Phóng sự - Ký sự

Tái thiết sau bão Yagi - Kỳ II: Không còn gì, chỉ còn nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bão Yagi quét qua Quảng Ninh chỉ 5 tiếng nhưng lấy đi của người dân công sức lao động của cả chục năm. Tài sản không còn, tư liệu sản xuất bị bão đánh bay, còn món nợ ngân hàng vẫn hiện hữu từng ngày.

Nước mắt nghề nuôi biển

Trong hơn 25.000 nghìn tỷ đồng thiệt hại của Quảng Ninh do bão gây ra, phần lớn là thiệt hại về nông nghiệp. Ngư dân ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Đứng trước “núi” bè mảng nuôi hàu bị bão quần chất đống trên biển, ông Sỹ ngậm ngùi cùng con trai cắt từng chiếc phao nhựa mà gia đình mới đầu tư gần 1 tỷ vì chính sách bảo vệ môi trường phải thay thế xốp truyền thống. Cắt được cái nào hay cái đấy để còn cố gây dựng lại nghề vì ngoài nuôi hàu, hà, gia đình ông không có nghề nào khác đủ khả năng trả nợ ngân hàng.

Gia đình ông Sỹ là một trong những hộ nuôi hàu, hà có quy mô và lâu đời nhất ở thị xã Quảng Yên nhưng đứng trước cảnh tàn phá của bão Yagi, người đàn ông miền biển rắn rỏi ấy vẫn bật khóc tức tưởi vì mất mát quá lớn. Gần 30 dây hàu, mỗi dây ước chừng 4 đến 5 tấn đang sắp đến ngày thu hoạch. Với giá hàu sữa hiện tại hơn 15 nghìn đồng/kg, vị chi gia đình ông mất trắng hơn 2 tỷ tiền hàu và hơn 2 tỷ tiền đầu tư cơ sở, con giống và công chăm sóc.

Sau bão Yagi, người nuôi hàu, hà ở Quảng Yên gần như tay trắng, toàn thị xã có hơn 800 bè nuôi hàu nhưng không còn một cái nào nguyên vẹn. Hàng chục nghìn tấn hàu, hà bị bão quần thảo, chất đồng như núi giữa biển. Trong khi đó những hộ nuôi cá biển cũng khóc ròng khi 1.700 lồng nuôi bị bão đánh tan, toàn bộ hơn 500 tấn cá các loại trôi ra biển. Lồng nào may mắn không bị rách lưới thì cá cũng không sống nổi vì bị sóng đánh trầy vi, tróc vảy, dập đầu.

Khốn khó hơn người nuôi biển ở Quảng Yên là người dân huyện Vân Đồn, nghề nghiệp chính bao đời nay của họ là nghề biển. Theo thống kê sơ bộ thiệt hại ban đầu về ngư nghiệp của huyện vào khoảng 32.112 tấn, trong đó hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn. Chưa kể đến hàng chục tàu thuyền bị bão đánh chìm, hàng loạt nhà bè của ngư dân bị xóa sổ.

“Từ 5 ô nuôi cá lồng ban đầu, gia đình tôi phát triển lên 10 ô, đến hiện tại là 60 ô lồng nuôi cá biển. Mỗi ô lồng phải có đến 1,8 - 2 tấn cá thương phẩm, những con cá song nặng từ 5-8kg, cá giò nặng từ 3-5kg/con, đều sắp xuất bán. Vậy mà mất trắng rồi!”, bà Dương Thị Gái, khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn nói trong nước mắt.

Xót xa nghề trồng rừng

Dưới biển ngư dân trắng tay, trên rừng những người nông dân cũng khóc ngất vì hàng chục nghìn héc ta cây trồng sắp đến ngày thu hoạch bị Yagi quật gãy. Nhiều người đang sắp thành “tỷ phú” trồng rừng bỗng trắng tay và ôm một đống nợ.

Với hơn 100 nghìn héc ta rừng trồng ở Quảng Ninh bị thiệt hại do bão, người nông dân lâm vào cảnh nợ nần, không có nguồn lực để trả nợ. Cái khó nhất của người trồng rừng lúc này là đầu ra và nhân công. Thương lái ép giá khi cây bị gãy đổ, việc tìm nhân công để thu hoạch nhanh cũng không có vì ai cũng lo khắc phục thiệt hại của gia đình. Nhiều cánh rừng chấp nhận để chết khô sau bão.

