Phóng sự - Ký sự

69 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955-27/2/2024)

Tái sinh: Người thầy đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không gian im lặng đến tuyệt đối. Trên những chiếc bàn mổ, họ nằm đó, thân xác đã khô lại, đổi màu. Phút giây cúi đầu tưởng niệm những người hiến xác cho khoa học, các sinh viên y khoa hiểu rằng dù đã bước vào giấc ngủ ngàn thu, nhưng họ lại “lên đường” cho một cuộc tái sinh mới hiện hữu ở cõi đời.

Và không ai khác, những thân xác đó là “người thầy thầm lặng” của sinh viên ngành y…

Đặt hoa tưởng niệm những người hiến xác vì y học.

Đặt hoa tưởng niệm những người hiến xác vì y học.

Quà tặng vô giá

Tôi theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Trưởng bộ môn Giải phẫu (Trường Đại học Y Hà Nội) vào phòng lưu trữ các mô, tạng, chi thể và xác người hiến. Không gian tĩnh lặng, hàng trăm lọ thủy tinh đựng các mô tạng được bảo quản trong dung dịch sắp xếp ngăn nắp. Cuối căn phòng rộng, tôi thấy 2 chiếc khay đựng thân xác của 2 người đàn ông. Một vài bác sĩ đang trao đổi, phân tích về giải phẫu cơ thể người. “Họ là những bác sĩ trẻ đang nghiên cứu về nhóm cơ”, tôi khẽ giật mình khi bác sĩ Nghĩa cất lời. Trong không gian ấy, với một người bình thường, không làm ngành y như tôi mà nói không sợ thì cũng không đúng. Nhưng hơn cả là cảm giác linh thiêng, trân trọng và xúc động. Hai con người nằm đó im lặng, tôi không biết họ là ai, khi còn sống làm công việc gì. Nhưng giây phút này đây với tôi và những bác sĩ trẻ thì họ là cả thế giới mới mẻ, vô cùng cao quý vì đã hi sinh thể xác mình cho khoa học.

Lặng lẽ ở phía xa của căn phòng, cậu sinh viên đang trầm tư chăm chú quan sát những lọ thủy tinh chứa formol ngâm bộ phận cơ thể người. Tôi lại gần mở lời hỏi em học năm thứ mấy rồi. “Em năm 2 chị ạ, nhiều lần em và các bạn được đến đây học các môn giải phẫu trên xác những người đã mất. Nhưng lần nào cũng vậy, vẫn vẹn nguyên cảm giác vừa thương, vừa biết ơn những con người này. Nếu không có sự hi sinh thân xác lớn lao của họ, những sinh viên bọn em sẽ không cơ hội học hỏi và hiểu rõ hơn về các bệnh lí, cơ thể con người”. Mới gặp tôi lần đầu nhưng có lẽ không gian đặc biệt nơi này khiến cậu có nhiều tâm sự. “Em đã tình nguyện khi mất đi sẽ hiến xác cho các trường y khoa cũng như nội tạng cho những ai cần để hi vọng đáp đền, tri ân cuộc sống đã giúp em có nhiều thứ”, cậu nói với tôi bằng chất giọng trầm ấm, trong mùi hương trầm tỏa ra nhè nhẹ từ ban thờ đặt trang trọng ở căn phòng gần đó.

PGS.TS Đồng Văn Hệ - PGĐ BV Việt Đức và TS. Nguyễn Đức Nghĩa (đứng giữa) giải thích cho PV về quá trình giải phẫu xác hiến.

PGS.TS Đồng Văn Hệ - PGĐ BV Việt Đức và TS. Nguyễn Đức Nghĩa (đứng giữa) giải thích cho PV về quá trình giải phẫu xác hiến.

Tôi nhìn những cô, cậu sinh viên y khoa đang chăm chú quan sát. Chính họ, những bác sĩ tương lai sẽ đặt đường dao đầu tiên trên hình hài đang nằm yên lặng kia trước khi chinh phục những khó khăn của hành trình cứu chữa người bệnh… Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học.

