Tôi cảm nhận điều đó rõ ràng nhất từ dòng suối Ea Tam, vốn được xem là “động mạch chủ” của cơ thể đô thị Buôn Ma Thuột trong việc tổ chức không gian sống cho cư dân tại chỗ cũng như phục vụ mục tiêu quy hoạch và kiến tạo bản sắc cho thành phố trên cao nguyên này.
Lạc loài phận suối
Suối Đốc Học (phường Tân Tiến), Suối Xanh, suối Ea Nuôl (phường Tân Lợi) là những minh chứng cho điều đó. Ngoài ra nhiều con suối khác như: Ea Tam, Ea Nao… chảy qua nhiều xã, phường ngoại ô và nội thị cũng ngày càng bị bóp nghẹt, có nhiều đoạn khiến người ta không còn nhận ra là suối nữa, mà trông như lạch nước đen đúa và lạc loài.
Từ cầu Ea Tam (Km5, trên đường Nguyễn Văn Cừ), nơi con suối Ea Tam nhận thêm nguồn nước của suối Ea Nao để tiếp tục đổ vào sông Sêrêpốk - tôi men theo dòng chảy ấy để mục kích và hiểu thêm về số phận của dòng suối dài và đẹp nhất ở đô thị này. Ông Ama Tét - Trưởng buôn Kô Siêr (phường Tân Lập), người dẫn đường cho tôi cứ than vãn: Người ta không còn tôn trọng dòng Ea Tam nữa, cứ xây cất nhà cửa, công xưởng lấn dần ra phía lòng suối khiến nhiều nơi trở nên bí bức đến nỗi không còn chỗ để thở. Tất nhiên, một khi công trình xây dựng mọc lên trong tình trạng không thể kiểm soát nổi thì hệ lụy kéo theo là dòng chảy bị thu hẹp, hệ sinh thái (cây xanh, thảm thực vật) vốn quý giá đối với đời sống sinh kế của người dân bản xứ cũng không còn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hàng nghìn hộ dân cư trú ở hạ nguồn - và điều đó đã thật sự làm ông Ama Tét ám ảnh.
Đập ngăn hồ Ea Tam đang được thi công nhằm cải tạo vùng sinh cảnh suối Ea Tam. |
Xuôi theo dòng Ea Tam, Ama Tét chỉ cho tôi thấy những đoạn suối đi qua lòng đô thị (trên đường Y Nuê, Trần Quý Cáp, Đặng Nguyên Cẩn, Amí Đoan) rồi trắc ẩn: Dòng suối một thời ầm ào, cuộn chảy… nay chỉ còn là lạch nước nhỏ nhoi và nông hờ. Nhà ông nằm cuối đường Amí Đoan, tiếp giáp với dòng suối này - và trong ký ức của vị trưởng buôn Kô Siêr cũng như dân làng, đây là không gian để mọi người sinh hoạt, thư giãn sau một ngày làm lụng vất vả, giờ đã vĩnh viễn biến mất. Thay vào đó, phía bên kia suối, khi con đường Trần Quý Cáp và phố xá được mở rộng thì dòng Ea Tam cũng bắt đầu hứng chịu những tai ương tràn tới. Đó là phế phẩm các loại từ đời sống văn minh, hiện đại trôi xuống khiến nhiều đoạn suối ùn ứ và bế tắc, trông không khác gì những bãi rác công cộng, ngày đêm bốc mùi nồng nặc, làm ô nhiễm môi trường sống khắp cả vùng, từ buôn Kô Siêr (phường Tân Lập) cho đến buôn Cư Dluê (xã Hòa Xuân) ở phía Nam TP. Buôn Ma Thuột.
Theo buôn trưởng Ama Tét, thực trạng trên diễn ra với cường độ ngày càng gay gắt hơn và buôn Kô Siêr là một trong những nơi lãnh đủ hậu quả ấy. Mùa khô thì ngột ngạt, bụi bặm được hắt xuống từ những con đường mới mở với nhà cửa và công sở đã ken dày. Một bên là đường Hùng Vương nối dài, bên kia là đường Trần Quý Cáp mở rộng đã thít chặt cái buôn cổ kính vốn hài hòa, thơ mộng này đến mức đông đặc, khô cứng khiến ai đến đây đều khó nhận ra không gian xưa vốn có với rừng cây, bến nước rất đỗi yên bình.