“Trong vài năm tới sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn cung gỗ rừng trồng. Cần có biện pháp, cơ chế chính sách kịp thời để người dân có thể tái trồng rừng trong thời gian sớm nhất để tránh đứt gãy nguồn cung”.

Anh Huỳnh, nông dân trồng rừng xã Tân Dân, TP Hạ Long

Chị Hoàng Thị Lâm (thôn Tân Hải, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả) cho biết, gia đình có 130ha rừng keo đến kỳ thu hoạch. Trước bão thương lái trả giá 100 triệu đồng/ha nhưng chồng chưa muốn bán vì thời tiết năm nay thuận, cây phát triển tốt. Thế rồi bão vào, 130ha rừng keo xanh mơn mởn bỗng chốc trơ trọi như ai mang rìu đến chặt hạ.

“Núi” bè mảng nuôi hàu bị bão quần chất đống trên biển Quảng Yên.

“Giờ vợ chồng tôi đành đi mót lại những cây keo còn tương đối trên đồi để chở đi bán. Nhiều người cùng bán nên bị tiểu thương ép giá xuống rất nhiều”, chị Lâm kể.

Gia đình anh Huỳnh ở xã Tân Dân, TP Hạ Long cũng đứng ngồi không yên, gần 100ha rừng trồng bị bão tàn phá không kiếm được đầu ra. Các thương lái chỉ trả 600 -700 nghìn đồng/ tấn cho loại cây trồng 5-6 năm. Với giá này anh chỉ đủ tiền chi trả nhân công, vận chuyển. Chủ rừng là anh coi như trắng tay.

Toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 100 nghìn héc ta rừng trồng bị tàn phá và đang rất cần đầu ra, chính việc này đã đẩy giá gỗ xuống thấp. Các thương lái và các xưởng phay dăm gỗ cũng sẽ không đủ lực để thu mua tất cả. Nhưng theo người dân việc đó không quan trọng bằng việc trong vài năm tới sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn cung gỗ rừng trồng. Cần có biện pháp, cơ chế chính sách kịp thời để có thể tái trồng rừng trong thời gian sớm nhất, tránh đứt gãy nguồn cung.

Thông tin về tình hình giá thu mua gỗ keo bị sụt giảm sau bão Yagi, bà Phạm Thị Xuân, lãnh đạo Công ty Thái Hưng, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu và thu mua gỗ keo tại Cụm công nghiệp Cái Lân cho biết: Với tình hình thiệt hại nặng nề về công trình nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, các doanh nghiệp không còn mặt bằng chứa lượng dăm keo và đang tập trung sửa chữa, khắc phục hậu quả sau bão.

Bà Gái khóc nghẹn vì trắng tay sau bão Yagi.

“Gần 30 dây hàu, mỗi dây ước chừng 4 đến 5 tấn đang sắp đến ngày thu hoạch. Với giá hàu sữa hiện tại hơn 15 nghìn đồng/kg, vị chi gia đình ông Sỹ mất trắng hơn 2 tỷ tiền hàu và hơn 2 tỷ tiền đầu tư cơ sở, con giống và công chăm sóc”.

-

Cũng theo bà Xuân, thời điểm này, lượng xuất khẩu dăm keo sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc bị đình trệ do thiên tai. Bên cạnh đó băng tải, cẩu và các thiết bị khác hư hỏng nặng, tầu chìm và hư hỏng, luồng lạch ách tắc. Đây là thời gian cao điểm khai thác gỗ tại nước bạn, do vậy lượng thu mua dăm keo sẽ bị sụt giảm nhiều so với thời điểm trước bão.

Trước những khó khăn chồng chất của ngành nông nghiệp, ngay sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn để tìm cách tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch Quảng Ninh yêu cầu các địa phương thực hiện ngay chính sách hỗ trợ, khắc phục bước đầu theo quy định của Chính phủ và địa phương.

Bão quật gãy ngang những rừng cây đang đến độ thu hoạch.

“Tỉnh đã có văn bản gửi ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp... Đây sẽ là động lực mới để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với ngân hàng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

(Còn nữa)

Theo Hoàng Dương (TPO)

Có thể bạn quan tâm