Con người từ hư vô mà đến, sống hết một kiếp người rồi lại đi vào hư vô. Những người thầy thầm lặng ấy đã trao tặng món quà vô giá là thân thể mình cho khoa học để nhận lại giá trị vững bền ở tương lai, đó là những kiến thức giúp các bác sĩ cứu chữa cho ngàn vạn số phận. Cuộc đời mỗi người thực chất là những vòng tuần hoàn đáng quý của sinh mệnh, không ai luôn được và cũng không ai luôn mất, nên hãy biết sống để cho đi. Và một sự thật rằng, lẽ đời thì vô thường mà con người chỉ là hữu hạn trong thế giới rộng lớn đến vô hạn… Đạo Phật quan niệm thân xác khi trở về với cát bụi dù thiêu hay chôn, nếu biết sử dụng vào các mục đích y khoa thì không còn là vật vô dụng nữa, mà trở nên hữu ích cho xã hội. Có lẽ thấu hiểu chân lí ấy, những con người dẫu về bên kia thế giới vẫn tận hiến cuộc đời mình để biết bao thân thể bệnh tật, lay lắt được hồi sinh trong thế gian này.

“Tôi có ước nguyện sau khi chết sẽ hiến xác cho khoa học. Tôi nghĩ rằng làm được như thế thì mình dẫu chết rồi vẫn còn có ích cho đời. Tuy nhiên, có người nói rằng nếu hiến xác thì kiếp sau khi đầu thai làm người, thân thể sẽ bị khiếm khuyết các bộ phận đã cho”, tôi đọc được những dòng chân tình ấy trong lá đơn của một người đàn ông gửi đến Bộ môn Giải phẫu (Trường ĐH Y Hà Nội).

Anh Bùi Thanh Tuấn ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) đã thực hiện theo tâm nguyện của mẹ mình 2 năm trước, hiến toàn bộ thân xác cho y học khi qua đời. Quyết định lúc ấy đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Thậm chí, có người cho rằng gia đình thuần nông khốn khó nên bán xác. Nhưng rồi hành động mang ý nghĩa lớn lao đã hóa giải tất cả định kiến. Vậy mới thấy, khi quan niệm về tín ngưỡng còn nặng nề thì việc hiến xác cho khoa học là một quá trình gian nan đấu trí với bản thân, với gia đình và dòng tộc. Chính những người dũng cảm vượt qua tất cả để quyết định hiến xác sau khi chết đã góp phần vào sự thành công cho tay nghề của các bác sĩ cũng như sự tiến bộ không ngừng của y học.

SV trường ĐH Y Hà Nội bên những xác hiến tại Lễ Macchabeé.

SV trường ĐH Y Hà Nội bên những xác hiến tại Lễ Macchabeé.

Tri ân

Hằng năm tại nhiều trường ĐH Y thường tổ chức Lễ Macchabeé - Tri ân những Người Thầy Im Lặng để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với nghĩa cử cao đẹp của những người đã tình nguyện hiến dâng thân thể của mình cho sự nghiệp y học và khoa học của nhân loại. Lễ Macchabeé cũng truyền đi thông điệp ý nghĩa, khơi dậy và nuôi dưỡng nét văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”, “ Tri ân tiếp nối”, thắp lên trong tâm hồn mỗi chúng ta cảm xúc sâu lắng, lòng biết ơn tới đức hi sinh cao cả của những người dù ngừng thở nhưng không ngừng cống hiến. Thật khó có thể diễn tả hết sự kính trọng, biết ơn với những người đã hiến xác cho y học cũng như gia đình họ. Phút mặc niệm trước thân thể của những người đã hiến xác cũng là thời khắc thầy và trò ngành y cúi mình trước những người thầy thầm lặng bất tử với đức hi sinh, lòng nhân ái, đóng góp quan trọng vào quá trình ươm mầm cho những thầy thuốc tương lai.

Bất cứ sinh viên y khoa nào cũng đều trưởng thành từ người thầy đầu tiên là những thi thể ở phòng giải phẫu - những người thầy vô danh, điểm tựa cho rất nhiều bác sĩ bước lên bục vinh quang. Những người sẵn sàng tình nguyện hiến xác- để tái sinh hàng triệu mầm sống coi sự dâng hiến là hạnh phúc. Sự sống khởi nguồn từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh - đó mãi là chân lí không gì thay đổi được...

(Còn nữa)

Cố PGS.Nguyễn Quang Quyền, Trưởng Bộ môn Giải phẫu Đại học Y Dược TP HCM - từng nói: “Người thầy thật sự hi sinh cuộc đời mình cho y học..., đó là những thi thể người thả mình trong formol ở phòng giải phẫu, là sau khi chết để cơ thể mình cho các nhà y học xưa băm nhỏ, vắt lấy dịch để đo lượng máu tuần hoàn trong cơ thể người. Đừng quên rằng từng dây thần kinh, mạch máu,… các anh lục tìm trong những thi thể ấy đã giúp mang đến tên tuổi cho nhiều nhà phẫu thuật tài danh”.

Có thể bạn quan tâm