Để cho suối “thở”
Trả lại không gian xanh cho những dòng suối trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhất là dòng Ea Tam ngày càng trở nên yêu cầu bức thiết. Kiến tạo không gian xanh dọc theo hành lang dòng chảy là phương cách cứu lấy những dòng suối ở đây. Đánh mất không gian xanh này, dù bất kỳ lý do nào cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Nhiều ống xả nước thải từ những khu dân cư đô thị ra suối Ea Tam, khiến nguy cơ ô nhiễm nặng. |
Biết vậy, nhưng theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật thì do quỹ đất thuận lợi để phát triển đô thị ngày càng ít đi, buộc nhiều công trình, dự án xây dựng trên địa bàn thành phố phải hướng tới những địa bàn có độ dốc lớn, bám theo hành lang các sông suối, ao hồ tự nhiên vốn có. Việc quy hoạch và xây dựng những công trình, dự án này cần phải được hạn chế nhằm gìn giữ, tôn trọng không gian xanh trên các dòng suối hiện hữu, nhất là suối Ea Nao và Ea Tam vốn được xem là điểm nhấn quan trọng, cần thiết cho mục tiêu phát triển đô thị Buôn Ma Thuột hiện đại và giàu bản sắc. Nếu ý tưởng đó được tuân thủ một cách nghiêm cẩn trong quá trình mở rộng thành phố thì hàng chục buôn làng dọc theo các con suối sẽ được gìn giữ và tôn tạo - từ không gian rừng đầu nguồn, bến nước cho đến kiến trúc, văn hóa đặc trưng. Kiến trúc sư Diêu Quang Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk cũng thừa nhận suối nguồn ở đây là không gian xanh tự nhiên bền vững, không phải đô thị nào cũng sở hữu được - và chính yếu tố đó sẽ làm nên bản sắc Buôn Ma Thuột nếu trong quy hoạch, phát triển hiện tại cũng như tương lai, chính quyền địa phương luôn quan tâm khai thác hợp lý vốn tài nguyên quý báu ấy. Nói đúng hơn, đừng "quay lưng" với các dòng suối, bởi yếu tố sinh thái đó sẽ góp phần tạo nên gương mặt rất riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột. Hơn thế, không gian xanh từ các dòng suối đã từ lâu (và hy vọng cả trong tương lai) vốn đã hòa nhập vào đời sống của cư dân ở đô thị này như một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng.
Với nhận thức trên, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có kế hoạch đầu tư trên 2.700 tỷ đồng (từ nguồn vốn ODA), giai đoạn 2022 – 2025 để cải tạo hạ tầng thuộc hành lang suối Ea Nao và suối Ea Tam nhằm tạo bộ mặt cho những khu đô thị mới giàu bản sắc. Theo đó, trên hành lang dọc theo hai con suối này, sẽ có các dự án/chương trình xây dựng nhiều khu công viên cây xanh, điểm sinh hoạt công cộng, gắn kết với những trung tâm thương mại, dịch vụ để không những khôi phục, tôn tạo không gian xanh cho suối, mà còn đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị theo hướng sinh thái - thương mại hài hòa hơn. Nhiều người hy vọng, một khi các dự án hoàn thành thì những dòng suối kia không những cung cấp và tiêu thoát nước cho hàng nghìn hộ dân dọc các vùng Ea Tu, Tân Lập, Tự An, Ea Tam và Khánh Xuân, Hòa Xuân… mà còn tạo ra hệ sinh thái đa dạng, phong phú giúp cư dân ở đó khai thác, hưởng lợi trên nhiều mặt: sinh kế và cảnh quan và môi trường như nó vốn có trước đây.
UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị dọc hành lang suối Ea Tam (đoạn từ cầu Nguyễn Văn Cừ đến hồ thủy lợi Ea Tam). Quy hoạch sẽ là cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai, xây dựng và là cơ sở để triển khai dự án đầu tư xây dựng các công trình mở rộng, khơi thông, bảo vệ hành lang an toàn, bảo vệ nguồn nước của suối Ea Tam” – (Báo cáo của UBND TP. Buôn Ma Thuột).