thế, dự án định canh định cư là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, không chỉ tạo điều kiện cho các gia đình trẻ tách hộ, xây dựng cuộc sống mới, mà còn góp phần giúp Ia Pnôn phát triển kinh tế-xã hội.

Dự án làng định canh định cư tập trung của xã Ia Pnôn là một dự án giãn dân, góp phần nâng cao đời sống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Dự án được triển khai từ năm 2012 nhưng do thiếu vốn nên đến năm 2014 mới chính thức đi vào thực hiện. Với tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng, đến nay các hạng mục công trình như: đường giao thông, giếng khoan, đường điện thắp sáng, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm trường tiểu học, mẫu giáo… đã được triển khai xây dựng và đang từng bước đưa vào sử dụng cùng 47 ngôi nhà được hỗ trợ xây mới.

Ông Rơ Châm Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn cho biết: “Đến nay, đã có gần 50 trên tổng số 62 hộ dân đăng ký chuyển về nơi ở mới. Thời gian qua, xã cũng đã triển khai các dự án hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất để bà con yên tâm sinh sống”.

…Chúng tôi tạm biệt làng tái định cư khi ánh điện đã bắt đầu thắp sáng từng ô cửa bên trong những ngôi nhà mới. Thầm nghĩ, nếu được đầu tư đường giao thông nối ra trung tâm xã, với những thuận lợi về đất đai cùng với khát vọng làm giàu của lực lượng dân số trẻ tại đây thì chẳng mấy chốc làng Chan mới sẽ ấm no, trù phú.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm