Phóng sự - Ký sự

Tác nghiệp ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đối với các nhà báo, việc tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa là một trải nghiệm đặc biệt.

Trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, nhưng hàng trăm hình ảnh, những câu chuyện về biển, đảo và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa được ghi lại. Sức sống, tinh thần và ý chí Trường Sa được xuất bản trên ấn phẩm báo in, báo điện tử Báo Đà Nẵng qua mỗi lần cử phóng viên theo đoàn công tác ra thăm cán bộ, chiến sĩ, quân dân huyện đảo Trường Sa là cả một quá trình lao động đầy trách nhiệm.

Phỏng vấn Cựu chiến binh Trần Văn Liên trên tàu Kiểm ngư KN 390. Ảnh: T.TÙNG

Phỏng vấn Cựu chiến binh Trần Văn Liên trên tàu Kiểm ngư KN 390. Ảnh: T.TÙNG

Trải nghiệm trên vùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Trong chuyến đi của đoàn công tác số 5-2024 thăm và động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa đầu tháng Tư, có 3 nhà báo của thành phố (Triệu Tùng-Báo Đà Nẵng và Quang Long, Nhật Hoàng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng) tham gia. Đây là vinh dự và trách nhiệm của các nhà báo khi được tới tác nghiệp trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước khi lên tàu, dường như tâm trạng của mỗi nhà báo cùng đoàn có chung cảm xúc nên đã chia sẻ và trao đổi với nhau những kinh nghiệm đi biển, điều kiện tác nghiệp khó khăn, thông tin hạn chế... Trước chuyến đi, đại diện lãnh đạo Cục Chính trị Quân chủng Hải quân đã tổ chức gặp mặt các nhà báo để thông báo hải trình của chuyến đi, những quy định trong việc tuyên truyền về biển, đảo, những mặt thuận lợi và khó khăn trong quá trình tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Nhớ lại chuyến công tác vừa qua đến với Trường Sa và để hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều đầu tiên là chuẩn bị tâm lý sẵn sàng với việc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong suốt hành trình, đặc biệt là vấn sức khỏe, thích ứng với môi trường sinh hoạt trên tàu và sóng lớn ở biển khơi. Trong 7 điểm đảo đoàn lên công tác thì duy chỉ có điểm đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa) mới có cầu tàu để tàu vận chuyển đoàn công tác cập bờ. Các điểm đảo khác tàu công tác neo đậu từ 500- 1.000 mét. Các thành viên phải trung chuyển bằng xuồng ca nô, mỗi xuồng chở 7-10 người. Ở điểm đảo như Đá Thị, đảo cách vị trí tàu KN 390 thả neo khoảng 500m nhưng xuống xuồng để vào đảo cũng là một trải nghiệm khó quên. Nhiều con sóng đánh cao gần 2m khiến xuồng luôn lắc lư. Ở đảo Cô Lin, ca nô di chuyển vòng vong lách mình qua các rạn san hô, đá ngầm. Hết san hô, đá ngầm thì vào các cùng nước xoáy, ca nô phải chạy vòng theo ngọn sóng, động cơ gầm rú, nhích từng mét nước. Hơi nước biển, nắng, gió tạt nước lên xuồng làm cho quần áo cứng như nhuộm bột hồ. Các vị trí tay, mặt tiếp xúc với nắng đều bỏng rát vì khí hậu khắc nghiệt. Phóng viên phải cho các phương tiện tác nghiệp vào các túi ni-lon chuyên dụng của Hải quân. Đảo Đá Thị là đảo chìm, mênh mông sóng nước, hôm đó là 3 giờ chiều, thời tiết trên đảo nóng rát. Cho dù phải tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, thời gian lưu lại của đoàn trên đảo không nhiều, nhưng các phóng viên của đoàn công tác thành phố đã quay phim, chụp ảnh, ghi chép thông tin với nỗ lực hết mình, tận dụng tối đa thời gian để bám sát các hoạt động của đoàn.

Trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa là những đảo nổi, không gian tác nghiệp rộng. Để theo kịp các sự kiện, hoạt động khác nhau của đoàn công tác hầu như chúng tôi vừa đi, vừa chạy; vừa tác nghiệp…Để rồi, những hình ảnh hiên ngang, vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió, các hoạt động sẵn sàng chiến đấu, tham gia sản xuất của bộ đội, tình cảm của các đại biểu dành cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều được ghi lại một cách chân thực nhất; sống động và đẹp đẽ nhất.

Ở mỗi điểm đảo đoàn công tác đến thăm, đại biểu là nhà báo, phóng viên đều ưu tiên lên đảo trước và cũng là thành viên cuối cùng rời đảo. Tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa thực sự là trải nghiệm đáng nhớ. Với lịch trình hoạt động làm việc của đoàn công tác dày đặc, nên áp lực công việc đè nặng lên vai nhà báo. Dường như mỗi nhà báo trở nên thấm mệt với mặt cháy nắng, áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng tất cả muốn có những hình ảnh, khuôn hình đẹp, đặc sắc và phản ánh đầy đủ các nội dung nhất.

Công nghệ, thiết bị số nâng cao hiệu quả sản phẩm báo chí

Hành trang mang theo của cánh báo chí, nhất là báo viết thì rất gọn nhẹ: một laptop, một máy ảnh kỹ thuật số và chiếc điện thoại là đủ. Tuy nhiên, việc đưa tin nóng, tin thời sự về tòa soạn thì chưa bao giờ dễ dàng.

Thời gian trước đây, phóng viên thường đọc tin từ điện thoại về đất liền và đăng tải những bản tin đơn điệu qua con chữ. Nay các sản phẩm báo chí tuyên truyền về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đáp ứng yêu cầu bạn đọc, xem đài với nhiều hình thức thể hiện qua báo chí đa phương tiện. Công nghệ và thiết bị số đã hỗ trợ nhà báo rất nhiều và góp phần nâng cao sản phẩm báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Với ổ nhớ cứng hay USB có thể lưu giữ hàng ngàn tấm ảnh. Hay với chiếc điện thoại, nhà báo có thể chụp ảnh, quay phim, ghi âm; máy ảnh cũng chụp ảnh, quay phim…Các thiết bị công nghệ đã hỗ trợ cho phóng viên rất nhiều, thay thế hoạt động tác nghiệp ở một số công đoạn như thay vì ghi chép sổ tay thì nay đọc nhanh để ghi âm; chụp ảnh file văn bản và khi về đất liền chỉ cần sử dụng các phần mềm chuyển đổi…

Nguồn dữ liệu trong hải trình thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK và sinh hoạt của đoàn công tác sau chuyến đi, Báo Đà Nẵng đã đăng tải vài chục tin, bài và tiếp tục sản xuất nội dung để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, được bạn quan tâm theo dõi và tiếp nhận thông tin tích cực. Nếu như trước đây, Báo Đà Nẵng chỉ sản xuất những tin, bài đăng tải trên báo in; thì nay sản xuất các video-clip, multimedia, emagazine, podcast...

Giữ vững niềm tin và trách nhiệm

Tác nghiệp báo chí ở Trường Sa phải nói là rất đặc biệt. Nó không giống và không theo bất cứ một “kịch bản” định trước nào. Bởi lẽ, ngay cả lịch trình của đoàn công tác cũng có thể bị thay đổi vì thời tiết, vì sóng gió ngoài biển khơi. Dẫu vậy, để tác nghiệp hiệu quả, cần chuẩn bị kỹ từ trong đất liền về hành trình các điểm đến. Cần xác định những đề tài quan tâm, những nhân vật mình dự kiến khai thác để có kế hoạch phỏng vấn…

Dù phải tác nghiệp trong điều kiện vất vả, khó khăn, nhưng sau chuyến công tác có thể là duy nhất trong hoạt động báo chí ở Trường Sa để lại những kỷ niệm khó quên và ấn tượng sâu sắc đối với mỗi người làm báo. Nhà báo Trịnh Quang Long (Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng) cho biết, chuyến công tác mắt thấy, tai nghe về mảnh đất, con người ở quần đảo Trường Sa (các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa) với đủ hạ tầng thiết yếu ấy là đường, điện, trường trạm, nhà chùa, bến tàu... Những điều tưởng chừng đơn giản này chính là sự hy sinh của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước. Thực tế cho thấy, bão giông có thể quật ngã nhà giàn, làm đổ cây, tốc mái của các điểm đảo song không bão giông nào có thể lay chuyển được những chiến sĩ Trường Sa.

Sau khi quay xong những hình ảnh từ trên tháp canh của đảo Sinh Tồn, nhà báo Võ Nhật Hoàng (Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng) nói với tôi rằng: “Được đi, chứng kiến những khó khăn, vất vả mà cán bộ, chiến sĩ ở các điểm đảo, đang phải đối mặt hằng ngày thì mình tự nhận thấy những khó khăn bấy lâu nay của tôi không thấm vào đâu. Đây có lẽ là ý nghĩa nhất để mình nỗ lực vươn lên, bằng cả trái tim và trách nhiệm, làm tốt mọi công việc được giao với sự tận tâm, cống hiến để phần nào tri ân sự hy sinh vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo mà cán bộ, chiến sĩ các thế hệ đang ngày đêm canh giữ”.

Cá nhân tôi thì tác nghiệp nhiều hình ảnh về người chiến sĩ, ở họ toát lên sự can trường và những màu xanh của cây bóng mát, những luống rau xanh là tinh thần, ý chí, sức sống của Trường Sa. Ở mỗi điểm đảo, hay nhà giàn DK1, đức tính kỷ luật của những người lính đảo đã tiếp cho tôi cũng như bao thành viên đoàn công tác về sức mạnh, niềm tin. Có lẽ ngọn lửa của niềm tin ấy đã và sẽ còn cháy mãi trong trái tim mỗi người làm báo khi trở về từ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm