Sức trẻ Ia Mơr từ Làng thanh niên lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trước đây, Ia Mơr (Chư Prông) là vùng rừng khộp khô cằn, hoang vắng nằm giữa 2 con suối Ia Mơr và Ia Lốp. Đến Ia Mơr vào những ngày tháng 5 này, nơi đây đã là một vùng đất trù phú, xanh rợp bóng cây và rộn rã tiếng cười…

Niềm vui từ các gia đình trẻ

Trong tầm mắt chúng tôi là những hàng cây xanh mát và những thửa ruộng lúa vàng ươm. Đang gặt lúa, anh Nguyễn Văn Hậu cho biết: Quê anh ở Nam Định, nhà có 4 anh chị em và nghề nghiệp chính là làm nông nhưng cuộc sống khó khăn nên đã vào xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) làm cà phê. Hưởng ứng chủ trương đi xây dựng cuộc sống ở Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr, tháng 11-2007, anh đã chuyển đến sống và làm việc ở đây.

Đầu tiên, gia đình nhỏ của anh được Ban Quản lý dự án Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr cấp nhà, 1.000 m2 đất ở và 1,86 ha đất sản xuất, được hỗ trợ 6 tháng lương thực, 4 triệu đồng để xây bể nước, 3 triệu đồng để mua bò sinh sản. Ngoài ra, các nhu cầu thiết yếu khác như điện, nước cũng được Ban Quản lý dự án cung cấp đầy đủ. Đến nay, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định.

Thanh niên Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: T.V
Thanh niên Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: T.V

Từ  một vùng đất hoang hóa, bây giờ làng đã có 100 hộ dân sinh sống, hầu hết các chủ nhân của các hộ gia đình đều trẻ. Bằng những ý chí, nghị lực của sức trẻ, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, họ đã biến một vùng đất khô cằn thành một vùng đất đai màu mỡ, trù phú. Anh Nguyễn Văn Trưởng- một trong những cư dân đầu tiên của làng tâm sự: “Những ngày đầu đến đây, nhìn đất đai khô cằn, dân cư thưa thớt tôi rất lo lắng. Nhờ sự quan tâm của Ban Quản lý dự án và các cấp chính quyền, tôi đã yên tâm làm việc. Bây giờ cuộc sống của gia đình tôi rất đầy đủ và no ấm”.

Cùng với sản xuất lúa, một số gia đình đã tận dụng đất bờ lô khai hoang để trồng bắp, bí, mì và rau xanh, phát triển đàn gia súc gia cầm. Trên 30% hộ gia đình sản xuất đạt kết quả khá; công tác phòng- chống bệnh sốt rét, khám bệnh cấp thuốc được quan tâm.

Và những dự án trong tương lai

Nhằm phát triển Làng Thanh niên lập nghiệp xã Ia Mơr một cách bền vững, Tỉnh đoàn Gia Lai đã phối hợp với Công ty Cao su Chư Pah thực hiện các dự án trồng cao su, từng bước giải quyết việc làm cho thanh niên của làng. Công ty Cao su Chư Pah đã khảo sát 1.400 ha đất để trồng cao su. Công ty cam kết sẽ tuyển toàn bộ số thanh niên ở đây vào làm công nhân cao su.

Ông Phạm Đình Luyến- Phó Giám đốc Công ty Cao su Chư Pah cho biết: “Năm 2010, Công ty đã trồng được 500 ha cao su và khai hoang khoảng 50 ha đất. Hầu hết thanh niên trong làng được tuyển dụng vào làm công nhân với mức giao khoán 5 ha/người, lương bình quân ở giai đoạn kiến thiết cơ bản là 3 triệu đồng/người/tháng và dự kiến qua giai đoạn kinh doanh là 4 triệu đồng/người/tháng”.

Bí thư Tỉnh đoàn Thái Thanh Bình khẳng định: Tỉnh đoàn ủng hộ chủ trương phát triển cây cao su của Công ty Cao su Chư Pah tại đây, đồng thời mong muốn phối hợp với Công ty Cao su Chư Pah để triển khai dự án trồng cao su tại Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr.

Thục Vy

Có thể bạn quan tâm