Suy nghĩ từ cuộc họp phụ huynh đầu năm học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như thường lệ, sau khai giảng, các trường phổ thông triển khai cho giáo viên chủ nhiệm mời họp phụ huynh. Nội dung cuộc họp này thường là “quán triệt” cho phụ huynh tinh thần năm học mới, yêu cầu của trường, tình hình trường lớp, trách nhiệm phối hợp của phụ huynh trong việc giáo dục con cái, nội quy quy chế, các khoản đóng góp,...

Về các khoản đóng góp, do một số nơi lạm dụng thái quá nên đây thường là nội dung mà phụ huynh và dư luận báo chí lên tiếng nhiều nhất. Ngay đầu năm học, lãnh đạo một số trường ở các địa phương khác đã phải chịu kỷ luật vì vi phạm điều này. Rất may là trên địa bàn tỉnh ta chưa thấy xảy ra và điều tiếng phàn nàn.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng tham gia cuộc họp phụ huynh mới đây, điều khiến tôi  phải nghĩ ngợi, cảm thấy “lợn cợn” trong đầu xuất phát từ thông báo của giáo viên chủ nhiệm về kết quả sau một tuần học tập của con em. Nói tóm lại, giáo viên chủ nhiệm chỉ có chê và bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng cho tương lai của các cháu.

Bởi theo cô, các em học tập chưa tốt, vì ảnh hưởng hè nên vào năm học mới mê chơi hơn mê học. Học sinh đầu cấp bỡ ngỡ như “gà mắc tóc” vì chương trình mới mẻ, kiến thức cao hơn, khó hơn. Các em học tập chưa tốt vì bản thân thiếu chủ động và vì chưa có người kèm cặp  hướng dẫn học bài, làm bài, chuẩn bị bài trước khi đến lớp...

Và rồi giáo viên rất tận tình chỉ ra cách khắc phục các nhược điểm, tồn tại. Nhiều cách, nhưng chung quy không có cách nào tốt hơn là cho học thêm, học kèm! “Bố mẹ nên cho con em đi học kèm để giáo viên bộ môn hướng dẫn thêm. Có thầy cô nói với tôi rằng, đã học dốt mà không chịu đi học kèm là vậy đó (! ?)”-giáo viên chủ nhiệm đề nghị với tất cả sự thông cảm và hiểu biết.

Có thể cô giáo chủ nhiệm hoàn toàn vô tư trong sáng, chẳng có mảy may động cơ cá nhân gì khi kêu gọi phụ huynh cho con đi học kèm như một giải pháp nâng cao chất lượng. Cũng có thể vị này thấy được khuất tất trong môi trường học đường nói chung, trường của cô nói riêng, nên đưa ra lời khuyên chân thành song không kém phần xót xa, cay đắng: học sinh phải học kèm mới có kết quả tốt. Có thể cô kêu gọi phụ huynh cho con học kèm vì liên quan đến trách nhiệm, thành tích của cô, dẫu vẫn biết đó là thành tích “ảo”.

Chưa có hồi kết cho chuyện dạy thêm, dạy kèm. Nhưng để nó ngày càng tiêu cực, biến tướng, xấu đi là không thể chấp nhận được. Phải chấn chỉnh. Và ngành Giáo dục phải đi đầu làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, tiêu cực, bên cạnh sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm